Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên đối đầu trong chặng đua nước rút cuối cùng
Trong khi bà Harris kêu gọi sự đoàn kết và cảnh báo về mối đe dọa cho nền dân chủ, ông Trump tiếp tục thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” với những tuyên bố mạnh mẽ về cải tổ chính quyền.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama tại chiến dịch vận động tranh cử ở Kalamazoo, Michigan, ngày 26/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo AFP ngày 2/11, bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang bước vào tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ căng thẳng nhất thời hiện đại, với một loạt các cuộc mít tinh ở các bang dao động sẽ thử thách sức bền của họ và khả năng thuyết phục những cử tri còn do dự cuối cùng.
Lịch trình vận động tranh cử của cả hai ứng viên đều dày đặc tại các bang chiến địa như Georgia, Bắc Carolina, Michigan, Virginia và Pennsylvania. Đáng chú ý, tại Milwaukee, Wisconsin, hai ứng viên đã tổ chức các cuộc mít tinh chỉ cách nhau vài km vào cuối tuần.
Bà Harris, người nỗ lực để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, đang sử dụng các cuộc mít tinh ở Georgia, Bắc Carolina và Michigan để truyền tải thông điệp của bà rằng ông Trump là “mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ”.
Bà Harris đang tập trung vào chiến lược kêu gọi các cử tri trung dung và thúc đẩy người ủng hộ đi bỏ phiếu thông qua các hoạt động vận động thực địa. Tại Little Chute, Wisconsin, bà đã chỉ trích ông Trump là “người ngày càng bất ổn, bị ám ảnh bởi sự bất bình”.
Chiến dịch của Harris còn được hỗ trợ bởi nhiều ngôi sao nổi tiếng như Jennifer Lopez, Cardi B, Beyonce và Bruce Springsteen. Tại Milwaukee, nữ ca sĩ rap Cardi B đã cùng bà Harris kêu gọi cử tri “tạo nên lịch sử”.
Trong khi đó, ông Trump, 78 tuổi, người từng thua cuộc năm 2020 và là ứng viên tổng thống đầu tiên bị truy tố, đang theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” với những đề xuất cải tổ chính phủ theo hướng cánh hữu và các chính sách thương mại quyết liệt.
Tại Warren, Michigan, ông Trump đã chỉ trích mạnh mẽ nền kinh tế dưới thời Biden-Harris, điều mà các nhà kinh tế không đồng tình với nhận định này, và cảnh báo rằng “một cuộc suy thoái kinh tế theo kiểu năm 1929″ sẽ xảy ra nếu bà Harris được bầu.
Trong bối cảnh căng thẳng trước thềm bầu cử, nhiều doanh nghiệp tại thủ đô Washington D.C đã bắt đầu đóng cửa phòng ngừa, sau khi chính quyền thành phố cảnh báo về khả năng xảy ra tình trạng bất ổn khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua đang diễn ra hết sức gay cấn, đặc biệt tại 7 bang chiến địa có khả năng quyết định kết quả cuối cùng thông qua hệ thống đại cử tri đoàn của Mỹ. Theo cuộc thăm dò mới nhất của CNN, tại Georgia, ông Trump dẫn trước với 48% so với 47% của bà Harris.
Ngược lại tại North Carolina, Phó Tổng thống Harris đang dẫn trước 1 điểm phần trăm. Đáng chú ý, bà Harris nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri da đen (78% tại North Carolina và 84% tại Georgia) và cử tri da trắng có bằng đại học. Trong khi đó, ông Trump được ủng hộ nhiều bởi cử tri da trắng không có bằng đại học, đặc biệt tại Georgia với tỷ lệ lên tới 81%.
Cuộc bầu cử sẽ kết thúc vào ngày 5/11 tới, với điểm nhấn là các cuộc mít tinh cuối cùng của ông Trump tại Grand Rapids, Michigan và của bà Harris tại Philadelphia, Pennsylvania vào đêm 4/11.
Bầu cử tổng thống Mỹ gay cấn đến những ngày chót
Từng địa hạt, từng lá phiếu cử tri đặc biệt ở các bang chiến địa đều là mục tiêu mà ông Donald Trump và bà Kamala Harris muốn giành lấy trên con đường chinh phục Nhà Trắng.
"Sít sao", "khó đoán" là những từ mà truyền thông Mỹ dùng trong nhiều tuần qua để mô tả về cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Trump và bà Harris. Đến những ngày cuối cùng trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào ngày 5.11, giới quan sát vẫn không quá tự tin về việc có ứng viên nào thực sự chiếm ưu thế.
Tình thế khó đoán
Trọng tâm của chặng nước rút hướng về màn thể hiện của 2 ứng viên tại các bang chiến địa. Thăm dò của Đài CNN công bố ngày 30.10 chỉ ra khi khảo sát khoảng 700 - 800 người mỗi bang tại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, Phó tổng thống Harris của đảng Dân chủ dẫn trước cựu Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa ở hai bang (48% so với 43% ở Michigan và 51% so với 45% tại Wisconsin). Hai ứng viên đều có cùng tỷ lệ ủng hộ là 48% tại Pennsylvania. Ông Trump đã chiến thắng ở 3 tiểu bang trên vào năm 2016; sau đó 4 năm, cả ba đều "đổi màu" khi nghiêng về Tổng thống Joe Biden.
62 triệu lá phiếu sớm, cả hai ứng cử viên Trump-Harris ai cũng nói đang thắng thế
Kênh Fox 9 dẫn lời ông Nate Silver, nhà sáng lập chuyên trang phân tích bầu cử Mỹ FiveThirtyEight, nói rằng "trực giác" mách bảo ông Trump sẽ chiến thắng. Trang FiveThirtyEight cũng đã dựa vào các dữ liệu kinh tế, nhân khẩu học và các cuộc thăm dò để chạy mô phỏng về kỳ bầu cử tổng thống 2024. Theo đó, ông Trump có 52 lần chiến thắng trong số 100 lần mô phỏng, còn lại thuộc về bà Harris. Trong khi đó, Giáo sư Allan Lichtman tại Đại học Mỹ, người tuyên bố đã đoán đúng kết quả của 9/10 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất, giữ nguyên lập trường cho rằng bà Harris sẽ thắng. Trả lời kênh Fox 5 tuần này, ông Lichtman nhấn mạnh bản thân không thay đổi dự đoán chỉ để phù hợp với kết quả thăm dò.
Ông Trump ngồi trên xe rác trước khi tham gia vận động tại Wisconsin ngày 30.10. ẢNH: REUTERS
Một thống kê khác đến từ The Hill/Decision Desk HQ tính đến ngày 30.10 chỉ ra, ông Trump có 53% cơ hội giành chiến thắng, trong khi theo tổng hợp các thăm dò toàn quốc, bà Harris nhận được 48,3% ủng hộ, so với ông Trump là 47,7%. Các nhà phân tích cho rằng những cuộc thăm dò hiện có quy mô nhỏ và sai số lớn, do đó khó đưa ra những đánh giá rằng ứng viên nào sẽ nổi trội hơn trong kỳ bầu cử năm nay. Trước ngày bầu cử chính thức, đã có hơn 57 triệu phiếu bầu sớm, theo dữ liệu từ Đại học Florida.
Tâm điểm Wisconsin
Hai ứng viên tổng thống đều có lịch trình dừng chân tại bang chiến địa Wisconsin vào ngày 30.10. Với bà Harris, đó là sự kiện tập trung huy động sự ủng hộ từ những cử tri trẻ, trong đó có một số người lần đầu bỏ phiếu. "Mỗi ngày tôi thấy triển vọng của nước Mỹ trong tay các lãnh đạo trẻ, những người lần đầu bỏ phiếu. Tôi yêu thế hệ của các bạn. Một trong các lý do là việc các bạn đều nóng lòng muốn có những thay đổi", bà Harris phát biểu trước hơn 10.000 người tham gia sự kiện tại TP.Madison (Wisconsin). Buổi vận động của bà Harris tập trung vào 2 vấn đề được quan tâm hàng đầu tại đây - kinh tế và quyền phá thai.
Cách Madison hơn 200 km, tại TP.Green Bay (Wisconsin), sự chú ý đổ về màn xuất hiện của ông Trump với chiếc áo phản quang, trang phục của nhân viên thu gom rác. Hình ảnh ông ngồi trên xe rác trả lời báo chí được giới quan sát coi đó như cách đáp trả phát ngôn của Tổng thống Joe Biden. Ông Biden bị cho là đã tạo thêm rắc rối không đáng có cho chiến dịch của đảng Dân chủ, khi nói rằng những người ủng hộ ông Trump là "rác rưởi". Ứng viên Cộng hòa nêu rằng việc "hóa trang" chỉ là một chút sự giải trí, trước khi tập trung vào các vấn đề quan trọng. Ông dành phần lớn thời lượng bài phát biểu ở Green Bay nói về vấn đề nhập cư, nhấn mạnh sẽ chấm dứt tình trạng người di cư ồ ạt tràn vào nước Mỹ. "Sau đó, công cuộc khôi phục đất nước của chúng ta sẽ bắt đầu", ông nói.
Wisconsin là một trong những bang chiến địa mà 2 ứng viên dành nhiều thời gian và nguồn lực để cạnh tranh phiếu bầu của cử tri trên từng địa hạt. Trong đó, hạt Dane, nơi có tốc độ phát triển dân số nhanh hàng đầu Wisconsin, được đánh giá đóng vai trò quan trọng đến kết quả cuối cùng tại tiểu bang này. Cả ông Trump và bà Harris dự kiến trở lại Wisconsin vào ngày 1.11.
Nhiều cử tri gen Z giấu lựa chọn
Trang Axios ngày 30.10 dẫn khảo sát từ hơn 1.800 cử tri cho biết 23% người được hỏi nói rằng đã nói dối bạn bè và người thân về ứng viên họ dự định bỏ phiếu, trong đó 48% là những người thuộc gen Z, 38% là gen Y và 17% thuộc gen X. Khảo sát trên cũng chỉ ra 58% số người cho rằng việc bỏ phiếu chọn ai là vấn đề riêng tư.
Tương phản Trump - Harris cuối chặng đua vào Nhà Trắng Trong giai đoạn cuối của vận động tranh cử, bà Kamala Harris và ông Donald Trump nỗ lực đưa ra những thông điệp thuyết phục nhất. Chỉ còn một tuần trước ngày bầu cử chính thức, cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết, khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 29.10 đưa ra thông điệp cuối...