Bộ Công an đề xuất CSGT được mặc thường phục xử lý vi phạm đường sắt
Bộ Công an đề xuất CSGT được bố trí một bộ phận mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.
Bộ Công an đang xây dựng thông tư mới nhằm thay thế cho Thông tư số 32/2018 quy định về trình tự, nội dung kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt của CSGT.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với nhân viên đường sắt tại Ga Hà Nội. Ảnh NGUYỄN TUÂN
5 quyền hạn của CSGT đường sắt
Theo dự thảo của Bộ Công an, lực lượng CSGT đường sắt có 5 quyền hạn:
Thứ nhất, kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện giao thông có liên quan đến hoạt động giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Thứ ba, được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, sự cố giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Trong trường hợp cấp bách, được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó.
Thứ tư, được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc.
Thứ năm, thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Mặc thường phục để phát hiện vi phạm
Dự thảo của Bộ Công an cũng nêu rõ, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, cán bộ CSGT sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Trường hợp kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận cán bộ mặc trang phục cảnh sát để tiến hành kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT, trưởng công an cấp huyện trở lên quyết định việc mặc trang phục cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát.
Dự thảo của Bộ Công an đề xuất CSGT được bố trí một bộ phận mặc thường phục để phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt. Ảnh NGUYỄN TUÂN
Ứng xử đúng mực với người vi phạm
Dự thảo của Bộ Công an cũng quy định về trình tự tiến hành kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT đường sắt.
Theo đó, cán bộ CSGT thực hiện chào theo điều lệnh công an nhân dân; trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã.
Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.
Cán bộ CSGT có trách nhiệm thông báo cho người bị kiểm tra, kiểm soát biết lý do kiểm tra, kiểm soát; đề nghị họ xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong tài khoản định danh điện tử theo quy định để kiểm soát.
Khi người điều khiển phương tiện giao thông, người bị kiểm tra xuất trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó.
Trường hợp các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông, người bị kiểm tra cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử.
Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì đề nghị xuất trình các giấy tờ đó để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhân viên đường sắt vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt đến 40 triệu đồng
Gần đây, Cục CSGT liên tiếp phát hiện nhân viên đường sắt vi phạm nồng độ cồn khi làm nhiệm vụ.
Ngoài việc phải nộp phạt, những nhân viên vi phạm còn bị lực lượng chức năng gửi thông báo về đơn vị quản lý.
Ngày 28/10, Tổ công tác của Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường sắt (Cục CSGT) phát hiện 2 nhân viên gác chắn tại chắn đường ngang Ngọc Hồi (lý trình Km1312 815 tuyến đường sắt Thống Nhất, thuộc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) vi phạm nồng độ cồn.
Đáng nói, Tổ công tác phát hiện ông Đ.N.T. (SN 1974, nhân viên gác chắn) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,619 mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm rất cao, gấp 1,5 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Tổ công tác của Cục CSGT kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn với nhân viên đường sắt. Ảnh: CACC
Cũng tại đây, Tổ công tác phát hiện ông N.T.G. (SN 1983, nhân viên gác chắn) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,103 mg/L khí thở.
Trước đó, ngày 5/10, tại Ga Phú Diễn, Hà Nội (Km 15 050 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển) Tổ công tác của Cục CSGT cũng phát hiện ông N.Đ.H. (SN 1973, nhân viên trực ban chạy tàu) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,290 mg/L khí thở.
Theo thống kê của Cục CSGT, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 156 trường hợp nhân viên đường sắt vi phạm nồng độ cồn.
Đại diện Cục CSGT cho biết, đường sắt là loại hình giao thông đặc biệt nên nếu nhân viên uống rượu bia có thể sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Một lỗi vi phạm nhỏ của bất kỳ cá nhân nào cũng có thể dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nhân viên đường sắt vi phạm nồng độ cồn bị xử lý thế nào?
Tại điều 35 của Luật Đường sắt quy định về chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu như sau: Trưởng tàu; lái tàu, phụ lái tàu; nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga; trực ban chạy tàu ga; trưởng đồn; nhân viên gác ghi; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; nhân viên gác đường ngang, cầu chung...
Lực lượng CSGT thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra nồng độ cồn với nhân viên đường sắt. Ảnh: Cục CSGT
Liên quan đến xử phạt nhân viên đường sắt (không bao gồm lái tàu, phụ lái tàu) vi phạm nồng độ cồn, tại điều 63 Nghị định 100/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 2- 4 triệu đồng với hành vi khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với hành vi khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Phạt từ 6- 8 triệu đồng đối với hành vi khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ. Hay khi làm nhiệm vụ mà trong cơ thể có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
Còn tại điều 66 của Nghị định 100/NĐ-CP, lái tàu và phụ lái tàu sẽ bị xử phạt 6- 8 triệu đồng khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với hành vi khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Với nồng độ cồn nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ. Hay khi làm nhiệm vụ mà trong cơ thể có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng thì lái tàu, phụ tàu sẽ bị xử phạt 30 - 40 triệu đồng.
Phát hiện nhân viên gác chắn đường sắt vi phạm nồng độ cồn 'kịch khung' Tổ công tác của Cục CSGT (Bộ Công an) vừa phát hiện 2 nhân viên gác chắn đường sắt tại tỉnh Khánh Hòa vi phạm nồng độ cồn. Chiều 29/10, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Tổ công tác của Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường sắt (Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát...