Bị chồng cũ cưỡng bức đến mang bầu, có nên giữ thai lại?
Tôi nằm co quắp trên giường, ê chề, tê tái. Còn gã chồng cũ cười hả hê: “Béo như con lợn, rồi xem có thằng nào nó thèm rước không?” rồi đóng sập cửa bỏ đi.
ảnh minh họa
Tôi năm nay 33 tuổi, làm kế toán. Hiện tại tôi đã ly hôn được 8 tháng. Tôi đã từng kết hôn 7 năm trước. Chồng cũng của tôi làm nhân viên văn phòng tại một cơ quan Nhà nước. Vợ chồng tôi không thể có con. Đi khám thì bác sĩ đều nói “máy móc” của tôi bình thường, nhưng tinh trùng của chồng tôi yếu.
Video đang HOT
Nhưng chồng tôi khăng khăng là lỗi của tôi chứ anh ta khỏe như vậy, mỗi tuần “lao động” cả chục lần vẫn không hề hấn gì. Khi bác sĩ yêu cầu anh ta bỏ thuốc lá, bỏ rượu, chịu khó tập thể dục nhưng anh ta không hề tuân theo. Còn tôi vẫn nhẫn nại uống thêm thuốc bắc để hy vọng cơ thể khỏe hơn, có thể sinh con.
Do tôi uống thuốc bắc nên cơ thể cũng tăng cân khá nhiều. Không rõ vì chê tôi béo hay muốn chứng minh “hàng họ” tốt, khỏe mà chồng tôi đi lăng nhăng, cặp bồ ở ngoài. Không những thế, anh ta còn về nhà khoe thành tích với tôi, “nổ” rằng cô nọ khen ngợi, cô kia mê mẩn anh ta, chẳng qua anh ta chưa muốn có con chứ không thì phải được “cả đội bóng” rồi.
Khi tôi phản đối, anh ta mạt sát tôi không tiếc lời, sau đó đằn ngửa tôi ra, áp dụng các “cách thức” mà anh ta mới học được của gái làng chơi, bắt tôi làm theo. Anh ta vừa làm, vừa nhéo bụng, chê tôi béo như con lợn, béo lấp hết trứng… Tôi thực sự trải qua đủ cay đắng, tủi nhục.
Sau hai năm chịu đựng, tôi đã quyết định ly hôn với anh ta, cho dù anh ta phản đối, đe dọa, van xin tôi. Tôi vẫn đơn phương ly hôn, ra đi tay trắng, không đòi chia sẻ bất cứ tài sản gì. Cho dù ly hôn nhưng anh ta vẫn tiếp tục lui tới chỗ tôi thuê trọ, quấy rối, chửi mắng tôi. Và trong một lần tôi sơ hở, anh ta đã đẩy cửa vào, bịt miệng và cưỡng bức tôi. Khu nhà trọ vào ngày 30.4, mọi người đi chơi, đi về quê hết nên tôi không thể kêu cứu… Hắn còn nói: “Nhìn cô thật tởm quá. Béo như con lợn, rồi xem có thằng nào thèm rước không”.
Tôi đã quá tủi hổ, quá đau đớn nên không thể đi tố cáo. Tôi chỉ muốn chôn chặt nỗi đau để làm lại cuộc đời. Rất may, hắn đã không quay lại lần nào nữa. Nhưng bây giờ, tôi lại đối mặt với nỗi đau khác. Do đau buồn, do sốc, nên tôi đã không để ý rằng tôi đã chậm kinh 2 tháng. Khi tôi ngất xỉu khi đang làm việc, được đồng nghiệp đưa đi viện thì mới phát hiện ra mình có thai được gần 3 tháng. Kết quả của lần tôi bị chồng cũ cưỡng bức.
Suốt 1 tuần nay, tôi đã không thể ngủ được. Tôi đã mong chờ đứa con này suốt 7 năm trời. Nhưng đến khi tôi ghê tởm chồng tôi, đến khi tôi bị cưỡng bức thì đứa con này lại xuất hiện. Tôi không biết nên giữ lại hay phá bỏ? Liệu tôi có nên sinh đứa con này? Liệu tôi sinh con anh ta mà biết thì có quấy rầy tôi? Tôi thề không bao giờ muốn nhìn mặt anh ta? Liệu tôi có thể nuôi đứa con – do bị cưỡng bức mà có – lớn lên khỏe mạnh, thông minh và giống tôi chứ không giống bố nó? Tôi không biết phải làm sao?
Bất Hạnh (bathanh… @gmail.com)
Rất mừng là chị đã giải thoát khỏi chồng cũ. Tuy nhiên, Tơ Hồng không dám chắc anh ta còn quay lại hay không. Vì thế, để bảo vệ mình, chị cần phải tố cáo hành vi của anh ta với chính quyền.nếu sau này anh ta còn dám tới nhà trọ để quấy rối chị. Đồng thời, chị cũng cần nói rõ cho anh ta biết, chị sẽ không nhân nhượng, không bỏ qua, nếu anh ta tiếp tục gây bạo lực với chị, dưới bất cứ hình thức nào. Nếu chị càng chịu đựng, anh ta sẽ tiếp tục lấn tới.
Còn về cái thai, không ai có thể ra quyết định giữ nó hay phá bỏ ngoài chị. Tơ Hồng hiểu rằng, sau 7 năm chờ đợi, chạy chữa, mong ngóng, chị mong mỏi có đứa con này hơn ai hết. Đứa con cũng hoàn toàn vô tội, hoàn toàn ngây thơ, trong sáng, không hề dính dáng đến hành vi bất lương của người cha. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra cũng như một tờ giấy trắng. Tính cách của chúng giống mẹ hay giống bố là do dạy dỗ, do các thói quen thường nhật tạo nên, chứ không phải “bẩm sinh”.Vì thế, nếu giữ thai lại, chị có thể yên tâm về tính cách đứa con của mình. Cháu sẽ tốt đẹp, thông minh, lương thiện nhờ sự dạy bảo của mẹ. Tuy nhiên, chị cũng phải chắc chắn một điều, chị thực sự yêu thương đứa trẻ, quên đi tội lỗi của người cha, không có lúc nào đó tỏ sự ghét bỏ, dằn hắt, trách giận sự có mặt của cháu trên cõi đời này. Như thế, cháu sẽ bị tổn thương, có thể trái tính trái nết từ đó.
Còn về bố đứa trẻ, có thể tạm thời chị đừng cho anh ta biết, thậm chí nên để anh ta hiểu lầm là chị đã có con với người khác cũng được, không cần phải giải thích hay thanh minh với anh ta. Sau này, khi con lớn lên và anh ta không có những hành vi bạo lực với chị, nếu thực sự cần, chị mới nên nói cho con chị biết và để cháu tự quyết định có nên nhận bố hay không.
Trong tâm sự của chị, Tơ Hồng thấy chị rất đơn độc. Nếu có thể, chị nên chia sẻ với người thân, bạn bè, để họ san sẻ và giúp đỡ chị tránh xa người chồng bạo lực đó. Người thân sẽ là chỗ dựa tinh thần, vật chất cho chị lúc khó khăn này. Đồng thời, khi câu chuyện bạo lực được chia sẻ, chị cũng vợi bớt phần nào đau khổ, đó cũng là một “bằng chứng” để tố cáo anh ta, nếu anh ta lặp lại hành vi đó. Những kẻ gây bạo lực chỉ cảm thấy vênh vang, thắng lợi khi hành hạ vợ “im ỉm” trong nhà, còn ra ngoài đường vẫn “võng giá nghênh ngang”. Chúng luôn sợ hãi, chùn bước nếu như vấp phải sự lên án, phản đối của mọi người xung quanh. Vì thế, chị nên tìm sự trợ giúp cho mình từ người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng…
Rất mong chị có thể tìm sự bình yên.
Theo VNE