Cận cảnh Đàn tế Nam Giao hơn 600 năm tuổi ở Thanh Hóa
Đàn Nam Giao là thành phần quan trọng cấu thành di sản thế giới Thành Nhà Hồ, gồm tòa Hoàng thành ( thành nội ); di tích La thành và đàn Nam Giao (tổng diện tích 155,5ha).
Đàn Nam Giao thuộc di sản thế giới Thành Nhà Hồ, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 1A; cách TP Thanh Hóa khoảng 40 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 45. Di sản thế giới Thành Nhà Hồ thuộc địa giới hành chính xã Vĩnh Thành và Tiểu khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Đàn Nam Giao gắn liền với sự ra đời của vương triều Hồ trong lịch sử nước ta. Năm 1397 Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở vùng đất An Tôn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay), sau đó đến năm 1398 cho dời đô từ Thăng Long về An Tôn, đổi tên gọi là Tây Đô.
Để hoàn thiện kinh đô mới, bên cạnh việc xây dựng cung điện trong Hoàng thành, đắp La thành…vương triều Hồ đã cho đắp đàn Nam Giao.
Thời gian qua đi, với sự tác động của thời gian, khí hậu, con người, đàn Nam Giao thuộc di sản thế giới Thành Nhà Hồ (Tây Đô) dần trở thành phế tích.
Đàn Nam Giao bị quên lãng trong lòng đất qua nhiều thế kỷ. Khu Di tích đàn Nam Giao được phát hiện, đưa vào thống kê từ những năm 80 của thế kỷ XX. Năm 1990 cụm di tích lịch sử văn hóa gồm: Đền thờ Trần Khát Chân , Chùa Giáng (Tường Vân), Chùa Giò (Nhân Lộ) và đàn tế Nam Giao thuộc xã Vĩnh Thành đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Những bí ẩn của đàn Nam Giao Tây Đô bắt đầu được hé lộ từ năm 2004 cho đến hiện nay, qua kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ. Tháng 10 năm 2007 đàn Nam Giao đã được công nhận là di tích khảo cổ cấp Quốc gia.
Kể từ năm 2004 đến năm 2016, đàn Nam Giao Tây Đô đã qua 4 lần nghiên cứu khai quật với tổng diện tích 18.000m2. Việc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên phần lớn kiến trúc chính với quy mô và cấu trúc của di sản đã được nhận diện.
Đàn tế Nam Giao với diện tích 4,3ha có kiến trúc khá độc đáo: Lưng dựa núi, mặt nhìn về hướng Nam, các nền đàn được sắp xếp giật cấp cao dần lên. Tính từ chân Đốn Sơn, đàn tế được xây dựng trên 5 cấp nền, được cấu trúc theo hình dạng chữ nhật, quay hướng Nam.
Nền đàn 1 có diện tích 356,5m2, được bó xung quanh bằng các phiến đá vôi hình khối chữ nhật, ở phía Bắc dựa núi Đốn Sơn. Đây là nền đàn cao nhất, trên đó có kiến trúc Viên đàn, (nền đàn hình tròn).
Nền đàn 2, diện tích 10.024m2, bao quanh nền đàn 1. Nền đàn 2 quan trọng nhất bởi các kiến trúc chính liên quan đến tế giao đều tập trung ở đây như: Các vòng tường đàn, đường đi, 2 cổng tam quan, sân lát gạch, các cửa ra vào và đặc biệt là các kiến trúc nền thờ các thần.
Nền đàn 3, diện tích 4.438m2, phía Bắc giáp nền đàn 2, phía Nam tiếp giáp nền đàn 4. Tại đây có kiến trúc sân lát nền, cụm kiến trúc ở phía Đông (chưa rõ công năng).
Nền đàn 4, diện tích 4.572m2, phía Bắc tiếp giáp nền đàn 3 và nền đàn 5; tại đây có cụm kiến trúc phía Tây và di tích Giếng Vua.
Giếng có tên gọi khác là giếng Ngự Duyên, giếng Ngự Dục. Vị trí của giếng nằm ở góc Đông Nam nền đàn 4. Giếng có mặt bằng hình vuông (13m x 13m). Giếng có cấu trúc 2 phần: Thành giếng được xây bằng các khối đá vôi, lòng giếng hình tròn (đường kính 6,5m), mặt cắt hình phễu; độ sâu tính từ miệng giếng xuống là 4,90m.
Nền đàn 5 có diện tích 23.610m2, hiện nay đang trong quá trình khai quật nghiên cứu.
Cùng với các di tích khác, đàn Nam Giao đã hợp thành một quần thể kiến trúc đặc trưng của triều Hồ. Di sản đã góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế xã hội của triều Hồ. Đàn tế Nam Giao đã góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của Thành Nhà Hồ và góp phần đưa tổng thể di tích Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Thế giới.
Những con đường xứ Huế
Vừa rời Huế được ít ngày thì nghe tin bão dữ ập vào cố đô. Thiệt hại rất nặng nề, đáng chú ý là hàng chục ngàn cây xanh bị gãy đổ trong lòng thành phố, và cơn bão số 5 đã quật ngã hơn 200 cột điện ở Huế vẫn đang là một câu hỏi lớn... Hệ lụy của bão càng khiến người yêu Huế hướng về đất Thần Kinh với những con đường đẹp lạ lùng chạy xung quanh bờ thành quách rêu phong và nhịp sống chậm rãi vẫn lưu lại xứ này.
Đường Lê Lợi- một trong những con đường đẹp nhất của Huế.
Người trót nặng lòng với Huế thường chọn lưu trú trong khu thành nội, dù ở đây chỉ có khách sạn nhỏ hoặc homestay, bao quanh là khu dân cư. Nhưng bù lại du khách được tận hưởng một không khí đặc sệt Huế. Khách sạn nằm trên đường Thạch Hãn, bên cạnh là các cửa hàng cà phê, ăn vặt và thời trang. Phố sạch như lau như li, người Huế gần gũi nhưng kín đáo và trầm lặng.
Từ phố Thạch Hãn, tản bộ ra khu Đại nội khá gần để thong dong trên đường 23 Tháng 8, đường Phượng Bay, đường Lê Huân, đường Đặng Thái Thân...những lối mòn rợp bóng cây hun hút dài chạy theo bờ thành quách phủ màu thời gian. Và có lẽ con đường Phượng Bay chính là nguyên nhân dẫn dụ không ít người đến với Huế.
Nếu có hứng thú ngồi xích lô, du khách có thể chọn phương tiện này để ngao du qua các con phố nhỏ trầm mặc, ngồi trên xích lô sẽ có được cái cảm giác phiêu diêu rất lạ. Những vòng xe quay chầm chậm lướt đi trên những con đường rợp bóng lá me bay. Xe đi đến đâu thành cổ, phố xá, dòng sông và cả những khu vườn yên tĩnh hiện dần ra trước mắt khiến lòng người cứ lưu luyến mãi.
Trời Huế vào thu, sáng sớm những con đường phủ một làn sương mỏng tang trong tiết trời se lạnh, để thấy đường đi như dài hơn. Chợt nghe đâu đó lời hát: "Trời Huế vào thu chưa em? Ở đây trời làm mưa bay. Mây xa bể rất nhiều. Hàng cây mưa lá vàng...".
Nếu may mắn, du khách sẽ gặp được một giáo chức gắn bó nghề xích lô mưu sinh khi về hưu, bởi thế mà câu chuyện về Huế với những biến thiên của lịch sử qua lời kể của người giáo chức cứ kéo dài vô tận, với quá khứ và hiện tại đan xen.
Cũng từ đó, du khách hiểu hơn về các đời vua, các bà hoàng hậu cũng như hậu duệ của họ đang phiêu bạt ở đâu. Với ẩm thực thì khỏi nghĩ, người lái xích lô sẽ chỉ cho bạn quán bún bò Mụ Rơi ở phố Nguyễn Chí Diểu hay quán bún cá quả được nấu tinh tế trên phố Thạch Hãn.
Xứ Huế lạ lắm, hễ chạm tay là chạm vào quá khứ, bước chân trên di sản. Cũng có thể vì sống trong vùng đất của vua chúa dường như vẫn còn nguyên vẹn từ hàng trăm năm qua, vậy nên những người dân sống ở kinh thành ngày nay vẫn ưa hoài cổ. Điều đó thể hiện ở cách mà người Huế tiếp nhận cái mới, cái lạ. Nói như người Huế thì những gì mới, cái lạ du nhập vào Huế đều cần phải có một thời gian dài để thẩm thấu sau đó mới được tiếp nhận.
Dễ dàng nhận thấy, trong các quán cà phê, nếu ở các điểm đến khác như Hà Nội, hay TP Hồ Chí Minh người ta thích nghe nhạc trẻ hay dễ dàng chấp nhận những sáng tác mới. Nhưng người Huế vẫn chuộng nghe nhạc tiền chiến, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn. Hay để ý, với người con gái Huế phần lớn họ vẫn để tóc dài và coi trọng tà áo dài truyền thống và thích nấu ăn...
Lại nói về những con đường Huế, có lẽ con đường lãng mạn nhất và cũng được nhiều người biết đến nhất (với cả những người chưa đặt chân đến Huế) là đường Phượng Bay trong ca khúc "Mưa hồng" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cũng chỉ bởi lời bài hát này, con đường đã khiến nhiều người phải lòng Huế.
Con đường này từng gây tranh cãi trong giới văn nghệ suốt thời gian dài. Khi ca sĩ Khánh Ly hát "Mưa hồng" rất thành công ở hải ngoại, nhiều khán giả hỏi cô đường Phượng Bay là đường nào ở Huế, và câu hỏi mãi chưa thể giải đáp. Trước đó, có người khẳng định đường Phượng Bay chính là đường Đoàn Thị Điểm nằm trong Kinh thành Huế, cũng là một trong những con đường đẹp nhất xứ Huế. Tuyến đường này có nhiều loài cây muối, cây phượng vỹ, luôn tạo cảm giác mát rượi cho người dân và du khách đi qua.
Để rồi, tới năm 2000, trong một cuộc phỏng vấn tình cờ, Trịnh Công Sơn mới hé lộ tung tích của đường Phượng Bay đã gợi cảm hứng cho ông viết ca khúc "Mưa hồng": "...Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau..." chính là con đường Lê Duẩn bây giờ, con đường ngày ấy chạy ngang trước Phu Văn Lâu.
Người đạp xích lô kể: Thực ra trước năm 1975, đường Lê Duẩn (lúc đó gọi là đường Trịnh Minh Thế) kéo dài từ cửa Ngăn cho đến cầu Bạch Hổ rất hẹp. Đoạn đường này có rất nhiều cây phượng. Thuở ấy rất hiếm xe ô tô, hầu như xe đạp, phượng cổ thụ hai bên đường đan vào nhau rất tình tứ, tạo thành vòm màu lục sáng bên dòng sông Hương.
Khi những nữ sinh Huế đạp xe ngang qua, gió khiến lá phượng rơi trên tà áo dài trắng tạo thành khung cảnh lãng mạn, đẹp như thơ. Và cảnh ấy đã đi vào bài "Mưa hồng" của nhạc sĩ họ Trịnh.
Cũng có một con đường làm du khách ngẩn ngơ, đó là đường Lê Lợi nằm bên dòng Hương giang thơ mộng. Đây cũng là con đường có nhiều cây cổ thụ lâu đời với những gốc cây lên đến hàng chục năm tuổi. Những loại cây chủ yếu trên con đường này thường là xà cừ, long não. Con đường với hai hàng cổ thụ mướt xanh càng làm nổi bật những tà áo trắng của nữ sinh Quốc học và Hai Bà Trưng khi tan trường. Vì thế từng có giai đoạn con đường này được đặt tên là đường Áo Trắng.
Vẻ đẹp đó đã đi vào thơ vào nhạc, và có lẽ câu thơ của Nguyễn Bính là đắt hơn cả: "Dịu dàng đôi ngón tay tiên/Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường". Vẻ đẹp có sức mạnh khiến cho người ta bần thần của nữ sinh Huế còn được khắc họa trong câu ca dao nổi tiếng: "Học trò trong Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế chân đi không đành".
Ở Huế còn có con đường ướp hương sen bên hồ Tịnh Tâm - dấu ấn hoàng gia bên ngoài Đại nội. Ở đây có khá nhiều quán cà phê đẹp cho khách vừa ngồi uống cà phê vừa thưởng hoa. Theo sử sách, trước đây sen ở Hồ Tịnh Tâm được trồng để phục vụ ẩm thực cho vua và hoàng cung, do kết cấu thổ nhưỡng ở tầng đáy khác biệt và giàu phù sa nên hạt sen Tịnh Tâm thơm ngon, bổ dưỡng không đâu sánh bằng. Về sau một điều khiến người Huế tiếc nuối chính là không còn được trồng loài hoa sen trắng xứ Huế quý hiếm trong hồ Tịnh Tâm như ngày xưa vì nước hồ bị ô nhiễm nặng nề.
Ông Lê Văn Chính, người trồng sen trong hồ Tịnh Tâm hơn 40 năm tâm tư, nhiều năm nay hồ Tịnh Tâm chỉ trồng được giống sen cánh hồng cao sản có xuất xứ từ Đồng Tháp. Cứ mỗi lần trời Huế đổ mưa, nước thải sinh hoạt của người dân ở trong kinh thành Huế đổ dồn xuống lòng hồ khiến nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sen trắng xứ Huế là giống kiêu kỳ, không chịu được nước bẩn nên trồng được bao nhiêu thì chết hết từng đó. Nhưng cũng theo ông Chính, một tin với với Huế là loài hoa sen trắng Huế quý hiếm vừa trở lại với hồ Tịnh Tâm cũng như Đại nội và nhiều lăng tẩm để du khách có cơ hội chiêm ngưỡng loài sen quý này.
Chị Oanh, người bán đậu hũ bên bờ sông Hương.
Ngoài những con đường trong khu thành nội, Huế có cung đường ấn tượng là tuyến đường Kim Long nối dài với đường Nguyễn Phúc Nguyên nằm bên dòng sông Hương. Điểm đặc biệt của cung đường này là có nhiều cây xanh, và phủ đệ nổi tiếng. Cung đường Kim Long nằm bên dòng sông Hương từng xuất hiện trong cảnh phim Mắt Biếc được nhiều người biết tới.
Hay tuyến đường Phú Mộng qua khu nhà vườn Phú Mộng - Kim Long rợp bóng cây xanh. Không gian ở đây vẫn giữ nét bình dị, cổ kính.
Cung đường qua chùa Thiên Mụ nằm bên dòng sông Hương. Đây là địa điểm có thể ngắm được dòng sông Hương rõ nét nhất. Du khách cũng có thể ngồi nhậu lai rai ở quán Bờ Kè (gần chùa Thiên Mụ) để ngắm sông Hương lững lờ, thấp thoáng những tà áo dài tím đi lễ chùa. Hay thưởng thức món đậu hũ cô Oanh để được nghe câu chuyện bên gánh tào phớ giản đơn nhưng cô Oanh nuôi được 4 người con vào đại học. Gánh hàng của cô cũng khiến nhiều du khách tới Huế tìm kiếm thưởng thức bằng được....
Với Huế, những con đường rợp bóng cây dường như đã trở thành một thương hiệu. Bởi thế, bão số 5 đã quật ngã 15.000 cây xanh của riêng TP Huế khiến nhiều người yêu Huế không khỏi xót xa.
Xứ Huế lạ lắm, chạm tay là chạm vào quá khứ, vậy nên người Huế là những người ưa hoài cổ. Điều đó thể hiện ở cách mà họ tiếp nhận cái mới, cái lạ, đều cần phải có một thời gian dài để thẩm thấu sau đó mới được tiếp nhận. Dễ dàng nhận thấy, trong các quán cà phê, nếu ở các điểm đến khác như Hà Nội, hay TP Hồ Chí Minh người ta thích nghe nhạc trẻ thì người Huế vẫn chuộng nghe nhạc trữ tình, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn. Phần lớn con gái Huế vẫn để tóc dài, thích mặc áo dài và thích nấu ăn...
Giảm giá vé tham quan di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ Từ ngày 1/10-31/12, mức vé tham quan sẽ được giảm 30% đối với các đoàn tour du lịch đến tham quan di sản; giảm 50% mức phí tham quan đối với khách nội tỉnh (trong tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: Thông Thiện/Báo Ảnh Việt Nam) Sáng 30/9, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ ông Nguyễn Bá Linh cho biết...