Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận Chương trình hành động, chương trình công tác, kiểm tra, giám sát toàn khóa
Chiều 26/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 11 nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng , Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số ban, sở, ngành, địa phương. Ảnh: Thành Duy
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe các ý kiến góp ý đối với dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; dự thảo Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa XIX của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Dự thảo Chương trình hành động nêu rõ: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo triển khai toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo định hướng Nghị quyết Đại hội và Báo cáo chính trị.
Đại tá Nguyễn Ngọc Hà – Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh phát biểu góp ý vào dự thảo Chương trình hành động. Ảnh: Thành Duy
Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện 5 nhóm chương trình, đề án trọng điểm gồm: Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 -2023, tầm nhìn đến 2050. Về phát triển kinh tế có 10 chương trình, đề án. Về phát triển văn hóa – xã hội có 3 chương trình, đề án. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có 2 nghị quyết, đề án. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 5 chương trình, nghị quyết, đề án.
Dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm có 22 hội nghị thường kỳ, trong đó, 4 kỳ hội nghị mỗi năm (tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12), tổng số 74 nội dung.
Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ nghe và cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội , ngân sách, công tác cải cách hành chính mỗi năm 2 lần vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm, trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng dự kiến bàn và quyết định ban hành 5 nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình – Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu góp ý vào dự thảo Chương trình hành động. Ảnh: Thành Duy
Ngoài ra, trong chương trình toàn khóa đã bố trí nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 -NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị vào năm 2023; kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015,…
Tại cuộc làm việc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành đã thảo luận các nội dung trong các dự thảo, nhất là về danh mục các chương trình, đề án, nghị quyết.
ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu góp ý, kết luận nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng , Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trong xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần lưu ý các đề án để thực hiện đối với 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã được xác định trong Nghị quyết, vì đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng, tạo cục diện phát triển kinh tế của tỉnh.
Ban soạn thảo cũng cần có nội dung đề án thực hiện Chương trình hành động của lực lượng công an về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề án cho lực lượng quân đội, nhất là về khu vực phòng thủ.
Bên cạnh đó, theo Quy định 98 ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, tỉnh sẽ ban hành quy định cụ thể hóa Quy định của Trung ương vào thực tiễn của tỉnh Nghệ An.
Đối với Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2021 -2025, có tính đến năm 2030 như trong dự thảo, cần nghiên cứu để thay thế bằng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến lược, trong đó đặc biệt lưu ý cán bộ nữ, trẻ và dân tộc thiểu số.
Bí thư Tỉnh ủy cũng thống nhất với đề xuất của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX sẽ ban hành một nghị quyết về giáo dục, trong đó, có thể xem xét nội dung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà…
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung về dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý một số nội dung khác như: Lồng ghép nội dung tiếp tục thực hiện phát triển miền Tây Nghệ An, những việc thường niên của các ngành không đưa vào Chương trình hành động, đồng thời yêu cầu Văn phòng Tỉnh ủy tiếp tục khâu nối, phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban Đảng của Tỉnh ủy, Mặt trận các đoàn thể để rà lại toàn thể các nội dung trên đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ câu từ, dữ liệu, ý tứ trước khi trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến vào cuộc họp sắp tới.
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thông qua Chương trình dự thảo công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa XIX của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; việc giao biên chế công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Nghệ An năm 2021; số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức hội năm 2021;…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua đề án sắp xếp các cơ quan báo chí Nghệ An đến năm 2025
Chiều 31/8, tại phiên làm việc thường kỳ tháng 8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nghe và cho ý kiến về Đề án thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Nhật Lệ
Nghệ An có 7 cơ quan báo chí được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động báo chí. Trong đó có 3 cơ quan báo chí thuộc diện giữ nguyên không phải sắp xếp là Báo Nghệ An (cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Nghệ An); Đài PTTH Nghệ An (Cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Nghệ An) và Tạp chí Sông Lam (Cơ quan chủ quản là Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An).
Đối với 3 cơ quan trên tiến hành xây dựng Đề án hoạt động theo quy định của Luật Báo chí năm 2016 và Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gắn với việc tiếp nhận nhân sự từ các cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp khi có quyết định sáp nhập của cơ quan có thẩm quyền. Xây dựng lộ trình tự chủ về tài chính theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Nhật Lệ
Nghệ An có 4 cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp. Trong đó Báo Công an Nghệ An (Cơ quan chủ quản là Công an Nghệ An) thực hiện theo điểm c, khoản III, điều 1 tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cụ thể, "Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của Công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020".
Ba cơ quan báo chí còn lại thuộc diện sắp xếp là: Báo Lao động Nghệ An (Cơ quan chủ quản là Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An); Tạp chí Văn hóa Nghệ An (Cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa - Thể thao); Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nghệ An (Cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ).
Trong đó, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nghệ An và Báo Lao động Nghệ An tiến hành giải thể. Tạp chí Văn hóa Nghệ An giải thể và sáp nhập nguyên trạng vào Tạp chí Sông Lam để tiếp tục hoạt động báo chí.
Đề án cũng đã xây dựng phương án nhân sự, hoạt động sau sắp xếp; xử lý tài chính, tài sản của các cơ quan trên. Theo lộ trình, đối với Báo Công an Nghệ An, Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an để thực hiện sắp xếp trong năm 2020. Đối với các cơ quan báo chí còn lại thực hiện sắp xếp xong trước ngày 30/9/2020.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận nội dung về Đề án thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí tỉnh đến năm 2025. Ảnh: Nhật Lệ
Tại cuộc làm việc, sau khi thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua Đề án thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành triển khai Đề án đảm bảo hoàn thành trong tháng 9/2020.
Bí thư Tỉnh ủy giao các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông của tỉnh cần thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng để các cơ quan sau sắp xếp sớm ổn định, phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền của ngành, của tỉnh.
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy trình bày công tác xây dựng Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Nhật Lệ
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến vào Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; Tổng kết việc thực hiện Quy định số 30 - QĐ/TW và xây dựng Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XIII.
Quảng Ngãi: Công bố và trao các Quyết định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về công tác cán bộ Ngoài việc công bố quyết định chuẩn y bà Bùi Thị Quỳnh Vân giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị công bố quyết định việc điều động, luân chuyển ông Đặng Ngọc Huy, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Sáng 30-8, tại Tỉnh...