Biến đổi khí hậu khiến đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai
Các mối đe dọa tới sức khỏe con người đang nhân rộng và gia tăng do biến đổi khí hậu và trong tương lai, nếu tình hình không thay đổi, các hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ đứng trước nguy cơ quá tải .
Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một nghiên cứu do tạp chí y học danh tiếng The Lancet công bố ngày 3/12 chỉ ra tất cả các quốc gia từ những đảo quốc nhỏ bé tới những cường quốc đều đang phải đối mặt với những hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ, khi biến đổi khí hậu khiến các đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.
Theo báo cáo thường niên lần thứ năm của tạp chí The Lancet về mối liên quan giữa y tế và khí hậu, các yếu tố như nắng nóng gay gắt, ô nhiễm không khí và hoạt động nông nghiệp dày đặc cùng kết hợp đã gây ra “viễn cảnh y tế cộng đồng tồi tệ chưa từng có.”
Khảo sát cho thấy trong hai thập kỷ vừa qua, số ca tử vong do thời tiết ở người cao tuổi tăng 54%. Tính riêng trong năm 2018, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người.
Theo nhóm tác giả nghiên cứu, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như các cơn bão nhiệt đới hiện vẫn là vấn đề lớn đối với các nước đang phát triển, khí hậu khắc nghiệt cũng gây thiệt hại nặng nề về y tế ở các quốc gia giàu có.
Báo cáo cho biết năm 2018, riêng Pháp đã có hơn 8.000 ca tử vong do thời tiết ở nhóm đối tượng trên 65 tuổi, gây thiệt hại về kinh tế tương đương 1,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng năm của nước này.
Ian Hamilton, tác giả chính của báo cáo, cho rằng các mối đe dọa tới sức khỏe con người đang nhân rộng và gia tăng do biến đổi khí hậu và trong tương lai, nếu tình hình không thay đổi, các hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ đứng trước nguy cơ quá tải .
Nắng nóng và hạn hán cũng khiến số vụ cháy tăng đáng kể. Báo cáo cho biết kể từ đầu thập niên 2000, số người bị thương, thiệt mạng hoặc phải di dời chỗ ở do các vụ cháy có xu hướng tăng lên tại 128 quốc gia.
Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng vì khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các hoạt động nông nghiệp và phương tiện giao thông chưa được kiềm chế, có thể khiến 565 triệu người phải sơ tán vào năm 2100, và khiến đẩy những người này vào nguy cơ đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe .
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết với hơn 9 triệu người chết mỗi năm do khẩu phần ăn không đảm bảo, tỷ lệ tử vong do tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ cũng tăng đến 70% chỉ trong 30 năm qua. Năm 2017, Pháp có ít nhất 13.000 ca tử vong do sử dụng thịt đỏ, trong tổng số 90.000 người tử vong do khẩu phần ăn không đảm bảo.
Khói mù ô nhiễm bao phủ Amritsar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhóm tác giả cảnh báo tình trạng đô thị hóa, gia tăng hoạt động nông nghiệp, du lịch hàng không và sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể khiến các đại dịch trong tương lai như COVID-19 xuất hiện nhiều hơn.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi hành động khẩn cấp giảm thiểu khí thải nhà kính , nhằm ngăn chặn các tác động xấu do biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng.
Tổng biên tập tạp chí The Lancet Richard Horton nhấn mạnh cần xác định các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm túc, cũng như thúc đẩy cảnh báo về khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái và tăng cường các hệ thống tự nhiên hỗ trợ con người.
Báo cáo được thực hiện gần thời điểm kỷ niệm năm năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ra đời, nhằm kêu gọi các nước góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, thông qua việc cắt giảm khí thải nhà kính.
Mặc dù các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại có thể làm giảm khí thải nhà kính trong năm nay, song vẫn còn nhiều lo ngại về việc các nước sẽ tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Xử lý nước sạch sau thiên tai, bão lũ
Bão lụt ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ con người và môi trường sống. Sau bão lụt, thường xảy ra nhiều loại dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Vi vậy, ngày 2/12/2020, Cục Quản lý môi trường y tế đã tổ chức khóa tập huấn về xử lí nước sạch, xử lí môi trường trong thiên tai bão lũ.
Tham dự hội nghị cóđại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/TTYTDP của 25 tỉnh, thành phố nhằm hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt, hướng dẫn lập kế hoạch tuyến tỉnh ứng phó với với bão lũ, thiên tai.
Thực hành xử lý nước tại buổi tập huấn
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do tác động của hiện tượng La Nina, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã có 13 cơn bão liên tiếp đổ vào nước ta, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, mưa lớn, mưa đá, dông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... chủ yếu ảnh hưởng đến nhiều tỉnh trong đó có các tỉnh miền Trung và đã gây tổn thất rất lớn về sinh mạng, tài sản và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân.
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế phát biểu tại lễ khai mạc buổi tập huấn.
Theo số liệu thống kê, cho thấy từ đầu tháng 10 đến nay, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn và kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích. Ước tính có khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy.
Trước tình hình bão lũ nghiêm trọng xảy ra tại miền Trung, ngày 29/10/2020, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành quyết định số 4511/QĐ- BYT thành lập các Tổ công tác hỗ trợ, tăng cường cho 07 tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ tháng 10 năm 2020.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Chí Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho hay: "Thực hiện quyết định của Lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý môi trường y tế đã chủ trì 02 Tổ và tham gia 05 tổ công tác hỗ trợ Sở Y tế 07 tỉnh miền Trung theo dõi tình hình vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của người dân, giám sát chặt chẽ công tác quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn."
Các Tổ công tác đã hỗ trợ tăng cường cho 7 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm đánh giá nguy cơ, tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của y tế địa phương; Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; phòng chống những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ; thu gom, xử lý xác xúc vật chết, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại khu vực bị ngập sau khi nước rút, xử lý các giếng khoan, giếng đào theo hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
Các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn thực hiện xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt.
"Cục Quản lý môi trường y tế nhận thấy công tác hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt là rất cần thiết và cần được tăng cường năng lực cho cán bộ y tế. Được sự hỗ trợ của các đơn vị, Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức khóa tập huấn cho cán bộ của Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật 25 tỉnh thuộc vùng Đồng Bằng Sông Hồng và Miền núi phía bắc về hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt, hướng dẫn lập kế hoạch tuyến tỉnh ứng phó với với bão lũ, thiên tai". - ông chia sẻ.
EU và Pháp hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ Liên minh Châu Âu (EU) và Pháp, thông qua Cơ quan phát triển Pháp (AFD), cùng hợp tác hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị loại nhỏ ở Bắc Trung bộ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, Liên minh Châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký các hiệp định tài...