Bốn lý do khiến Trung Quốc không dám mạo hiểm ở Biển Đông
Sau khi thông báo thành lập cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã nhiều lần úp mở khả năng thiết lập vùng phòng không tại Biển Đông. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đối với Trung Quốc, việc lập thêm vùng phòng không tại Biển Đông không phải là một công việc dễ dàng.
Biển Đông là vùng biển chiến lược mà Trung Quốc thèm muốn. Đây là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc phá thế bao vây do Mỹ và đồng minh đang tạo nên với nước này
Theo giới chuyên gia phân tích quân sự, ở thời điểm hiện tại Trung Quốc chưa thể xác lập thêm vùng nhận dạng phòng không mới tại Biển Đông bởi một số lý do sau.
Thứ nhất, Trung Quốc chưa đủ khả năng, năng lực quốc phòng để xác lập thêm một vùng nhận dạng phòng không “hoàn chỉnh”. Các chuyên gia quân sự cho rằng, để duy trì một vùng ADIZ hoàn chỉnh phải có nhiều yếu tố như: năng lực phòng không mạnh, hệ thống radar cảnh báo và nhận diện từ xa hiện đại, hệ thống chỉ huy phòng không đồng bộ…
Thời điểm hiện tại Trung Quốc chưa thể cùng một lúc xác lập hai vùng ADIZ khác nhau tại Biển Đông và biển Hoa Đông bởi chưa đủ lực.
Hiện tại, nếu như Nhật Bản có 28 căn cứ giám sát bằng radar chính xác cường độ mạnh, còn Mỹ có 178 trạm và nhiều sự hỗ trợ của các loại máy bay cảnh báo sớm khác thì tại khu vực phía Nam, Trung Quốc chỉ mới triển khai được một số căn cứ máy bay chiến đấu chiến thuật chứ chưa nói tới hệ thống radar cảnh báo và nhận diện từ xa.
Thực tế cho thấy, mặc dù Bắc Kinh nói cứng trong việc có khả năng kiểm soát tất cả các máy bay trong vùng ADIZ vừa thiết lập nhưng lại không thể phát hiện B52 của Mỹ hoạt động sâu trong vùng này gần 2 giờ đồng hồ. Điều đó cho thấy Bắc Kinh đang quá phô trương năng lực kiểm soát trên không của mình trong khi thực tế lại không như vậy. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Biển Đông cũng như thế bố trí lực lượng phòng không hiện nay của Trung Quốc tại phía Nam cũng không cho phép Bắc Kinh triển khai ADIZ.
Thứ hai, mối quan hệ thương mại với ASEAN ngày càng trở lên gắn bó hơn cũng khiến Trung Quốc không dám mạo hiểm thiết lập vùng ADIZ do sợ làm mất lòng các nước ASEAN.
Một khi thiết lập ADIZ tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của nhiều nước, ngay cả những nước không có tranh chấp. Điều này vô hình trung sẽ khiến Bắc Kinh tự “mua dây buộc mình”.
Thống kê cho thấy, sự tăng trưởng quan hệ thương mại song phương nhanh chóng thời gian qua chứng tỏ cả Trung Quốc và ASEAN đều mong muốn tăng cường hợp tác với nhau chặt chẽ hơn.
Video đang HOT
Thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc tăng trưởng nhanh, mạnh, đạt tốc độ bình quân 22%/năm. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt hơn 400 tỷ USD trong năm 2012, tăng gần gấp 6 lần so mười năm trước, tạo đà chắc chắn để hai bên thực hiện mục tiêu nâng mức trao đổi thương mại lên 500 tỷ USD vào năm 2015. Trong nửa đầu năm 2013, mức trao đổi kim ngạch thương mại song phương đạt 210,56 tỷ USD, tăng 12,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Chính những lợi ích kinh tế to lớn trên khiến Bắc Kinh không dám vội vã trước các quyết sách chiến lược.
Thứ ba, tình hình tranh chấp ở Biển Đông chưa cẳng thẳng đến mức phải xác lập vùng ADIZ và Bắc Kinh cũng đang tự tin trước khả năng kiểm soát tình hình hiện tại tại khu vực này.
So với tranh chấp tại vùng biển Hoa Đông nơi Hải quân Nhật Bản được đánh giá là một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới thì tại Biển Đông, Hải quân Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế hơn nhiều so với các nước ASEAN. Trong khi đó, mặc dù tồn tại tranh chấp với nhiều quốc gia song với chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” đang tỏ ra hiệu quả thì Trung Quốc muốn tận dụng môi trường hiện tại nhiều hơn để tranh thủ khai thác các tiềm năng kinh tế.
Thứ tư, nếu Trung Quốc thiết lập vùng ADIZ tại Biển Đông. Vô hình trung, đây sẽ là cái cớ giúp Mỹ, Nhật Bản có thể tập hợp lực lượng gia tăng khả năng, mức độ, không gian kiềm chế Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự nhận định, hiện nay môi trường phát triển chiến lược của Trung Quốc là hướng xuống phía Nam. Đây là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc phá thế bao vây do Mỹ và đồng minh đang tạo nên với nước này.
Trong khi đó, với chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang muốn có thêm nhiều đồng minh hơn nữa nhằm tái cân bằng lực lượng tại khu vực.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có những nghi ngờ trước chính sách này của Mỹ trong thời gian qua, song một điều không thể phủ nhận đó là việc hình ảnh của Mỹ đang được lòng các nước hơn so với Trung Quốc.
Nếu như Trung Quốc sai lầm chiến lược trong việc vội vã thiết lập vùng ADIZ tại Biển Đông thì sẽ là cơ hội tốt cho Mỹ và đồng minh lôi kéo các nước đang có lập trường trung lập nghiêng theo Mỹ. Đây thực sự là một điều Bắc Kinh không bao giờ muốn.
Có thể nói, việc xác lập ADIZ ở Biển Đông là một canh bạc nguy hiểm. Trung Quốc muốn thông qua việc xác vùng ADIZ để khẳng định cái họ tự gọi là “chủ quyền” song nếu như Bắc Kinh vội vã và mắc sai lầm chiến lược thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn.
Theo Dantri
Vì sao Trung Quốc cố tình 'dìm hàng' tàu sân bay Ấn Độ?
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã cố tình dìm hàng tàu sân bay mới hạ thủy của Ấn Độ song thực chất chỉ là một động thái tự an ủi mình trước sự lớn mạnh của Ấn Độ.
Ngay sau khi Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên hàng loạt các tờ báo Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng "chê bai" tàu sân bay của Ấn Độ. Trong đó, báo Hoàn Cầu "mạnh miệng" nhất trong việc dìm hàng tàu sân bay này.
Báo Hoàn Cầu cho rằng, cái gọi là tàu sân bay nội địa của Ấn Độ chỉ là nhập khẩu các sản phẩm của nước ngoài về lắp ráp lại. Trong đó loại thép chịu lực đặc biệt phải nhập khẩu từ Nga, khoảng 1.000 tấn thép loại này đã được nhập khẩu.
Tàu sân bay mới hạ thủy INS-Vikrant của Ấn Độ mới hạ thủy đã khiến Trung Quốc "nóng mặt"
Báo này cho rằng trên thế giới chỉ có Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc làm chủ được công nghệ chế tạo loại thép chịu lực đặc biệt này. Họ cho rằng, Ấn Độ chỉ có khả năng đóng góp khoảng 30% trong toàn bộ chương trình tàu sân bay . Thậm chí, họ còn cho rằng tàu sân bay của Ấn Độ không bằng một tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Tàu sân bay INS-Vikrant là một sự chắp vá từ nhiều nguồn khác nhau, bản thiết kế từ Italy, hệ thống radar, hệ thống điều khiển hỏa lực từ Pháp và Israel, tiêm kích trên hạm nhập khẩu từ Nga. Một tàu sân bay như vậy khó lòng đáp ứng được khả năng chiến đấu.
Góp phần vào chuỗi các bài báo nhằm "dìm hàng" tàu sân bay Ấn Độ, trang mạng Mil.cnr cho rằng, mặc dù Ấn Độ đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên nhưng không có khả năng để hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay.
Trang mạng này lập luận rằng, để hình thành một nhóm tàu sân bay cần khoảng 2-4 tàu khu trục phòng không, 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân hoặc tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 1-2 tàu khu trục chống ngầm cùng các tàu hậu cần, tàu hỗ trợ khác.
Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ chưa có tàu khu trục phòng không nào, tàu ngầm hạt nhân chiến lược còn chưa có, tàu ngầm tấn công hạt nhân phải thuê từ nước ngoài. Trang mạng này ví von rằng, Ấn Độ còn thiếu một thế hệ tàu chiến có khả năng như tàu khu trục Aegis của Mỹ nhằm ám chỉ tàu khu trục Type-052C của Trung Quốc vẫn thường tự hào khoe là "tàu Aegis made in China".
Ấn Độ là lực lượng hải quân duy nhất tại châu Á ngoài Mỹ vận hành nhóm tàu sân bay chiến đấu.
Dìm hàng để tự an ủi mình
Có thể thấy rằng, hàng loạt bài báo cố tình dìm hàng tàu sân bay của Ấn Độ chỉ là một động thái nhằm tự an ủi mình trước sự lớn mạnh của Ấn Độ. Các tờ báo của Trung Quốc có lẽ đã cố tình quên tàu sân bay Liêu Ninh của họ là một sản phẩm hàng thải từ Ukraine không hơn không kém.
Cái gọi là tàu khu trục "Aegis made in China" cũng là một sản phẩm chắp vá không lấy gì làm khá khẩm. Trung Quốc không được phép nhập khẩu các sản phẩm vũ khí và công nghệ quân sự từ phương Tây đây chính là một sự khác biệt rất lớn giữa họ so với New Delhi.
Cho dù phần lớn trang thiết bị trên tàu sân bay Vikrant phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng đây đều là các nguồn chính thống có chất lượng hàng đầu thế giới mà Trung Quốc có nằm mơ cũng không có được. Bắc Kinh thường phải sao chép lậu các sản phẩm từ Pháp, Nga, Israel để hoàn thiện các sản phẩm vũ khí của mình. Chất lượng các sản phẩm sao chép này khó lòng đạt được như nguyên bản.
Đối với nhóm tàu hộ tống cho tàu sân bay, Ấn Độ đang thực hiện 2 chương trình song song cùng lúc, họ vừa nhập khẩu tàu khu trục từ Nga vừa tự đóng mới trong nước nhằm rút ngắn giai đoạn và đảm bảo sức mạnh chiến đấu.
Bắc Kinh có thể đã quên rằng chương trình tàu khu trục Project 15A Kolkata khi hoàn thành sẽ là một trong những tàu khu trục có sức mạnh tấn công và phòng thủ hàng đầu thế giới, không những thế tàu khu trục này còn có khả năng tàng hình cao gấp nhiều lần so với Type-052C của Trung Quốc.
Mặc dù tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Ấn Độ vẫn chưa đi vào hoạt động nhưng phía Trung Quốc cũng chẳng khá khẩm hơn. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 nằm tại cảng nhiều hơn là vận hành do các vấn đề kỹ thuật.
Người Trung Quốc cũng cố tình quên rằng Ấn Độ là lực lượng hải quân duy nhất ở châu Á ngoài Mỹ đang hoạt động một nhóm tàu sân bay chiến đấu đúng nghĩa. Mặc dù INS-Viraat là một tàu sân bay thế hệ cũ nhưng quá trình sử dụng nó đã tạo cho Hải quân Ấn Độ nhiều kinh nghiệm trong quá trình vận hành tàu sân bay cũng như nhóm tàu hỗ trợ đi kèm.
Về cơ bản, Hải quân Ấn Độ đã hình thành được bộ khung cho nhóm tàu sân bay chiến đấu trong tương lai và chắc chắn họ sẽ vận hành nó trước Trung Quốc. Từ tàu sân bay, tiêm kích trên hạm, nhóm tàu hộ tống cho tàu sân bay INS Vikramaditya đã sẳn sàng để đi vào hoạt động từ cuối năm 2013.
Trong khi đó kinh nghiệm hoạt động nhóm tàu sân bay là điều mà Hải quân Trung Quốc gần như không có. Tàu sân bay Liêu Ninh đã được bàn giao cho hải quân nhưng vẫn phải "đậu chơi" tại cảng vì không có tiêm kích trên hạm nên Bắc Kinh không thể không "nóng mặt" khi Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên và chuẩn bị vận hành nhóm tàu sân bay chiến đấu mới.
Cho dù Ấn Độ chỉ đóng góp khoảng 30% trong toàn bộ chương trình tàu sân bay INS-Vikrant thì cũng không thể phủ nhận sự lớn mạnh của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ nói chung và công nghiệp đóng tàu chiến nói riêng. Với Trung Quốc mặc dù họ đã tự đóng mới được khá nhiều tàu chiến hiện đại nhưng vẫn chưa tự đóng được tàu sân bay nào.
So với Bắc Kinh, New Delhi thuộc hàng "sinh sau đẻ muộn" trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng thì việc Ấn Độ hạ thủy được tàu sân bay nội địa đầu tiên trước đối với họ có thể ví như một sự "qua mặt" nên sự ganh tị là điều khó tránh khỏi.
Theo Người đưa tin
Những "bảo bối" gác trời Biển Đông Cụm chiến hạm phòng không là cụm hải quân phòng ngự cơ động có thể cơ động nhanh, hỏa lực phòng không mạnh và có khả năng phối hợp tác chiến tốt. Chiến hạm dự án 20380 trên biển Hầu như các chuyên gia quân sự đều thống nhất quan điểm rằng quốc gia nào khống chế được không phận Biển Đông cũng...