Brazil: Hàng nghìn người biểu tình đòi phóng thích cựu Tổng thống Lula
Ngày 7/4/2019, hàng nghìn người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã biểu tình ở nhiều thành phố, đánh dấu tròn một năm ông bị bắt ở São Paulo.
Những người biểu tình tại nhiều thành phố khác nhau của Brazil yêu cầu thả cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Bị tống giam cách đây một năm vì tham nhũng, ông Lula da Silva tuyên bố mình vô tội.
Tại thành phố Curitiba ( phía nam Brazil), hàng nghìn người tụ tập trước nhà tù nơi ông Lula da Silva đang bị giam cầm một năm qua. Trong khi đó, một nhóm những người ủng hộ ông đã diễu hành trước trụ sở của cảnh sát liên bang ở Curitiba, và giơ cao biểu ngữ “Liberty for Lula” (thả tự do cho Lula).
Trong một bức thư được đọc trước đám đông người biểu tình, Chủ tịch Đảng Lao động (PT) Gleisi Hoffmann khẳng định cựu tổng thống Lula da Silva, 73 tuổi (cầm quyền từ 2003 đến năm 2010) bị oan sai và rằng bản án dành cho ông là “không công bằng”.
Chủ tịch Đảng Lao động, Gleisi Hoffmann, phát biểu trước những người biểu tình đòi trả tự do cho cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại Curitiba vào ngày 7/4/2019.
Những người biểu tình – gồm khoảng 10.000 theo các nhà tổ chức, hay từ 3.000 đến 5.000 theo cảnh sát bang Parana – cũng hô vang khẩu hiệu thù địch với tổng thống bảo thủ đương nhiệm của Brazil Jair Bolsonaro.
Video đang HOT
Các sự kiện tương tự đã được tổ chức tại các thành phố khác của Brazil, bao gồm Sao Paulo và Belo Horizonte.
Một năm trước, ông Lula đã bị kết án 12 năm và một tháng tù giam, ông đang được giam trong một phòng rộng 15 mét vuông trên tầng bốn của trụ sở Cảnh sát Liên bang. Mỗi buổi sáng, một số ít các nhà hoạt động cắm trại trước trụ sở này và nói to về phía phòng giam ông: “Xin chào Tổng thống Lula!”
Ông Lula bị buộc tội nhận quà bằng hiện vật từ các công ty xây dựng. Những công ty này sau đó trúng thầu các hợp đồng công liên quan đến công ty nhà nước Petrobras. Kể từ khi bị giam vào ngày 7/4/2018, ông Lula chỉ được ra tù hai lần, một trong số đó vào đầu tháng 3/2019 để dự lễ tang của cháu trai.
Nh.Thạch
Theo Petro times
Thủ tướng Israel tận dụng 'lá bài Mỹ' như thế nào trong bầu cử
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sắp bước vào cuộc bầu cử nhiều thách thức, song ông có sự ủng hộ giá trị từ "người bạn trong Nhà Trắng" - Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cùng dự một sự kiện. Ảnh: AFP
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết trong các phát biểu, video đăng tải trên mạng xã hội, bảng hiệu... vận động tranh cử của Thủ tướng Netanyahu đều có hình ảnh Tổng thống Trump. Theo AP, tại Israel việc có mối quan hệ tốt với ông chủ Nhà Trắng luôn được coi là một lợi thế.
Cũng lấy cảm hứng từ cách dùng từ của nhà lãnh đạo Mỹ, Thủ tướng Netanyahu gọi cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông là "cuộc săn phù thủy". Trên thực tế, Tổng thống Trump từng gọi cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller là "cuộc săn phù thủy".
Đối với Thủ tướng Netanyahu, mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump là điều đáng mừng so với 8 năm quan hệ "lục đục" với chính quyền Barack Obama về chính sách của Israel với Palestine và thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 cùng Iran.
Khi bước vào Nhà Trắng cách đây 2 năm, Tổng thống Trump lại thể hiện thái độ khác biệt người tiền nhiệm Obama đối với Thủ tướng Israel. Nhiều chuyên gia đánh giá mối quan hệ tốt với Tổng thống Trump sẽ tạo nhiều thuận lợi cho Thủ tướng Netanyahu trong con đường vận động tranh cử.
Trước thềm bầu cử tổ chức ngày 9/4, Thủ tướng Netanyahu đã đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đến thăm Tổng thống Trump tại Nhà Trắng và nhận được ủng hộ từ Washington coi Tel Aviv có chủ quyền với Cao nguyên Golan nơi Israel chiếm của Syria từ năm 1967.
Những động thái trên được coi là "bảo trợ ngấm ngầm" của chính quyền Tổng thống Trump với ông Netanyahu.
Viện Dân chủ Israel đã thực hiện khảo sát ý kiến và thu được kết quả 63% người Israel tin rằng vị trí của Thủ tướng Netanyahu trong cuộc vận động tranh cử hiện tại sẽ được gia cố nhờ diễn biến Mỹ công nhận Cao nguyên Golan thuộc Tel Aviv.
Bản thân Tổng thống Trump cũng nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ người dân Israel. Trong cuộc khảo sát ý kiến Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố tháng 10/2018, có tới 69% người Israel được hỏi tin tưởng vào năng lực của Tổng thống Trump "thực hiện điều đúng đắn với các vấn đề thế giới".
"Cảm tình" này bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump ghi nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây. Bên cạnh đó là việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Cuộc bầu cử ngày 9/4 còn được coi như một cuộc khảo sát ý dân về quãng thời gian dài lãnh đạo của Thủ tướng Netanyahu.
Trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội Instagram ngày 3/4, Thủ tướng Netanyahu ca ngợi chính quyền của ông "gặt hái được thành tựu ngoại giao chưa từng có tiền lệ" trong đó là "tăng cường quan hệ với Mỹ" và gắn kết hơn với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Brazil.
Ngày 4/4, Thủ tướng Netanyahu đã đến thăm Nga. Bên cạnh đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đến thăm Israel. Những sự kiện này tạo lợi thế ngoại giao cho Thủ tướng Netanyahu trong chiến dịch vận động tranh cử.
Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Netanyahu sẽ trở thành thủ tướng tại vị lâu năm nhất trong lịch sử Israel.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ và Tổng thống Brazil tặng nhau áo bóng đá Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro đã tặng nhau áo bóng đá khi hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 19-3. Ông Trump và ông Bolsonaro trong cuộc gặp tại Nhà Trắng Tổng thống Trump ca ngợi nền bóng đá Brazil và tặng chiếc áo in tên Bolsonaro,...