Bình Liêu: Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục
Những năm qua, được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội và đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong huyện, ngành GD&ĐT huyện Bình Liêu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, nhiệt tình, trách nhiệm. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường đáng kể, là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Ký túc xá Trường PTDTNT huyện Bình Liêu được xây mới, đưa vào sử dụng năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.
Cách thị trấn Bình Liêu 9 cây số, Trường Tiểu học Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, hiện có 1 điểm chính và 8 điểm lẻ; có 423 học sinh với 30 lớp, trong đó có 75 học sinh ở bán trú. Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm trên 97%.
Thầy giáo Lương Trọng Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tâm, cho biết: Học sinh bán trú tại Trường được hỗ trợ mỗi tháng 15 cân gạo và hơn 500.000 đồng tiền ăn. Học sinh nghèo và cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập là 100.000 đồng/tháng. Do nằm tại xã đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy tại Trường được hưởng 70% phụ cấp lương. Những giáo viên chưa hưởng đủ 5 năm khi dạy tại Trường còn được hưởng thêm 70% trợ cấp thu hút trên lương.
Gặp nhiều thầy cô giáo trong trường, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các thầy cô đều thoải mái, yên tâm khi giảng dạy tại đây. Cô Sái Thị Hạnh, người dân tộc Tày, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Tâm, chia sẻ: Năm 2015, biến cố lớn đến với gia đình tôi khi chồng tôi tai nạn nặng, chấn thương sọ não. Suốt một thời gian dài chăm sóc chồng bệnh nặng, tôi đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Có lúc tôi tưởng chừng phải bỏ dở công việc nghề giáo. Dù vậy, được sự quan tâm, động viên của nhà trường và tình yêu thương của học trò, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao này.
Cũng bởi vì tình thương yêu vô bờ bến với học sinh vùng cao, sau những giờ dạy trên lớp, cô Hạnh lại dành thời gian của mình để giúp đỡ, hỗ trợ các em học sinh bán trú tại trường. Cô như người mẹ thứ hai khi dạy các em từ những việc nhỏ nhất như: Trồng và chăm sóc rau xanh, dạy các em gấp chăn màn, trò chuyện, tâm sự, chia sẻ buồn vui với các em…
Tiết học của các bé Trường Mầm non thị trấn Bình Liêu .
Dù là huyện miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, huyện Bình Liêu đã luôn quan tâm đến giáo dục. Trước thềm mỗi năm học, UBND huyện Bình Liêu luôn chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện tiến hành rà soát cơ sở vật chất, nắm bắt nhu cầu xây mới, sửa chữa các điểm trường, đảm bảo tốt nhất cho năm học.
Riêng năm học 2020-2021, huyện đã sửa chữa 16 hạng mục, xây mới 2 hạng mục công trình trường học. Em Hoàng Thị Kim Oanh, lớp 8A, Trường PTDTNT huyện Bình Liêu , chia sẻ: Năm 2020, được huyện quan tâm, chúng em đã có thêm khu ký túc xá mới với 18 phòng. Vì thế, em rất thích mỗi khi đến trường.
Bên cạnh sự quan tâm về cơ sở vật chất, huyện Bình Liêu còn chú trọng phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu dạy học trong tình hình mới. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục huyện năm học 2019-2020 là 754 người. 71,4% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 23,7%.
Toàn huyện hiện có 25 trường với 420/427 nhóm, lớp, trên 8.700 học sinh. Chất lượng giáo dục của huyện cũng có sự chuyển biến, dần đi vào thực tế theo hướng đánh giá phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Với sự quan tâm của huyện, sự hỗ trợ của các cấp, các ban, ngành, địa phương, việc dạy và học của thầy và trò ở huyện Bình Liêu đã phần nào vơi bớt khó khăn. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Phát huy những kết quả đạt được, sự nghiệp giáo dục huyện vùng cao Bình Liêu sẽ bứt phá để tiếp tục gặt hái những “mùa quả ngọt” trong những năm tới.
Phụ huynh, giáo viên rẻo cao Nghệ An 'góp cơm' để tổ chức bán trú cho học trò điểm trường lẻ
Bậc mầm non của Nghệ An hiện có hơn 660 điểm trường lẻ, tập trung ở những vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn.
Vậy nhưng, đã nhiều năm nay, các điểm trường vẫn duy trì việc tổ chức bán trú cho trẻ để đảm bảo học sinh đến trường chuyên cần và đầy đủ.
Bữa ăn bán trú tưởng là việc đương nhiên ở các trường mầm non nhằm duy trì việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhưng với những học sinh ở những vùng núi cao, đặc biệt là vùng xa trung tâm như ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) thì đây thực sự là điều khó khăn. Để có thể đến trường mỗi ngày và ở lại trường qua trưa, các em phải mang theo cơm từ ở nhà. Ảnh: Đức Anh
Bữa ăn trưa của học sinh điểm trường lẻ rất đạm bạc, mỗi học sinh một món ăn khác nhau. Tuy nhiên, dù còn rất khó khăn, các giáo viên cắm bản vẫn cố gắng tổ chức cho các em một bữa ăn tươm tất, gọn gàng. Ảnh: Đức Anh
Ngoài thức ăn chính ở nhà, giáo viên ở điểm trường Tùng Hương hỗ trợ việc nấu thêm canh cho học sinh. Kinh phí do phụ huynh đóng góp 3.000 đồng/ngày. Ảnh: Đức Anh
Trường Mầm non Tam Quang (Tương Dương) có hơn 400 học sinh và ngoài điểm trường chính còn có các điểm trường lẻ ở xa trung tâm. Do đó, việc tổ chức bán trú cho trẻ hết sức vất vả. Hiện, cùng một mô hình bán trú, nhưng nhà trường đang phải thực hiện đồng thời ba hình thức, đó là bán trú, tập trung bán trú dân nuôi và bán trú cô nuôi. Ở hình thức đầu tiên, chỉ triển khai được điểm trường chính. Hai hình thức còn lại, hoặc do phụ huynh tự mang cơm cho trò, hoặc phụ huynh góp tiền và giáo viên hỗ trợ để tổ chức bán trú cho trẻ. Ảnh: Đức Anh
Do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên trong những năm qua, ngành Giáo dục Nghệ An đã có chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ. Nhưng với bậc mầm non, việc sáp nhập gặp rất nhiều khó khăn bởi đặc thù các cháu nhỏ tuổi và các điểm trường cách nhau quá xa.
Toàn tỉnh hiện đang còn 669 điểm trường lẻ thuộc bậc mầm non, cùng với đó đang còn hơn 600 điểm trường lẻ phụ huynh và giáo viên đang phải cùng chung sức để cùng nhau tổ chức bán trú cho trẻ.
Tại Trường Mầm non Châu Hạnh (Quỳ Châu) với đặc thù địa bàn rộng (các điểm trường lẻ giáp với huyện Quế Phong và tỉnh Thanh Hóa) nên rất khó để tổ chức bán trú tập trung. Vì thế, những điểm trường lẻ như điểm trường Tà Cọ (với gần 100 học sinh), mỗi tháng phụ huynh phải góp 50.000 đồng để thuê người dân trong bản ra tổ chức bán trú cho trẻ. Ảnh: Đức Anh
Để giảm kinh phí tổ chức bán trú, nhà trường tận dụng những phần diện tích còn lại để trồng rau xanh. Ảnh: Đức Anh
Hàng tuần, các phụ huynh sẽ cắt cử nhau đến để chăm sóc vườn rau xanh của trường.Tà Cọ vẫn là điểm trường thuận lợi, ba điểm trường còn lại là Na xén, Tà Sỏi và Thuận Lập hàng ngày học sinh vẫn phải đưa cơm từ nhà đến trường. Ảnh: Đức Anh
Hạ Sơn (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) là bản có đến gần 90% học sinh là người dân tộc Khơ mú. Cũng như nhiều điểm trường lẻ khó khăn khác, học sinh hàng ngày ở đây đến trường cùng với cặp lồng cơm trên tay. Ảnh: Đức Anh
Trong gian bếp đơn sơ và giản dị, hàng ngày các cô giáo Trịnh Thị Hằng và Lô Thị Mai sẽ thay nhau nấu thêm canh cho trẻ. Một số điểm trường khác thì phụ huynh mang thức ăn và giáo viên sẽ nấu cơm.
Dù cùng lúc phải thực hiện ba nhiệm vụ: dạy lớp ghép 4, 5 tuổi, nấu bán trú và chăm sóc trẻ, nhưng các giáo viên vẫn rất vui bởi nhờ có những bữa cơm bán trú mà học trò Khơ mú đã đến trường chuyên cần hơn. Ảnh: Đức Anh
Bữa ăn trưa được tổ chức sạch sẽ ngoài hành lang. Thoạt nhìn, giống như những bữa cơm bán trú được tổ chức tập trung ở điểm trường chính. Ảnh: Đức Anh
Để đảm bảo chất lượng bữa ăn, định kỳ hàng tháng nhà trường sẽ tổ chức những buổi tập huấn, hướng dẫn việc nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ. Thế nên, dù phải mang cơm từ nhà nhưng những bữa ăn của học trò Khơ mú vẫn đảm bảo chất lượng, có cơm, có rau, có thịt cá xắt nhỏ và được chế biến rất ngon miệng. Ảnh: Đức Anh
Hàng tháng, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong sẽ đến trực tiếp kiểm tra bữa ăn của trẻ bán trú. Ảnh: Đức Anh
Sau bữa ăn trưa học sinh sẽ được ngủ trưa ở trường, đảm bảo việc sinh hoạt theo đúng giờ giấc của bậc mầm non. Ảnh: Đức Anh
Việc duy trì bán trú ở 546/546 trường mầm non trong toàn tỉnh cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ và quan trọng hơn góp phần làm tốt công tác huy động trẻ đến trường và làm tốt phổ cập mầm non 5 tuổi trên toàn tỉnh. Ảnh: Đức Anh
Phú Thọ: Phát huy hiệu quả mô hình trường học bán trú ở vùng ven Việt Trì Trường học có học sinh bán trú là mô hình giáo dục luôn được khuyến khích phát triển, hiện nay nhiều trường đã tổ chức thành công mô hình bán trú dân nuôi này từ nhiều năm nay. Riêng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tỷ lệ trường học tổ chức ăn bán trú đang được phát triển rộng khắp và...