Bí mật hành trình 16 năm đi tìm chính mình của chàng trai trong hình hài cô gái
Từ nhỏ, Hoàng Nguyên trong thân hình của con gái đã cảm thấy bạn thân khác biệt. Đến khi 16 tuổi, Nguyên tự tin khẳng định mình là người chuyển giới nam.
Tự nhận mình là một Trans Guy ( Trans Guy là những người sinh ra trong cơ thể nữ nhưng nhìn nhận bản thân là nam – PV) và công khai giới tính thật của mình cách đây 6 năm, Hoàng Nguyên (22 tuổi, Hà Nội ) đã có những chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật về quá trình “đi tìm chính mình” của cậu.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội . Hiện tại, tôi đang là một thợ bánh nghiệp dư và chủ yếu tự kinh doanh online .
Tôi là ai?
Quá trình định giới của tôi bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, chắc khoảng khi 4-5 tuổi. Khi ấy, tôi cảm thấy bản thân khác bạn bè cùng trang lứa nhưng lúc đó tôi còn quá bé để hiểu rõ mình là ai.
Đến những năm cấp 2, khi internet phổ biến hơn, tôi mới được tiếp cận thông tin về LGBT (Cộng đồng những người có giới tính đặc biệt bao gồm đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, lưỡng tính, chuyển giới và những người đang trong giai đoạn tìm hiểu giới tính cho bản thân – PV).
Bức ảnh Nguyên mặc váy vào năm 2013, trước khi công khai giới tính thật .
Thời gian đầu, tôi bị ngộ nhận bản thân là người đồng tính nữ vì không có cảm xúc với các bạn nam. Tôi chỉ thích mặc quần đùi áo cộc, chơi thể thao hoặc luôn khao khát được cởi trần đi bơi giống bố và anh trai. Đến cuối năm lớp 9, sau khi đọc rất nhiều tài liệu và kiến thức chuẩn về cộng đồng LGBT , tôi tự tin khẳng định mình là người chuyển giới nam.
Cuối năm lớp 10, khi gia đình có chút biến cố, tôi đã quyết định công khai. Người đầu tiên tôi chọn để nói chuyện là ông nội. Ông nội tôi là một người sống cực kỳ hiện đại, tôi nghĩ ông sẽ thấu hiểu và thông cảm cho tôi và đó là sự lựa chọn cực kỳ đúng đắn.
Khoảnh khắc đầu tiên khi nghe cháu nội nói, ông chỉ khóc, lo xã hội khó chấp nhận. Ông dặn tôi đã xác định bản thân như thế thì hãy sống thật tốt.
Thời điểm đó, mẹ tôi đang phải chịu đựng rất nhiều tổn thương nên tôi thật sự không dám đối mặt với mẹ để tâm sự những điều này. Tôi đã nhờ ông nói chuyện với mẹ.
Phản ứng đầu tiên của mẹ tôi là muốn tôi vào viện khám. Bà nghĩ tôi bị bệnh.Vô cùng may mắn là lúc ấy bác sĩ đã tư vấn rất nhiệt tình và giúp mẹ tôi hiểu hơn về cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng.
Sau thời gian ngắn được sự giúp đỡ của bác sĩ, tôi đã đưa mẹ tham dự các buổi gặp mặt tại PFLAGVN (Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam) để mẹ có nhiều sự đồng cảm hơn với hoàn cảnh của tôi.
Sinh ra một đứa con khỏe mạnh bình thường về mặt tâm sinh lý, tôi biết là rất khó để mẹ cũng như mọi người dễ dàng chấp nhận sự thay đổi của tôi trong ngày 1 ngày 2.
Vậy nên, trước khi quyết định công khai, tôi đã tự chuẩn bị tâm lý rằng đây sẽ như cuộc chiến trường kỳ và mình không được bỏ cuộc. Đến nay, gần 7 năm tôi come out, gia đình cũng đã quen với việc nhà có “hai thằng con trai”.
Gia đình Nguyên đã quen với việc nhà có “hai thằng con trai”.
Và những lần tìm đến cái chết
Thế nhưng, để được như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua quá nhiều khó khăn, cũng chẳng biết phải bắt đầu kể từ đâu.
Thời gian trước khi ông nội mất, tôi có vài vấn đề với gia đình và không thể giải quyết được nó, công việc lúc đó cũng áp lực, những bức bối về giới, chuyện chia tay người yêu …
Mọi chuyện đổ dồn vào một lúc khiến tôi không chịu nổi và tôi đã uống gần hết 2 vỉ thuốc ngủ. Lần đó, tôi được đưa vào viện rửa ruột và trong lúc mơ màng, bên tai tôi văng vẳng tiếng của người thân trách móc mình bồng bột, không biết nghĩ… Tôi nhận rất nhiều lời trách móc mà không ai hỏi xem tôi có chuyện gì. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ là khi về nhà mình sẽ cố gắng tự tử tiếp.
Về nhà được 1-2 tuần, ông nội mất, tôi hụt hẫng vô cùng. Ông nội là người che chở tôi trước mọi lời dèm pha, ác ý của họ hàng cũng như người ngoài. Việc mất đi chỗ dựa tinh thần làm tôi như rơi xuống vực thẳm vậy. Tôi đã từng cố gắng tự tử một lần nữa sau khi ông mất.
Hành trình được là chính mình
Tháng 8/2019, tôi đã sử dụng hormone nam. Trước khi quyết định tiêm, tôi đã phải chuẩn bị kinh tế dư dả hơn so với chi phí sử dụng thuốc để đề phòng những thay đổi không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc.
Nguyên đang sử dụng hormone được hơn 1 năm.
Trước khi sử dụng hormone, tôi sẽ phải kiểm tra sức khỏe tổng quát để xem đủ điều kiện không. Nếu khỏe và đáp ứng được sự thay đổi từ thuốc thì mới nên sử dụng.
Những người chuyển giới không nhất thiết phải sử dụng hormone hay phẫu thuật thì mới được gọi là người chuyển giới. Không phải ai cũng có đầy đủ điều kiện (về sức khỏe và kinh tế) hoặc nhu cầu sử dụng hormone, phẫu thuật đầy đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là cảm nhận và khát khao của mỗi người.
Tôi hiện tiêm 3 tuần/mũi, chi phí khoảng 150.000-200.000 đồng/lần.
Sau khi tiêm hormone sự thay đổi ở mỗi người mỗi khác, với tôi, sau mũi tiêm thứ 3, dừng kinh nguyệt. Sau mũi thứ 7-8, giọng trở nên trầm hơn, lông phát triển, cằm góc cạnh, mặt mụn, da dầu hơn, giống như dậy thì lần 2.
Cứ sau 3 tháng, tôi sẽ đi kiểm tra lượng hormone trong cơ thể để điều chỉnh liều lượng tiêm, loại thuốc.
Có thời điểm, tôi tăng tới 10 kg trong một tháng. Lượng mỡ trên cơ thể phân bổ lại, dồn nhiều về bụng, vòng 3, cơ bắp phát triển nên tôi dành thời gian đi tập gym, chơi thể thao để săn chắc hơn.
Không ít người chuyển giới nam sau khi tiêm hormone một thời gian đã có kinh nguyệt trở lại, phải vào viện kiểm tra. Ngoài ra, việc tiêm hormone còn có tác dụng phụ là ảnh hưởng tới buồng trứng.
Trước khi tiêm, tôi được tư vấn trữ đông trứng để sau này có con, vì việc tiêm hormone làm chất lượng trứng giảm. Về lâu dài, người tiêm cũng có thể mắc một số bệnh như u nang buồng trứng. Mọi người chia sẻ sau khi tiêm hormone khoảng 5-6 năm nên cắt bỏ tử cung, buồng trứng. Hiện tại, tôi chưa tiến hành bất cứ can thiệp y tế nào.
“Làm bố” ở tuổi 21
Sau khi ông nội mất khoảng nửa tháng, “con gái” bước vào cuộc sống của tôi. Nói chính xác thì con bé là cháu ruột – con anh trai. Nhưng tôi biết mẹ luôn lo lắng việc mình sử dụng hormone sẽ khiến tôi vô sinh nên mẹ đã ngầm giao ước với mọi người trong gia đình rằng ngày con bé chào đời tôi sẽ là “bố Nguyên” của nó. Khoảnh khắc lần đầu bế con trên tay, tôi cảm giác mọi thứ đã bắt đầu thay đổi.
“Con gái” là người gắn kết Nguyên với mọi người trong gia đình.
Giai đoạn đó, tôi và gia đình có nhiều cản trở về mặt giao tiếp với nhau, sự xuất hiện của mặt trời bé con đã xoa dịu tất cả. Nhiều người nói với tôi “cháu là cháu, bao giờ tự đẻ thì đấy mới là con mình”.
Với một người chuyển giới như tôi, đó là một sự đả kích về mặt tinh thần cực kì lớn. Tôi lại bị rơi vào trạng thái tiêu cực trong khoảng thời gian dài. Nhưng mỗi ngày đi làm về, thấy con ăn uống vui chơi, khỏe mạnh bao nhiêu suy nghĩ buồn lo lại bay đi hết.
Sau đó, tôi quyết định mặc kệ miệng lưỡi thiên hạ, tập trung đi làm, có lương thì mua quà cho con. Với tôi, chuyện có phải là con ruột hay không không là vấn đề quan trọng.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ có con theo cách ấy, mọi thứ vô cùng bất ngờ. Nhưng sự xuất hiện của con như một thiên thần bước tới để giữ chân tôi ở lại thế giới này vậy.
Nguyên mong muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người.
Hiện tại, người chuyển giới từ nam sang nữ được biết tới nhiều hơn nhớ các gương mặt nổi tiếng như Hoa hậu Hương Giang, ca sĩ Lâm Khánh Chi, ca sĩ Lynk Lee. Ngược lại, người chuyển giới nữ sang nam dường như bị lãng quên. Bởi vậy, tôi muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người.
Tôi muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Tôi mong muốn mọi người biết đến sự tồn tại của người chuyển giới nam .
Ảnh: NVCC
Những đứa con bị cha mẹ ép chữa trị đồng tính ở Mỹ
Nhiều đứa trẻ bị đưa đến các trung tâm phúc lợi xã hội vì bố mẹ bỏ rơi. Phụ huynh của các em cho biết không cảm thấy thoải mái khi con cái thuộc cộng đồng LGBTQ.
Zing trích dịch bài đăng trên The New York Times và The Guardian, đề cập vấn đề trẻ em, thanh thiếu niên bị gia đình bỏ rơi vì công khai giới tính thật cùng những giải pháp mà chính phủ Mỹ dành cho đối tượng này.
Theo The New York Times , thanh thiếu niên đồng tính, song tính và chuyển giới chiếm số lượng đáng kể trong các hệ thống chăm sóc, nuôi dưỡng ở Mỹ.
Một báo cáo của Cục Quản lý Dịch vụ Trẻ em (ACS) cho thấy hơn 1/3 người trẻ sống trong các cơ sở chăm sóc tại New York thuộc cộng đồng LGBTQ. Nhiều người trong số này từng trải qua tình cảnh vô gia cư, trầm cảm và tuyệt vọng. Họ phải chật vật tìm kiếm hỗ trợ và sự công nhận của xã hội.
Cơ quan này đang sử dụng kết quả của cuộc khảo sát để xây dựng kế hoạch nhằm giúp trẻ em đồng tính kết nối với người thân và gia đình nuôi dưỡng.
Nhiều thanh thiếu niên sợ hãi khi tiết lộ giới tính với bố mẹ. Ảnh: Fox News.
Tại New York, những đứa trẻ không nơi nương tựa có thể ở trong cơ sở chăm sóc xã hội đến khi trưởng thành và tìm được nhà ở ổn định.
"Nếu như không có những dữ liệu này, chúng tôi không khác gì đang lập kế hoạch trong bóng tối. Chúng ta không thể đáp ứng nhu cầu của họ nếu chưa thực sự hiểu họ cần gì", David Hansell, ủy viên của cơ quan, nói.
Gia đình bỏ rơi
Theo Sandfort, giáo sư của Đại học Columbia, kết quả của cuộc khảo sát được hoàn thành vào cuối năm 2019. Những người 13-20 tuổi đã trả lời các câu hỏi về giới tính, xu hướng tình dục, nhân khẩu học, trải nghiệm khi sống trong nhà chăm sóc xã hội và mức độ hạnh phúc.
Khoảng 34% được hỏi cho biết họ là người thuộc giới tính thứ ba. Trong khi một số đứa trẻ được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng vì bị ngược đãi, bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em thuộc cộng đồng LGBTQ đến đây sau khi bị gia đình từ chối.
Nhiều bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ bị gia đình bỏ rơi sau khi công khai giới tính thật. Ảnh: The Guardian.
Jonathan DeJesus (21 tuổi) không còn nói chuyện với cha mẹ từ lâu. Ước mơ của anh là trở thành diễn giả và được đứng về phía những người trẻ rơi vào hoàn cảnh như mình.
DeJesus được đưa đến trung tâm bảo trợ xã hội từ năm 12 tuổi, sau khi trải qua nạn bạo lực gia đình. Bất chấp các giải pháp "chữa trị" của bố mẹ, mâu thuẫn giữa DeJesus với họ vẫn tiếp tục gia tăng khi anh xác định mình là người đồng tính.
Tại ngôi nhà tập thể, DeJesus được phát triển bản thân vì có sự hỗ trợ của mọi người xung quanh.
Không được thấu hiểu
Jamie Powlovich, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Coalition for Homeless Youth, cho rằng tỷ lệ vô gia cư ở thanh thiếu niên tăng cao là do gia đình và cộng đồng không chấp nhận họ.
"Các cuộc điều tra và lập kế hoạch vẫn chưa đủ hiệu quả, người trẻ phải được tham gia vào quá trình ra quyết định. Tôi biết có nhiều người không lắng nghe họ", Powlovich bày tỏ.
Andrés (19 tuổi), sống trong trung tâm bảo trợ xã hội ở Bronx, thấu hiểu cảm giác không được lắng nghe. Anh mong muốn cơ quan phúc lợi trẻ em của thành phố hành động sớm hơn để giúp những người như anh thoát khỏi ngôi nhà của cha mẹ đẻ.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đổ vỡ vì vấn đề giới tính. Ảnh: Fox News.
Khoảng 4 năm trước, Andrés có ý định không sử dụng họ của mình. Gia đình chàng trai bắt đầu thực hiện các biện pháp cưỡng chế từ khi anh công khai giới tính thật. Mối quan hệ giữa Andrés với bố mẹ ngày càng xa cách.
"Tôi không thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào. Bởi vì tôi sẽ không đánh mất bản thân vì người khác", Andrés nói.
Trong một chuyến đi đến Colombia, mẹ anh ép con trai mình tham gia lễ trừ tà để "trị bệnh".
"Tôi bị nhốt trong một căn phòng bê tông với hai người đàn ông mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Họ sử dụng bùa chú để tôi hết đồng tính", Andrés kể lại.
Khi trở lại New York, Andrés vẫn ám ảnh với chuyến đi khủng khiếp đó. Anh rơi vào bế tắc và có ý định tự tử.
Cơ quan phúc lợi trẻ em sau đó đã giúp Andrés rời khỏi nhà vào năm 2016. Giờ đây, chàng trai 19 tuổi cảm thấy hạnh phúc khi ở một nơi tốt hơn.
Xấu hổ vì có con đồng tính
Mỹ được biết đến là "vùng đất của tự do" nhưng vẫn tồn tại nhiều trường hợp trẻ em bị bỏ rơi sau khi tiết lộ giới tính thật. Không chỉ tại xứ sở cờ hoa, tình trạng này cũng đáng báo động ở nhiều quốc gia khác.
Năm 2019, vụ việc một bà mẹ Brazil giết con trai vì là người chuyển giới đã trở thành tâm điểm trên mạng xã hội. Cụ thể, Tatiana Ferreira Lozano Pereira đã thuê hai sát thủ để đánh đập Itaberli Lozano (17 tuổi). Vì họ không chịu xuống tay nặng hơn, Tatiana đã dùng dao làm bếp đâm chết con trai.
Tatiana và chồng mang xác Itaberli ra ruộng mía rồi châm lửa đốt. Hài cốt của em được tìm thấy sau đó một tuần. Hành động của người mẹ này gây nên làn sóng phẫn nộ. Cuối cùng, cô ta bị kết án 25 năm tù.
Những câu chuyện khác về việc cha mẹ từ chối con cái cũng trở nên phổ biến. Ảnh: New York Times.
Ngay cả ở những quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới, sự bình đẳng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Vào cuối năm ngoái, cuộc thăm dò ý kiến của YouGov đã chỉ ra rằng 1/4 người lớn không tự hào nếu con họ công khai giới tính thật.
Cứ 10 người thì có 1 cảm thấy không thoải mái khi sống ở nhà với con nếu chúng "có biểu hiện khác thường", theo The Guardian .
Theo kế hoạch mới của cơ quan phúc lợi trẻ em, nơi này sẽ tìm cha mẹ nuôi quan tâm đến việc chăm sóc thiếu niên thuộc cộng đồng LGBTQ.
Gasca-Gonzalez cho rằng việc thiết lập gia đình có xu hướng hiệu quả hơn vì "người một nhà thường quan tâm đến nhu cầu của nhau, còn các trung tâm thì có những nguyên tắc chung".
Bà Kimmel, người đứng đầu một nhóm pháp lý phi lợi nhuận cho trẻ em, nhấn mạnh kế hoạch mới phải đảm bảo tất cả cha mẹ nuôi phải được hướng dẫn để nuôi dạy trẻ em mà không có bất kỳ sự phân biệt giới tính hay biểu lộ kỳ thị nào.
Được cha mẹ thấu hiểu là ước mơ của nhiều đứa trẻ. Ảnh: Science News For Student.
Trong những năm gần đây, dữ liệu của thành phố New York về tình trạng vô gia cư cho thấy 40% thanh niên không có nhà cửa đều thuộc cộng đồng LGBTQ, khoảng 42% người đã từng được chăm sóc, nuôi dưỡng.
"ACS đã có chính sách đào tạo các cặp cha mẹ nuôi, nhân viên phụ trách để mọi đứa trẻ đều được chấp nhận nhưng điều đó không hiệu quả lắm. Có rất nhiều nhà nuôi dưỡng đã từ chối những người thuộc giới tính thứ 3", Kimmel cho hay.
Destiny Simmons (24 tuổi), người song tính, nói rằng việc chuyển nhà thường xuyên khiến cô không thể hình thành các mối quan hệ.
"Tôi không biết khi nào mình sẽ lại được chuyển đi. Vì vậy, tôi lo ngại việc xây dựng mối quan hệ với mọi người khi nó có thể bị phá vỡ", Simmons chia sẻ.
Mạnh thường quân phản ứng dữ dội, bức xúc khi bị Tịnh Thất Bồng Lai lừa dối: Số tiền người ủng hộ, gửi từ nước ngoài hỗ trợ rất lớn Câu chuyện Tịnh Thất Bồng Lai bị chính quyền Long An "vạch mặt" khiến nhiều người bất ngờ. Trong đó, những mạnh thường quân đã từng giúp đỡ cho nơi này vô cùng bức xúc khi bị lừa dối một cách tinh vi. Câu chuyện về "giả sư" ở Tịnh Thất Bồng Lai đang thu hút sự chú ý lớn từ dư luận....