Báo Italy: Ukraine sẵn sàng ngừng bắn toàn chiến tuyến với Nga
Ukraine sẵn sàng ngừng bắn dọc chiến tuyến hiện tại với Nga mà không thừa nhận việc mất lãnh thổ, để đổi lấy một số đảm bảo an ninh từ phương Tây, báo Corriere della Sera của Italy nhận định.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa gần Kharkov (Ảnh: AFP).
Corriere della Sera ngày 10/10 bình luận, Kiev sẵn sàng ngừng bắn với Nga để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ và được cam kết gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt đầu chuyến công du châu Âu với các điểm dừng ở Paris, Rome và Berlin, ông muốn nhận được sự đảm bảo về việc Ukraine nhanh chóng được gia nhập EU.
“Hoạt động của ông Zelensky phản ánh niềm tin của ông ấy rằng bây giờ là lúc tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột mà không khiến Ukraine phải khuất phục”, Corriere della Sera viết.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho hay, chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky dường như đã bắt đầu linh hoạt hơn về các điều khoản nhằm chấm dứt xung đột với Nga khi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ 4 và Kiev phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi.
Theo Corriere della Sera, tháng 9 là tháng Ukraine mất nhiều lãnh thổ nhất kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022.
Video đang HOT
Một lượng lớn binh sĩ và nguồn lực thiết bị quân sự của Ukraine đang “mắc kẹt” trong chiến dịch tấn công vùng lãnh thổ Kursk ở Nga và không thể hỗ trợ cho mặt trận Donbass ở miền Đông, nơi phòng tuyến của Kiev bị kéo căng.
“Ở cấp độ chính trị, ông Zelensky hiện muốn thuyết phục châu Âu. Ông ấy biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể chính thức tuyên bố từ bỏ các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát. Tuy nhiên, ông ấy sẵn sàng ngừng bắn dọc theo đường ranh giới hiện tại mà không công nhận đường biên giới mới, để đổi lấy một số cam kết của phương Tây”, báo Corriere della Sera viết.
Tờ báo viết thêm, Ukraine đang tìm kiếm đảm bảo an ninh từ Mỹ, tương tự cam kết mà Washington dành cho các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.
Ukraine chưa phản hồi những bình luận trên.
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nam Âu tại Dubrovnik, Croatia, ngày 9/10, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề cập đến “kế hoạch chiến thắng” và cho biết Kiev sẽ có “hành động quyết đoán” để chấm dứt xung đột.
“Vào tháng 10, tháng 11 và tháng 12, chúng ta có cơ hội thực sự để đưa tình hình tiến tới hòa bình và ổn định lâu dài. Tình hình trên chiến trường tạo ra cơ hội để đưa ra lựa chọn này, lựa chọn ủng hộ hành động quyết đoán nhằm chấm dứt cuộc chiến chậm nhất là vào năm 2025″, ông nói.
Ông nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi trông cậy vào sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vào những bước đi mạnh mẽ và sáng suốt của Anh, Pháp, Đức và Italy, những nước sẽ mang lại an ninh và hòa bình cho châu Âu. Và chúng tôi trông cậy vào tất cả các bạn”.
Hôm qua, Ukraine đã hủy kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần 2 dự kiến vào tháng 11. Mặc dù vậy, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar cho biết, Ukraine vẫn muốn đàm phán với Nga, nhưng không phải đàm phán trực tiếp.
Nga nhiều lần tuyên bố vẫn để ngỏ đàm phán để chấm dứt xung đột, song phải dựa vào tình hình thực tế trên thực địa. Moscow cũng khẳng định không chấp nhận một cuộc xung đột đóng băng.
Tân Tổng thư ký NATO dự đoán thời điểm khắc nghiệt nhất của Ukraine
Cùng với việc dự đoán thời điểm khắc nghiệt nhất của Ukraine trong cuộc chiến với Liên bang Nga, ông Rutte cho rằng NATO phải và sẽ làm nhiều hơn để giúp Kiev.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ) ngày 8/10, tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Mark Rutte cho rằng Ukraine có thể đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất kể từ khi cuộc chiến với Liên bang Nga bắt đầu.
Ông Rutte nói: "NATO phải và sẽ làm nhiều hơn để giúp Ukraine. Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine".
Tân Tổng thư ký NATO dự đoán "Ukraine có thể đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất" kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Phát biểu tại họp báo, ông Rutte còn cho biết Phần Lan đã tiếp tục hỗ trợ Ukraine thông qua khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 2 tỷ euro (khoảng 2,2 tỷ USD).
Theo ông Rutte, những gì Phần Lan đang làm giúp cứu sống nhiều người và càng có nhiều hỗ trợ quân sự, chiến tranh ở Ukraine sẽ càng kết thúc nhanh hơn.
Cùng ngày, Hungary, một quốc gia thành viên NATO lại cho rằng Ukraine không thể thắng Liên bang Nga trên chiến trường.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Strasbourg (Pháp) hôm 8/10, Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban nhận định rằng Ukraine không thể chiến thắng trong cuộc xung đột với Liên bang Nga trên chiến trường và cần phải có các cuộc đàm phán và lệnh ngừng bắn để tránh tổn thất về con người.
Theo ông Orban, cần phải có các cuộc đàm phán trực tiếp và gián tiếp giữa các bên tham chiến và việc một bên thứ 3 làm trung gian giữa họ là một phần của hoạt động chính trị quốc tế.
Ông Orban cho rằng nếu đắc cử, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ không chờ đến khi nhậm chức mà sẽ bắt đầu làm việc vì hòa bình ở Ukraine ngay sau cuộc bầu cử ngày 5/11
Cho nên, theo ông Orban, các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải phản ứng trước điều này và cần thiết lập các kênh liên lạc trực tiếp cũng như gián tiếp giữa các bên tham chiến.
Trước đó, Hungary trì hoãn khoản phê duyệt khoản vay khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dành cho Ukraine, vốn được G7 nhất trí từ tháng 6.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga, nước này muốn chờ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Hãng tin Reuters cho rằng việc Hungary gây cản trở đã khiến tiến độ triển khai khoản vay bị chậm lại đáng kể và các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp vào cuối tháng 10 này.
Tổng thống Ukraine loại trừ khả năng 'thương lượng' với Nga Trước đó, tờ Financial Times đưa tin phương Tây có thể ngầm đồng ý để Moskva kiểm soát một số vùng lãnh thổ trước đây của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 24/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN Phản ứng trước các thông tin các nước phương Tây đang cân nhắc ủng hộ một giải pháp trong...