- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Bao giờ làng game Việt trỗi mình ?
On 08/02/2014 @ 1:49 PM In eSport
Với thực trạng thị trường bị lấn át bởi sản phẩm Trung Quốc, hoạt động cộng đồng người chơi thì chưa tốt và các nhà phát hành chưa giải quyết được chính những câu hỏi nội tại để phát triển,làng game Việt quả thật cần vận động rất nhiều để hy vọng có 1 sự thay đổi.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, tổng thư ký hiệp hội Truyền thông số Việt Nam bày tỏ, để tháo gỡ được các ách tắc, các nhà phát hành game quốc nội cùng cộng đồng phải có sự liên kết, đồng hành với nhau ở nhiều mặt. Cơ bản qua phân tích, làng game Việt từ năm 2014 này cần thực hiện 5 thay đổi quan trọng.
Thay đổi nhận thức cộng đồng
Đây là điều cần làm đầu tiên, để định hướng dư luận cộng đồng vào những tiêu chí tích cực, gợi mở những giải pháp tốt về sau.
Yêu cầu này nên khởi xuất từ các doanh nghiệp làm game, thông qua các công cụ diễn đàn, trang mạng xã hội được họ tổ chức, qua đó có thể đối thoại với cộng đồng game thủ. Một kênh hỗ trợ khác cũng nên được tính đến, là các nhà phát hành tổ chức những hoạt động thời sự, giải đấu cộng đồng, offline game thủ... tập hợp sự chú ý trong dư luận.
Việc truyền thông cộng đồng cần đặt ra nghiêm túc với làng game Việt.
Theo ông Thanh, điều này nên được tổ chức với 1 hoạch định truyền thông chi tiết có sự tham gia của mọi đơn vị làm game. Vai trò của 4 hiệp hội hữu quan về nội dung công nghệ số và phần mềm giải trí điện tử ở đây sẽ rất quan trọng. Trong đó, hiệp hội Truyền thông số Việt Nam sẽ có những bước triển khai đầu tiên kể từ sau Tết Giáp Ngọ.
Nối kết hợp tác đa chiều
Rõ ràng với tầm ảnh hưởng hiện nay của các game Trung Quốc, vấn đề tìm kiếm ra các hướng đi mới cho ngành game Việt nâng cao khả năng tự lực là rất quan trọng. Đây là lý do để 1 số nhà phát hành trong nước đang tìm cách nối kết, mời gọi các nhà sản xuất game từ Châu Âu, Nhật Bản và Hàn quốc tham gia vào thị trường Việt Nam. Tuần lễ game Hàn quốc do VTC Online thực hiện cuối năm 2013 vừa qua là 1 điển hình khá cụ thể. Trước đó, là động thái tìm đường xuất khẩu game sang Nhật Bản của VNG, trong quan hệ với nhà sản xuất DeNA.
Làng game Việt cần nối kết mạnh mẽ ra bên ngoài.
Điểm hạn chế ở đây, lại chính là sự xa lạ của cộng đồng game thủ Việt với các dòng sản phẩm game Châu Âu hay Bắc Mỹ. Thực tế đã có 1 giai đoạn các nhà làm game cố gắng đưa các sản phẩm khác Trung Quốc vào thị trường Việt, nhưng lại gặp trở ngại từ thói quen chơi game của cộng đồng, nên đành thất bại.
Mới đây nhất, 1 tựa game thuần Nhật Bản là Hime Garden cũng đã thử đi vào làng game Việt, song do tính chất truyền thông chưa đánh đúng tâm lý người chơi, định hướng lệch thị trường nên không thu được kết quả như ý.
Theo 1 số nhà làm game, cần có thời gian nhất định để mối quan hệ tương tác giữa người chơi game Việt và các sản phẩm game không phải của Trung Quốc được cải thiện dần, từng bước xâm nhập thành công.
Hạn chế ảnh hưởng game Trung
Đi kèm yêu cầu nối kết đa dạng hóa với các dòng công nghệ game mới, dĩ nhiên làng game Việt phải đặt ra cụ thể vấn đề hạn chế lệ thuộc game Trung Quốc. Việc này trước tiên phải đi từ góc cạnh thương mại hóa các sản phẩm game, bởi như đa số nhà phát hành nhìn nhận, nói thì dễ chứ cơ hội "kiếm tiền" với game Trung Quốc vẫn rất tốt ở 1 thị trường như Việt Nam.
Các chủ đề game Trung Quốc luôn gần gũi game thủ Việt.
Hơn nữa, không chỉ dễ tiếp cận, gần gũi tâm lý game thủ, các chủ đề cốt game quen thuộc, các nhà làm game Trung Quốc còn có nhiều cách biến thể linh hoạt, xử lý tốt mọi đòi hỏi của người dùng, sẵn sàng cùng các nhà phát hành phát triển game. Cho nên, nhiều nhà phát hành sẽ rất khó từ chối mối quan hệ "mua game Trung Quốc về kinh doanh", và tập quán chơi game Trung Quốc sẽ còn tồn tại 1 thời gian dài nữa với game thủ Việt Nam.
Tăng cường chất sáng tạo Việt
Tất nhiên đi cùng yêu cầu tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm làm game đa chiều, đa quốc gia, hạn chế ảnh hưởng game Trung Quốc, đòi hỏi nâng cao năng lực làm game của các studio Việt cũng phải đặt ra.
Năm 2013 vừa qua, làng game Việt phải ghi nhận 1 số sự vụ thoái trào từ các đơn vị làm game, trong đó sự kiện Emobi Games công bố khép lại dự án Sát Thát Truyền kỳ là tiêu biểu nhất. Một số studio chuyên môn khác, thuộc các nhà phát hành VTC, VNG cũng khá im lặng "tự xóa" những dự án phát triển game không còn phù hợp với các tiêu chí phát triển thị trường và công nghệ số mới.
Các studio có ý tưởng làm game Việt đều đang khó khăn.
Thách thức của các đơn vị làm game vì thế sẽ càng nặng nề hơn với 2014. Nhất là các đơn vị đang có chiều hướng đầu tư mạnh vào gMO, nhóm sản phẩm tiềm lực và đón đầu cơ hội di động hóa mạnh hơn của làng game thế giới và khu vực. Các vấn đề nổi cộm ở đây, là các đơn vị sẽ sử dụng những công nghệ làm game mới thế nào, đưa các hình ảnh Việt và ý tưởng Việt vào sản phẩm ra sao...
Đẩy mạnh quản lý chuyên môn
Yêu cầu này được cộng đồng quan tâm từ lâu và xác định là điều kiện tiên quyết để chấn chỉnh làng game Việt. Thực trạng nhiễu loạn về các dòng game trên thị trường hiện nay cho thấy, làng game Việt phải được quản lý nghiêm túc mới mong đổi mới tình hình.
Theo các doanh nghiệp, năm Giáp Ngọ này sẽ là năm tích cực để nhà quản lý hiện thực hóa công tác quản lý chuyên môn 1 cách chặt chẽ. Hiện tại, bộ TT&TT đang rà soát để sớm ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan sau Nghị định 72. Như thế, làng game Việt kỳ vọng sẽ có những thay đổi tích cực hơn cùng mùa xuân này.
Theo VNE
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/bao-gio-lang-game-viet-troi-minh-20140208i1196111/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.