- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Bật mí chuyện “phục dựng” trong phim tài liệu khoa học
On 08/07/2012 @ 10:40 PM In Phim việt
Giúp khán giả dễ hiểu và dễ hình dung những nội dung mà hình ảnh thực không thể làm được phục dựng trong phim tài liệu là một thủ pháp quan trọng. Vây phục dựng trong phim tài liệu khoa học là gì và có những gì khác biệt với phim truyện?
Hình ảnh phục dựng trong PTL "Trường Lũy" (Ảnh: vtv.vn)
Phục dựng trong phim tài liệu khoa học
Mong muốn tăng thêm sức hấp dẫn cho phim và giải quyết được nhiều khúc mắc mà hình ảnh thực không làm được hoặc không thể tái hiện được, từ năm 2006, khi thực hiện bộ phim Những thương cảng cổ trong lịch sử hay Những táng thức cổ trên đất Việt hay gần đây là bộ phim Trường Lũy, các đạo diễn và BTV của phòng phim Tài liệu khoa học, ban Khoa giáo, Đài THVN đã bắt đầu thực hiện công đoạn phục dựng.
Tuy nhiên, phục dựng trong phim tài liệu rất khác trong phim truyện. "Bối cảnh phục dựng trong phim truyện đòi hỏi sự chi ly cặn kẽ đến mức tận cùng, nhưng trong phim tài liệu khoa học, một bối cảnh có thể chỉ cần tiền cảnh hoặc thậm chí là hậu cảnh chứ không phải là toàn bộ các lớp lang trong phim truyện. Do đó, cái quan trọng nhất của phục dựng trong phim tài liệu khoa học là không khí để người xem cảm nhận. Tức là khi xem, khán giả hiểu được câu chuyện đó diễn ra trong không khí như thế nào", nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Phim tài liệu khoa học, ban Khoa giáo, Đài THVN cho biết.
Kỳ công và tỉ mỉ, những bộ phim được lồng ghép công đoạn phục dựng đã lên sóng của VTV2 cho thấy, việc đưa hình ảnh phục dựng vào phim tài liệu không chỉ là sự minh họa cho nội dung khoa học của những bộ phim này mà còn tái hiện lại được không khí, cảm xúc và hình ảnh đặc trưng, tương ứng với từng đề tài của các bộ phim. Thêm vào đó, hình ảnh phục dựng còn giúp cho những bộ phim tài liệu trở nên sinh động hơn, tạo cho bộ phim một tiết tấu đa dạng và hấp dẫn.
Phục dựng trong PTL Việt - Nhật và những câu chuyện Phật giáo
Việt - Nhật và những câu chuyện Phật giáo là bộ phim 4 tập mới được nhóm làm phim của phòng Phim tài liệu khoa học thực hiện. Thông qua 120 phút phim, khán giả Việt Nam không chỉ hiểu thêm về văn hóa và lịch sử của đất nước Nhật Bản dưới góc nhìn Phật giáo mà còn thấy được mối quan hệ từ lâu đời giữa 2 quốc gia mà gần đây nhất là ở Hội An vào thế kỷ thứ 16-17. Đây cũng là thời kỳ những thương nhân Nhật Bản tiên phong sang Hội An và đóng góp vai trò khá lớn trong sự phát triển hưng thịnh của đô thị này.
Ngoài những hình ảnh được thực hiện tại Nhật Bản, nhóm làm phim cũng đã thực hiện những cảnh quay phục dựng tại Hội An để làm nổi bật lên nội dung của bộ phim.
Hình ảnh phục dựng trong PTL "Việt - Nhật và những câu chuyện Phật giáo"
Nhà báo Hoàng Lâm (áo xanh) chỉ đạo phần phục dựng tại Hội An
Nói về công đoạn phục dựng cho bộ phim này, nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: "Bộ phim Việt - Nhật và những câu chuyện Phật giáo được đạo diễn Lê Thanh Bình thực hiện ghi hình tiền kỳ tại Nhật Bản. Phần phục dựng trong bộ phim này yêu cầu có sự móc nối giữa hai không gian, hai màu sắc văn hóa, cũng như giữa hiện tại và quá khứ. Cần nhất là thấy được không gian của Hội An thế kỷ thứ 16, 17 và sự giao thoa văn hóa diễn ra trên nền không gian ấy như thế nào. Bộ phim này được phục dựng trong những không gian không lớn như những con ngõ nhỏ, những giếng cổ và những ngôi nhà cổ của Hội An nhưng có sự góp mặt của người Nhật".
Bộ phim Việt - Nhật và những câu chuyện Phật giáo phát sóng vào lúc 8 giờ các ngày 8, 9, 15 và 16/7 trong chuyên mục Những mảnh ghép của cuộc sống trên kênh VTV2. Mời quý vị và các bạn đón xem!
Theo VTV
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/bat-mi-chuyen-phuc-dung-trong-phim-tai-lieu-khoa-hoc-20120708i442989/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.