Bí ẩn 99 giếng cổ thiên tạo trong một làng ở Hà Nội
Làng Yên Trường (xã Trường Yên, Chương Mỹ, TP. Hà Nội) có tới 99 giếng cổ thiên tạo , mang dáng hình kì lạ đi cùng với biết bao truyền thuyết . Qua bao năm, sự hình thành của những giếng này đến nay vẫn là điều bí ẩn .
Trên những con đường nhỏ làng Yên Trường (Chương Mỹ, Hà Nội), đâu đâu cũng thấy có giếng nước. Đặc biệt, không có giếng nào bị khô cạn và vẫn đang được người dân sử dụng để sinh hoạt, kể cả dùng làm nước ăn.
Những chiếc giếng kì lạ đều có điểm chung, không biết có từ bao giờ, cũng không có ai đào cả. Các cụ cao tuổi trong làng đã ngót 90 cho biết, khi sinh ra đã có giếng rồi.
Theo truyền thuyết các cụ trong làng kể lại, những giếng này là do điểm huyệt mà có. Một ông thầy (như người dân kể lại – PV) đến điểm huyệt bằng bút lông 100 vị trí quanh làng với quan niệm đủ 100 dấu thì dân làng có người làm quan. Điểm đến cái thứ 99 thì bút bị tòe và vứt bút đi nên không đủ như ban đầu.
Những nơi được điểm huyệt biến thành giếng nước từ khi nào không ai rõ và vì thế làng có 99 cái giếng. Giếng nào cũng được người dân lập ban thờ thần giếng.
Các giếng làng Yên Trường rất khác lạ, lòng giếng lồi lõm, méo vẹo như những hang động bằng đá ong chứ không tròn trịa bằng phẳng. Đây cũng chính là lí do để người dân tin rằng do thiên tạo mà có.
Nước giếng mùa này đầy ắp, trong vắt. Lại có tích chuyện cho biết, những giếng này là 99 vết chân ngựa của Thánh Gióng nện xuống khi nước kiệu ngang qua mà thành.
Dù theo huyền tích nào thì làng An Tràng xưa (nay là Yên Trường) có 99 giếng lớn nhỏ khác nhau, đến nay đã bị lấp dần bởi sự đô thị hóa. Giếng trong làng vẫn còn khá nhiều, dễ dàng bắt gặp nằm rải rác trên khắp các con đường làng, bên cạnh là một ban thờ nhỏ.
Đều là giếng thiên tạo song phần miệng giếng đã được người dân xây đắp để tránh sự xâm phạm và để an toàn cho người dân lấy nước, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Một chiếc giếng ở xóm An Ninh nằm giữa đường đã được người dân xây che lại một nửa phần miệng giếng để lấy lối đi trở thành chiếc giếng hình bán nguyệt. Bên dưới, lòng giếng giữ nguyên và được các gia đình lấy nước sử dụng bằng máy bơm.
Những giếng lớn ngoài việc xây cao thành bằng đá ong còn quây thêm rào sắt, tuy có bớt đi phần nào vẻ cổ kính nhưng lại an toàn cho trẻ nhỏ. Các giếng đều có độ sâu khoảng 7 – 8 mét.
Hình thù kì lạ của một lòng giếng , giống với bàn chân, vó ngựa.
Đối với dân làng Yên Trường, giếng nước là linh thiêng, đều có các vị thần cai quản. Xưa người An Tràng ăn bằng nước giếng, đến nay dù có nước máy nhưng nhiều gia đình vẫn không thể bỏ được nguồn nước tự nhiên này. Giếng ở đây có tiếng là nước ngọt trong và tinh khiết nên nhiều người ở địa phương khác còn về đây lấy nước để làm tương.
Một giếng có phần cổ được người dân xây đá ong theo dạng hình tròn ở trên.
Thành giếng uốn lượn chứ không tròn đều, bằng phẳng như các loại giếng nhân tạo.
Hiện tại giếng xóm Chùa là lớn nhất của làng Yên Trường, đường kính lên đến 4 mét, độ sâu khoảng 8 mét, nước trong.
Bí ẩn 'Vòm ánh sáng': Mỹ giải mật dữ liệu siêu vũ khí của Liên Xô ra sao?
Tờ The Drive công bố các tài liệu của Không quân Mỹ về hiện tượng bí ẩn 'ánh sáng mái vòm' của Liên Xô, nhằm làm mù hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ.
Năm 2019, The Drive đã đăng tải hồi ký của một cựu binh Robert Hopkins, thành viên của Không quân Hoa Kỳ, là phi công lái máy bay trinh sát RC-135S Cobra Ball, từng đối mặt với hiện tượng bí ẩn này. Sau đó, các thông tin công bố chỉ ra rằng, đây có thể là "siêu vũ khí" của Liên Xô nhằm "làm mù" các vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ.
Ngoài ra, hiện tượng bí ẩn này cũng được báo cáo trong các tài liệu của Cơ quan Đối ngoại công nghệ của Không quân Mỹ (FTD), đưa ra vào giai đoạn những năm 1980. Trước đây, chúng được xếp vào loại "bí mật". Ở đó, câu chuyện của phi công Robert Hopkins không phải là duy nhất, mà nhiều tài liệu năm 1986 cũng miêu tả lại hiện tượng "Vòm ánh sáng" bí ẩn này.
Hiện tượng bí ẩn "Vòm ánh sáng" của Liên Xô. (Ảnh: Wikimedia.org)
" Mặc dù có nhiều báo cáo khác nhau, hầu hết các nhà quan sát mô tả hiện tượng này giống như một quả cầu nhỏ màu trắng, xuất hiện trên đường chân trời mở rộng đều sang hai bên và hướng lên trên, trong khi vẫn duy trì hình dạng mái vòm. Lúc đầu, nó mờ đục, nhưng trở nên trong suốt khi nó mở rộng và có thể nhìn thấy các ngôi sao qua tâm của mái vòm.
Khi nó bắt đầu mờ đi, đường viền bên ngoài vẫn sáng hơn, tạo thành một vòng cung hình cầu vồng. Nó được cho là cực kỳ lớn với chiều dài tối đa và lấp đầy hơn một nửa bầu trời. Các ước tính chỉ ra rằng chiều rộng của nó là khoảng 1.900 km và phần trung tâm ở độ cao 1.000 km.
Hầu hết các "Vòm ánh sáng" được nhìn thấy trong khoảng 20 phút, nhưng có báo cáo cho rằng hiện tượng này kéo dài đến 100 phút. Trong hầu hết các trường hợp "Vòm ánh sáng" có thể nhìn thấy khi người quan sát ở trong bóng tối hoặc lúc hoàng hôn ", báo cáo của Không quân Mỹ viết.
Theo các chuyên gia, hiện chưa biết chính các thời điểm Không quân Mỹ hoặc các đơn vị khác của quân đội Mỹ lần đầu tiên chạm trán với "Vòm ánh sáng" và có bao nhiêu trường hợp được quan sát. Tuy nhiên, các tài liệu ban đầu đã mô tả về mối quan hệ giữa hiện tượng này với các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10/SS-20 của Liên Xô.
Theo đó, các nhà phân tích của Không quân Mỹ đã phải vật lộn để xác định chính xác các hiện tượng được kết nối với nhau. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng, hiện tượng "Vòm ánh sáng" đã không xảy ra sau mỗi lần phóng tên lửa RSD-10/SS-20. Trong một số trường hợp, hiện tượng bí ẩn này xảy ra trước khi vụ phóng tên lửa bắt đầu.
" Cho đến nay, không có lời giải thích thỏa đáng nào mà không mâu thuẫn với dữ kiện của các lần hiện tượng được ghi trong báo cáo ", tài liệu của Không quân Mỹ năm 1986 nêu rõ.
Từ đó, có nhiều giả thuyết, phiên bản khác nhau được đưa ra, như "kết quả giải phóng nhiên liệu tên lửa không sử dụng" đến việc tạo ra "đám mây ion" cần thiết để mô phỏng tình huống, sau "một cuộc thử vũ khí hạt nhân với mục đích thí nghiệm".
Mỹ cho rằng, "Vòm ánh sáng" có liên quan đến vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10/SS-20 của Liên Xô.
Năm 1983, bài báo " Mô hình toán học ngẫu nhiên của một đám mây nhân tạo phát quang hóa học ở các tầng trên của khí quyển ", được đăng trên tạp chí khoa học của Liên Xô. Tác giả của bài báo trên là E.G.Slekenichs, từ Viện Vật lý kỹ thuật Matxcơva.
Bài báo của Slekenichs nói về một mô hình máy tính nhất định được phát triển để dự đoán sự hình thành của "một đám mây ethylene" hình cầu ở độ cao 141 km. Việc quan sát nó "cho phép xác định nồng độ của các thành phần nhỏ của khí quyển".
Tuy nhiên, tác giả bài báo lưu ý rằng việc tạo ra những đám mây này rất khó và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng có thể được hình thành bằng cách giải phóng thuốc thử ở độ cao hơn 120 km. Tác giả Slekenichs cũng lưu ý rằng nguyên mẫu của "đám mây ethylene phát quang hóa học" đã thu được bằng thực nghiệm. Đồng thời, nhà khoa học cũng tham khảo một báo cáo khác từ năm 1974.
" Thật không may, không có giả thuyết khả thi nào của thử nghiệm được đưa ra " các nhà phân tích bình luận về bài báo của Slekenich.
Tờ The Drive tiếp tục hướng về giả thuyết thuyết phục nhất rằng, "Vòm ánh sáng" là một biện pháp của Liên Xô đối phó với hệ thống cảnh báo sớm hoặc phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Mặc dù Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô dẫn đến việc tiêu hủy tên lửa đạn đạo RSD-10/SS-20, nhưng quân đội Hoa Kỳ rõ ràng lo ngại rằng, hiện tượng "Vòm ánh sáng" sẽ kéo theo các vụ phóng tên lửa đạn đạo khác của Liên Xô.
Năm 1990, Cơ quan Đối ngoại Công nghệ của Không quân Mỹ đưa ra một bản ghi nhớ kỹ thuật có tựa đề "Chuyến bay SS-25 DOL" (viết tắt của Vòm Ánh sáng). Báo cáo về "Chuyến bay SS-25 DOL" đã được chỉnh sửa nhiều, nhưng hầu hết đề cập đến các chuyến bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-25 Sickle (còn được gọi là RT-2PM Topol) của Liên Xô, với hiệu ứng "Vòm ánh sáng".
Tuy nhiên, cho đến nay những bí ẩn về "Vòm ánh sáng" của Liên Xô vẫn chưa được hé lộ.
Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?
Vì sao con người khó bắt được quái vật Bigfoot? Quái vật Bigfoot là một trong những sinh vật bí ẩn nhất thế giới. Nhiều người vô tình bắt gặp sinh vật to lớn phủ đầy lông lá này nhưng lại rất khó bị 'tóm'. Vì sao lại vậy? Trong nhiều thập kỷ qua, quái vật Bigfoot (chân to) còn gọi là Sasquatch trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của...