Bốn cơ quan báo chí lớn bị cáo buộc biết trước vụ Hamas tấn công Israel
Sau khi bị cáo buộc biết trước vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10, bốn cơ quan báo chí lớn của Anh và Mỹ đã phủ nhận mạnh mẽ.
Người dân hoảng loạn sau vụ tấn công của Israel nhằm vào bệnh viện ở thành phố Gaza ngày 1/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN, ngày 9/11, hãng tin Associated Press (AP), báo The New York Times, kênh truyền hình CNN của Mỹ và hãng tin Reuters của Anh đã nhanh chóng phản đối báo cáo đưa ra ngày 8/11 của HonestReporting – một cơ quan giám sát truyền thông ủng hộ chính phủ Israel.
Theo báo cáo này, các phóng viên ảnh của các cơ quan báo chí nói trên đã có mặt trong cuộc tấn công đầu tiên của Hamas. Bằng chứng mà HonestReporting đưa ra là các ảnh chụp màn hình được đăng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, AP và CNN cho biết họ đã không còn mối quan hệ với phóng viên ảnh tự do Hassan Eslaiah sau khi báo cáo xác định anh này đã có mặt cùng các tay súng Hamas trong cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Bà Lauren Easton, Giám đốc quan hệ truyền thông của AP, cho biết trong một tuyên bố: “AP không hề biết gì về vụ tấn công ngày 7/10 trước khi sự việc xảy ra. Những bức ảnh đầu tiên mà AP nhận được từ các phóng viên tự do cho thấy ảnh được chụp hơn một giờ sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Không có nhân viên AP nào ở biên giới vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, cũng như không có nhân viên AP nào vượt qua biên giới vào bất kỳ thời điểm nào”.
Bà Easton nói thêm: “Chúng tôi không còn làm việc với Hassan Eslaiah, người thỉnh thoảng làm cộng tác viên của AP và các tổ chức tin tức quốc tế khác ở Gaza”.
Trong một tuyên bố, kênh CNN cho biết phóng viên Eslaiah không làm việc cho mạng truyền hình này vào ngày xảy ra vụ tấn công. Người phát ngôn của CNN nói: “Chúng tôi không hề biết trước về vụ tấn công ngày 7/10. Hassan Eslaiah, một nhà báo tự do làm việc cho chúng tôi và nhiều cơ quan khác, đã không làm việc cho CNN vào ngày 7/10. Tính tới hôm nay, chúng tôi đã cắt đứt mọi quan hệ với nhà báo này”.
Reuters cũng bác bỏ ý kiến cho rằng bằng cách nào đó hãng tin này đã biết về kế hoạch tấn công Israel của Hamas. Một phát ngôn viên của Reuters khẳng định: “Reuters dứt khoát phủ nhận đã biết trước về vụ tấn công và phủ nhận rằng chúng tôi đưa các nhà báo đi cùng Hamas vào ngày 7/10. Những bức ảnh do Reuters công bố được chụp hai giờ sau khi Hamas bắn tên lửa khắp miền Nam Israel và hơn 45 phút sau khi Israel cho biết các tay súng đã vượt qua biên giới”.
Người phát ngôn cho biết thêm: “Các nhà báo là nhân viên của Reuters đã không có mặt tại các địa điểm được đề cập trong báo cáo của HonestReporting”.
Người dân nỗ lực dập lửa sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Khan Yunis, Dải Gaza ngày 14/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
New York Times cũng đưa ra tuyên bố về những cáo buộc nhằm vào một phóng viên ảnh tự do khác là Yousef Massoud – người đã được đề cập trong báo cáo của HonestReporting.
Tờ báo này khẳng định: “Mặc dù Yousef không làm việc cho The New York Times vào ngày xảy ra vụ tấn công nhưng đã từng làm các công việc quan trọng cho chúng tôi. Không có bằng chứng nào cho những lời cáo buộc của HonestReporting. Đánh giá của chúng tôi về tác phẩm của phóng viên ảnh này cho thấy anh ấy đang làm điều mà các phóng viên ảnh luôn làm trong các sự kiện tin tức lớn, ghi lại thảm kịch khi nó diễn ra”.
Khi đưa tin về chiến tranh, thông thường các cơ quan báo chí sẽ thu thập video và ảnh từ những người làm việc tự do trong khu vực. Những nhà báo tự do này làm việc độc lập, không phải là nhân viên của các cơ quan báo chí mà họ cung cấp thông tin hoặc tư liệu.
Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Israel đăng trên mạng xã hội X vào ngày 9/11: “Những nhà báo này là đồng phạm của tội ác chống loài người; hành động của họ trái với đạo đức nghề nghiệp. Đêm qua, Văn phòng Báo chí Chính phủ đã gửi một lá thư khẩn tới người đứng đầu các cơ quan truyền thông đã thuê những phóng viên ảnh này và yêu cầu làm rõ vấn đề”.
Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Israel không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Một thành viên trong nội các chiến tranh của Israel, ông Benny Gantz, cũng sử dụng báo cáo của HouseReporting để đặt câu hỏi liệu các nhà báo có biết trước về vụ tấn công hay không. Ông đăng lên mạng X: “Các nhà báo đã biết về vụ thảm sát nhưng vẫn chọn cách đứng nhìn những đứa trẻ bị tàn sát thì không khác gì khủng bố và nên bị đối xử như vậy”.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã chỉ trích cáo buộc của chính phủ Israel, cảnh báo rằng cáo buộc này có thể khiến các nhân viên của cơ quan báo chí gặp nguy hiểm.
Gypsy Guillén Kaiser, Giám đốc truyền thông của CPJ, cho biết trong một tuyên bố: “Những nỗ lực bôi nhọ, làm mất tư cách và hình sự hóa các nhà báo đang làm công việc của mình là thái quá và vô trách nhiệm, đồng thời khiến các nhà báo gặp nguy hiểm hơn”.
Thủ tướng Israel ra tuyên bố rắn sau khi Hamas thả 2 con tin người Mỹ
Lực lượng Hamas ngày 20.10 thả hai người Mỹ trong số khoảng 200 con tin bị Hamas bắt giữ trong các cuộc tấn công ngày 7.10 ở miền nam Israel.
Chính phủ Israel cho hay hai mẹ con người Mỹ Judith Tai Raanan và Natalie Shoshana Raanan đã trở lại Israel vào cuối ngày 20.10, theo AFP. Không có thông tin chi tiết nào được đưa ra về tình trạng của họ, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden nhanh chóng cho hay ông "rất vui mừng" trước tin này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20.10 xác nhận Hamas đã thả hai con tin người Mỹ nhưng cho rằng lực lượng này vẫn giam giữ 10 công dân Mỹ khác trong số khoảng 200 người bị bắt giữ ngày 7.10.
"Vẫn còn 10 người Mỹ khác mất tích trong cuộc xung đột này. Chúng tôi biết rằng một số người trong số họ đang bị Hamas bắt làm con tin, cùng với khoảng 200 con tin khác bị giữ ở Gaza", ông Blinken nói với các phóng viên, nhấn mạnh tất cả con tin "nên được trả tự do ngay lập tức và một cách vô điều kiện", theo AFP.
Bà Judith Tai Raanan và con gái Natalie Shoshana Raanan sau khi được Hamas thả ngày 20.10. Ảnh Reuters
Hai mẹ con người Mỹ nói trên là những con tin đầu tiên được cả hai bên trong cuộc xung đột Hamas-Israel xác nhận là đã được thả kể từ khi các tay súng Hamas tấn công vào miền nam Israel ngày 7.10, giết chết 1.400 người và bắt giữ khoảng 200 con tin. Israel sau đó tiến hành những vụ đánh bom trả đũa liên tục, khiến ít nhất 3.785 người ở Gaza thiệt mạng, theo AFP dẫn số liệu từ cơ quan y tế Gaza.
Sau khi 2 con tin người Mỹ được thả, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực đưa trở lại tất cả những người bị bắt cóc và mất tích. Cùng lúc, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng", theo Reuters.
Điểm xung đột: Thách thức lớn khi tấn công Gaza; vì sao Mỹ chưa muốn Israel đánh Hezbollah?
Phát ngôn viên Abu Ubaida của Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam thuộc cánh vũ trang của Hamas nói rằng hai con tin người Mỹ đã được thả để đáp lại những nỗ lực hòa giải của Qatar, "vì lý do nhân đạo và để chứng minh cho người dân Mỹ và thế giới thấy rằng những tuyên bố của ông Biden và chính quyền của ông ấy là giả dối và vô căn cứ".
Hamas còn nói rằng họ đang hợp tác với Qatar và Ai Cập để giải phóng các con tin "dân sự", dấu hiệu cho thấy có thể sẽ có thêm nhiều con tin được trả tự do, theo AFP.
Chiến đấu cơ Israel tiếp tục tấn công Gaza?
Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp tục. Báo chí Palestine đưa tin máy bay Israel đã tấn công 6 ngôi nhà ở phía bắc Gaza vào sáng sớm nay 21.10, khiến ít nhất 8 người Palestine thiệt mạng và 45 người bị thương, theo Reuters.
Người Palestine ngày 19.10 tập trung quanh các tòa nhà dân cư bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Israel vào thành phố Zahra ở phía nam thành phố Gaza. Ảnh Reuters
Israel đã yêu cầu tất cả dân thường sơ tán khỏi phía bắc của Dải Gaza, trong đó có cả thành phố Gaza. Nhiều người vẫn chưa rời đi vì sợ mất tất cả và không còn nơi nào an toàn để đi khi các khu vực phía nam Gaza cũng đang bị tấn công.
Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho hay hơn 140.000 ngôi nhà, gần 1/3 tổng số nhà ở Gaza, đã bị hư hại, trong đó có gần 13.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Cửa khẩu Rafah vì sao trở thành huyết mạch sống còn với người Gaza?
Cộng đồng quốc tế đang tập trung vào việc viện trợ cho Gaza thông qua một điểm tiếp cận không do Israel kiểm soát, cửa khẩu Rafah ở biên giới giữa phía nam Gaza và Ai Cập. Tổng thống Biden, đã đến thăm Israel hôm 18.10, cho hay ông tin rằng các xe tải chở hàng viện trợ sẽ đến Gaza trong vòng 24-48 giờ tới.
Cho đến nay, các nhà lãnh đạo phương Tây chủ yếu đề nghị hỗ trợ chiến dịch của Israel chống lại Hamas, mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về hoàn cảnh khó khăn của dân thường ở Gaza.
Trong khi đó, nhiều quốc gia Hồi giáo đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc biểu tình yêu cầu chấm dứt bắn phá Gaza đã diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp thế giới Hồi giáo trong ngày 20.10, theo Reuters.
Ông Biden nêu lý do Hamas tấn công Israel
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20.10 cho rằng cuộc tấn công ngày 7.10 của Hamas vào Israel nhằm phá vỡ khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út. "Một trong những lý do khiến Hamas tiến tới Israel... họ biết rằng tôi sắp ngồi lại với người Ả Rập Xê Út", Tổng thống Biden nói tại một buổi gây quỹ tranh cử, theo Reuters.
Chiến hạm Mỹ diệt tên lửa hướng về Israel do lực lượng Houthi phóng từ Yemen
Khả năng bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út và các quốc gia Ả Rập khác là ưu tiên hàng đầu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến công du tới Riyadh vào tháng 6, dù ông thừa nhận sẽ không có tiến triển gì sắp diễn ra.
Hôm 8.10, ông Blinken nói với CNN rằng "sẽ không có gì ngạc nhiên khi một phần động cơ (của cuộc tấn công) có thể là làm gián đoạn những nỗ lực gắn kết Ả Rập Xê Út và Israel lại với nhau".
Sau đó, trong chương trình 60 phút của Đài CBS ngày 15.10, Tổng thống Biden nói rằng triển vọng bình thường hóa "vẫn còn tồn tại, sẽ mất thời gian".
Ngoại trưởng Mỹ gây tranh cãi khi nói 'Trung Đông ngày nay yên bình hơn trước' Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gây tranh cãi khi cho rằng "Trung Đông ngày nay yên bình hơn trước", trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas đang leo thang. Theo Thời báo Hoàn Cầu, trả lời phỏng vấn trong một chương trình truyền hình của đài CNN ngày 8/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gây tranh cãi khi bày tỏ...