Bệnh nhân khỏi Covid-19, sản xuất máy khử khuẩn tặng tuyến đầu chống dịch
Vừa điều trị Covid-19, anh Mai Anh Đức vừa chỉ đạo qua điện thoại công việc sản xuất nước sát khuẩn, máy khử khuẩn tặng các bệnh viện, khu cách ly… trên cả nước.
Anh Mai Anh Đức – người đứng đầu dự án 687 chuyên sản xuất nước sát khuẩn, máy khử khuẩn tặng các bệnh viện, khu cách ly…
Tháng 7/2020, anh Mai Anh Đức (39 tuổi, ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) và con trai 13 tuổi dương tính với Covid-19. Một năm sau, anh trở lại các bệnh viện, khu cách ly điều trị Covid với tư cách mạnh thường quân tặng nước sát khuẩn, máy khử khuẩn cho cán bộ y tế và bệnh nhân. Những chiếc máy được dán nhãn dự án 687 – mã số bệnh nhân của anh 1 năm trước.
Anh Mai Anh Đức chia sẻ ý tưởng làm nước sát khuẩn đã được anh manh nha từ trước khi phát hiện bản thân dương tính với Covid-19.
Vốn là kỹ sư điện, đang kinh doanh mảng máy lọc nước, điều hòa không khí nhập khẩu nên anh Đức tự nhận mình có chút kiến thức về các sản phẩm này. Mùa hè năm ngoái khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, anh nung nấu ý tưởng sản xuất nước sát khuẩn tặng các bệnh viện, khu cách ly. “Bởi vì tôi biết công thức để làm ra loại dung dịch này”, anh nói.
Nghĩ là làm, anh ngỏ ý mượn thiết bị tạo ra nước sát khuẩn của một người bạn ở TP.HCM. Thiết bị này đã được chứng nhận thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và khả năng diệt khuẩn đến 99%.
Nhưng ngày chiếc máy ra đến Đà Nẵng cũng là ngày anh nhận tin con trai dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, cả gia đình anh trở thành F1, phải đi cách ly tập trung. “Lúc ấy tình hình bấn loạn, tất cả người thân đều phải đi cách ly, không có ai nhận được máy. Đầu óc tôi cũng không còn tâm trí để nghĩ tới chuyện đó nữa” – anh kể.
Thế là chiếc máy lại phải bay ngược vào TP.HCM trả cho người bạn. Ngày hôm sau, anh nhận tin mình dương tính với Covid-19 và được chuyển vào Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang điều trị.
Trong hơn 10 ngày ở bệnh viện, anh cảm nhận rõ ràng nhất sự vất vả và tận tâm của các y bác sĩ. “Đêm tôi bị sốt, các bác sĩ dường như cũng thức theo tôi. Mặc dù đã được uống thuốc hạ sốt nhưng cứ một lúc, lại có người vào hỏi thăm tình hình. Tôi thực sự cảm động trước sự chu đáo của đội ngũ y bác sĩ”.
Anh Đức kể, lúc ấy, ai cũng mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, anh không thể nhìn thấy mặt ai. Nhưng nghe giọng nói, anh biết họ không chỉ ở Đà Nẵng mà từ khắp nơi đổ về ứng cứu Đà Nẵng trong giai đoạn nguy cấp.
“Những ngày ở viện và khu cách ly, tôi cũng nhận được nhiều món quà từ tuýp kem đánh răng cho tới bánh xà bông. Những tấm chân tình ấy khiến tôi thực sự cảm động và quyết tâm phải làm điều gì đó cho cộng đồng”, anh chia sẻ.
Sau khi đã ổn định tâm lý, từ trong bệnh viện anh gọi cho anh em ở công ty xúc tiến ngay việc sản xuất nước sát khuẩn từ chiếc máy người bạn gửi ở TP.HCM ra lần thứ 2.
Video đang HOT
Khi anh có kết quả âm tính lần 3, được chuyển về tự cách ly tại nhà cũng là lúc những chai nước sát khuẩn đầu tiên “ra lò”. Tính đến thời điểm hiện tại, 60 ngàn lít nước sát khuẩn đã được nhóm 687 của anh gửi tới các bệnh viện ở Đà Nẵng, các khu cách ly, các trạm chốt kiểm soát, trường học, khu vực biên giới Việt Lào ở Quảng Nam, các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang…
Anh Đức tặng nước sát khuẩn, máy khử khuẩn cho bệnh viện.
Sản xuất thành công nước sát khuẩn, anh nghĩ tới việc làm buồng khử khuẩn. Cùng với sự giúp sức của anh em, bạn bè, 4 chiếc buồng khử khuẩn đã được gửi tặng các đơn vị ở Đà Nẵng, 1 chiếc được gửi về Hải Dương.
Tuy nhiên, xét thấy nhược điểm của buồng khử khuẩn là cồng kềnh, khó di chuyển, cộng với chi phí tốn kém, anh Đức lại nghĩ tới việc làm máy khử khuẩn di động với chi phí chỉ bằng một nửa.
Được sự hỗ trợ về mặt tài chính của các mạnh thường quân, nhóm 687 của anh đã sản xuất được 8 chiếc máy khử khuẩn gửi tặng Bắc Giang. Hiện tại, nhóm đang sản xuất tiếp 20 chiếc theo đặt hàng của Qũy Cộng đồng hỗ trợ phòng tránh thiên tai để gửi tặng 10 chiếc cho Bắc Giang, 10 chiếc cho Bắc Ninh.
“‘Đơn đặt hàng’ tiếp theo là 20 chiếc của dòng họ Mai ở Việt Nam do chủ tịch hội ở Thanh Hóa gọi ra cho tôi đề xuất để dành tặng cho các đơn vị ở tuyến đầu chống dịch” – anh Đức kể.
Chiếc máy khử khuẩn của nhóm 687 được hoạt động theo cơ chế phun sương tự động nhờ bộ phận cảm biến. Chân máy có bánh xe, có thể di chuyển dễ dàng. Ngoài ra, nhóm cũng nghiên cứu để chế tạo phần khung máy đặt phía dưới, còn bên trên đặt bình chứa dung dịch sát khuẩn. Hai vòi phun được bố trí ở ngang tầm tay và chân của người để đạt hiệu quả cao nhất.
Anh Đức cho biết, hiện một chiếc máy khử khuẩn được sản xuất với chi phí khoảng 8 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với buồng sát khuẩn.
Nhóm 687 của anh Đức đang nhanh chóng cho “ra lò” những chiếc máy khử khuẩn tiếp theo dành tặng Bắc Giang, Bắc Ninh.
Khi được hỏi việc này có ảnh hưởng nhiều tới thời gian anh dành cho công việc và gia đình, anh Đức chia sẻ: “Việc chúng tôi đang làm rất nhỏ bé so với những gì mà bản thân tôi và người dân Đà Nẵng đã nhận được trong thời điểm khó khăn. Tôi hi vọng dự án 687 có thể đóng góp một chút công sức của mình cho cộng đồng để người dân Việt Nam lại sớm được sống cuộc sống bình thường trở lại”.
“Từng là một bệnh nhân nhiễm Covid-19, tôi cũng mong các bệnh nhân đang điều trị luôn lạc quan, tin tưởng vào đội ngũ y tế, mong các y bác sĩ đủ bản lĩnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Sáng 31/5: Thêm 61 ca mắc COVID-19 trong nước, Việt Nam hiện có 7.168 bệnh nhân
Bản tin sáng 31/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 61 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Giang 43 ca, Hà Nội 15 ca và Lạng Sơn có 3 ca. Việt Nam hiện có 7.168 ca mắc. Đến sáng nay, thế giới đã vưọt mốc 170 triệu ca mắc COVID-19.
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 30/5 đến 6h ngày 31/5 có 61 ca mắc mới (BN7108-7168):
- 0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 61 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (43), Hà Nội (15), Lạng Sơn (3).
Tính đến 6h ngày 31/5:
- Việt Nam có tổng cộng 5.665 ca ghi nhận trong nước và 1.503 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 4.095 ca.
Số ca mắc COVID-19 trên thế giới tính đến 6h ngày 31/5
- Cả thế giới có 171.000.708 ca mắc, trong đó 153.086.591 đã khỏi bệnh; 3.555.956 vong và 14.358.161 điều trị (92.080 ca diễn biến nặng).
- Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 382.580 ca, tử vong tăng 7.774 ca.
- Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 25.307 ca, trong đó: Philippines tăng 7.058 ca, Malaysia tăng 6.999 ca, Indonesia tăng 6.115 ca, Thái Lan tăng 4.528 ca, Campuchia tăng 579 ca, Singapore tăng 25 ca, Lào tăng 3 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
- CA BỆNH BN7108-BN7110 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: 03 ca (1 ca là công nhân liên quan khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang; 1 ca là F1 BN5409, BN6404; 1 ca liên quan ổ dịch huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng.
- CA BỆNH BN7111-BN7129; BN7131, BN7133, BN7135, BN7137, BN7139-BN7140; BN7142, BN7145, BN7147, BN7149-BN7163 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang: là các ca mới trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN7130, BN7132, BN7134, BN7136, BN7138, BN7141, BN7143-BN7144, BN7146, BN7148; BN7164-BN7168 ghi nhận tại Hà Nội: là F1, liên quan ổ dịch cũ, đã được cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Tình hình điều trị:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
Lần 1: 145
Lần 2: 66
Lần 3: 70
- Số ca tử vong: 47 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 2.950 ca.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 150.471, trong đó:
- Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 5.067
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 30.307
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 115.097
Thông tin tiêm chủng:
Ngày 30/5, Bắc Giang đã triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 3.791 người là công nhân tại các khu công nghiệp. Như vậy sau 04 ngày triển khai, Bắc Giang đã tiêm chủng cho 5.566 công nhân trên địa bàn.
'Đừng khóc nha con, mấy cô chú mệt rồi' Tối 30-5, các phường tại Gò Vấp vẫn đang hối hả lấy mẫu xét nghiệm người dân. Dù đã làm liên tục cả ngày, cán bộ y tế, cán bộ phường vẫn cố gắng hoàn thành. Nhiều em bé lo sợ mếu máo được cha mẹ dỗ dành: "Cô chú mệt rồi, đừng khóc nha con". Hối hả lấy mẫu xét nghiệm tại...