Bạn đọc viết: Đừng ép con học đại học
Một kỳ thi THPT quốc gia nữa lại sắp đến. Tốt nghiệp lớp 12, học sinh nên học đại học hay học nghề, đi làm? Câu trả lời sẽ chẳng dễ dàng gì có được nếu phụ huynh không căn cứ vào năng lực và đam mê của con em mình.
Ảnh minh họa
Đối với phụ huynh của các thí sinh, có lẽ kỳ thi này còn quan trọng hơn vì nó gắn với sự kỳ vọng và cả những định hướng, tính toán về con đường tương lai của con em mình. Phụ huynh nào cũng lo lắng, muốn hoạch định cho con mình một con đường học hành để sau này có công việc tốt. Và trong bối cảnh điểm trúng tuyển của các trường đại học chủ yếu bằng điểm sàn (trừ các trường top đầu), thậm chí là chỉ cần xét học bạ để nhập học nên đa số các phụ huynh đều muốn con mình tốt nghiệp phổ thông xong sẽ học đại học .
Sự tính toán đó của các phụ huynh là có cơ sở khi mà hiện tại nhiều cơ quan vẫn tuyển dụng nhân sự dựa trên bằng cấp của ứng viên. Tuy nhiên, năng lực và mong muốn của các em học sinh là không giống nhau nên nếu phụ huynh không quan tâm đến những yếu tố này sẽ gián tiếp đẩy các em trở thành “xác sống” ở giảng đường hay thậm chí là bỏ học, bị buộc thôi học hoặc học một đường tốt nghiệp lại làm một nẻo.
Từ thực tế hơn 10 năm giảng dạy ở trường đại học, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều sinh viên và đã gặp nhiều trường hợp rất đáng tiếc chỉ vì các em không có đủ sự kiên định để thuyết phục gia đình mà phải làm theo ý muốn của bố mẹ. Một số sinh viên có năng lực học tập hạn chế nhưng phải học đại học vì nguyện vọng của bố mẹ nên càng học càng đuối, nợ môn nhiều, nợ chứng chỉ ngoại ngữ và thường xuyên rơi vào tình trạng bị cảnh báo kết quả học tập, cuối cùng là không thể tốt nghiệp dù thời gian học đã kéo dài hơn rất nhiều so với những sinh viên bình thường.
Có sinh viên đến lớp thường xuyên nhưng ngồi trong lớp mà tâm hồn cứ “đi du lịch ” nơi khác, bài thi hết môn lại viết những lời lẽ chán nản, oán giận cuộc đời. Có sinh viên đến năm cuối cùng thì đột ngột bỏ học dù cho giáo viên và gia đình đã động viên, phân tích mọi lẽ thiệt hơn chỉ vì bạn không thể tiếp tục theo học chuyên ngành mà mình không hề yêu thích. Điều này đã được các trường đại học cảnh báo nhiều lần. Tại hội thảo Mô hình giáo dục 4.0 áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cuối năm 2018, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng hàng năm trong hệ thống ĐH này có hàng ngàn sinh viên bỏ học vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có lý do chọn nhầm ngành nghề. Đây cũng là thực trạng chung của không ít trường đại học trong cả nước.
Việc hàng trăm, hàng ngàn sinh viên bị cảnh báo học vụ, đuổi học, bỏ học mỗi năm đã không còn là chuyện hiếm nữa mà đã trở thành một vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có hướng giải quyết vì rõ ràng đây chính là một sự lãng phí lớn cả về tiền bạc và thời gian không chỉ của bản thân các sinh viên mà của cả xã hội . Thay vì theo học một vài kỳ rồi sau đó bị đuổi học hoặc tự ý bỏ học, sẽ là tốt hơn nếu ngay từ đầu các sinh viên tìm một công việc nào đó để làm, vừa có thu nhập vừa tìm ra được đam mê và thế mạnh của bản thân, tránh được việc học đại để rồi bỏ học giữa chừng khi hoặc không có sự yêu thích với ngành học, hoặc không đủ năng lực học tập.
Ngược lại, có không ít sinh viên học khá tốt nhưng sau khi tốt nghiệp lại nhất quyết không làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo dù có cơ hội. Tôi biết có sinh viên tốt nghiệp Cử nhân sinh học nhưng từ chối làm việc ở trang trại giống hoa để đi làm nhân viên của trung tâm spa vì đây mới chính là đam mê của bạn.
Phụ huynh nào cũng thương con và muốn hướng con đi con đường mà từ kinh nghiệm của cuộc đời mình, phụ huynh cho là đúng nhất. 18 tuổi, các em học sinh vẫn chưa thể nào có đủ sự chín chắn và khôn ngoan để có thể chọn một hướng đi đúng nhất. Dù vậy, phụ huynh hãy để các em được lựa chọn ngành học, bậc học, hay công việc mà các em có đủ khả năng và sự yêu thích. Nếu để các em phải miễn cưỡng học đại học thì sẽ có nguy cơ lãng phí tiền bạc và cả thời gian của chính các em.
Như Bình
Theo Dân trí
Xét tuyển ngành y khoa bằng học bạ?!
Dù dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy với sàn tối thiểu và những quy định liên quan đến phương thức xét học bạ cho các ngành sức khỏe chưa được thông qua, nhưng nhiều trường đã công bố phương án xét tuyển trên website.
Thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển năm 2018 vào một trường đào tạo khối ngành sức khỏe tại TP.HCM - ĐÀO NGỌC THẠCH
Không cần học lực giỏi ?
Cá biệt có trường thông báo xét tuyển học bạ ngành y khoa không cần học lực giỏi lớp 12 như điểm mới của dự thảo.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy được Bộ GD-ĐT công bố, năm nay nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được xác định điểm sàn riêng. Trong đó, với phương thức xét tuyển theo học bạ, Bộ yêu cầu các trường xét tuyển nhóm ngành đặc thù này với điều kiện học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Dự kiến trong tháng 3 dự thảo này mới chính thức thông qua. Nhưng hiện trên website một số trường đã đăng tải phương án tuyển sinh các ngành sức khỏe theo cách riêng của trường mình, thậm chí không bám vào quy định trên của dự thảo.
Theo thông báo của Trường ĐH Tân Tạo trên website, hình thức tuyển sinh của tất cả các ngành dựa vào kết quả 3 năm học bạ THPT và phỏng vấn, không xét bằng kết quả thi THPT quốc gia. Trong số 10 ngành với 400 - 500 chỉ tiêu của trường năm nay, ngành y khoa xét tới 200 - 300 chỉ tiêu. Trong đó, điều kiện xét với học sinh VN là tốt nghiệp THPT với điểm học bạ 3 năm THPT đạt từ 7,0 trở lên với ngành (các ngành khác từ 6,0 trở lên).
Cũng theo thông báo này, Trường ĐH Tân Tạo cho biết nhận hồ sơ từ tháng 6, sẽ tổ chức phỏng vấn sau khi nhận đơn dự tuyển 1 - 2 tuần và ưu tiên cho thí sinh nộp đơn sớm sẽ được phỏng vấn, xét kết quả và thông báo trúng tuyển trước.
Thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Tân Tạo, xác nhận thông tin phương thức tuyển sinh dự kiến 2019 trường đã đăng tải trên website chỉ sử dụng phương thức xét tuyển học bạ kết hợp phỏng vấn, không xét kết quả thi với tất cả các ngành, trong đó có ngành y khoa.
Tuy nhiên, thạc sĩ Toàn nói thêm, hiện Bộ chưa có văn bản chính thức về những thay đổi trong xét tuyển ngành sức khỏe nên ngay khi có, trường sẽ điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh chính thức. Cụ thể là bổ sung điều kiện học lực giỏi lớp 12 với phương thức xét học bạ vào ngành y khoa và thêm hình thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia với thí sinh đạt ngưỡng điểm sàn theo quy định của Bộ.
Không phân biệt ngành cấp chứng chỉ hành nghề
Không chỉ ngành y khoa, nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề còn có thêm nhiều ngành khác. Phát biểu tại buổi tọa đàm "Đổi mới tuyển sinh ĐH" do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, một số ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề được luật ghi rõ như: bác sĩ đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, dược sĩ... Tuy nhiên trong phương án tuyển sinh được công bố của các trường hiện chỉ có sự phân biệt với ngành y khoa, các ngành còn lại được dùng chung một ngưỡng nhận hồ sơ.
Thông báo xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2019 được Trường ĐH Nam Cần Thơ công bố trên website đã ghi rõ phương thức tuyển sinh với các ngành sức khỏe. Theo đó, riêng ngành y khoa chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Các ngành còn lại có thêm phương thức xét tuyển học bạ, trong đó có ngành dược học bắt đầu nhận hồ sơ đợt 1 từ ngày 1.3.
Đáng chú ý ở phương thức học bạ này, ngành dược học vẫn có chung sàn nhận hồ sơ xét tuyển như các ngành khác gồm: điểm tổ hợp 3 môn cả năm lớp 12 từ 18 trở lên hoặc điểm trung bình cả năm lớp 12 từ 6,0 trở lên trong khi hiện nay Bộ chưa công bố mức điểm sàn.
Bà Trương Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết thông tin tuyển sinh trường đăng tải trên website với ngành dược là do cập nhật sót thông tin, thực ra trường đang đợi thông tin chính thức của Bộ. Nếu Bộ thông qua phương án điểm sàn cho các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ ngành nghề, ngành dược cũng sẽ có quy định riêng về điểm sàn (phương án kết quả thi) và học lực giỏi lớp 12 (phương thức học bạ).
Cũng theo bà Thảo, trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 với thí sinh tốt nghiệp THPT các năm trước từ ngày 1.3, riêng ngành dược sẽ đợi thông tin chính thức của Bộ.
Tình hình này cũng diễn ra ở nhiều trường. Trường ĐH Đông Á đăng thông báo tuyển sinh ngành dược trình độ ĐH chính quy năm 2019, thí sinh có thể nộp hồ sơ bằng một trong 2 phương thức xét kết quả thi hoặc học bạ. Trong đó, với phương thức học bạ, trường chỉ yêu cầu thí sinh có điểm trung bình chung cả năm lớp 12 đạt từ 6,0 trở lên.
Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cũng công bố thông tin xét tuyển ĐH chính quy năm nay với 8 ngành, có ngành dược học. Trong đó ở phương thức xét học bạ, điểm trúng tuyển sẽ từ 18 trở lên. Tổng điểm này gồm điểm trung bình lớp 10, 11 và lớp 12 của tổ hợp 3 môn xét tuyển.
Theo thanhnien
Tăng chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ, lo ngại 'chạy đua' bảng điểm đẹp ? Nếu như những năm trước đây, xét tuyển đại học bằng học bạ được phụ huynh và thí sinh ngầm hiểu là phương thức của các trường tốp dưới nhằm mục đích tuyển cho đủ chỉ tiêu mà bỏ qua yêu cầu về chất lượng đầu vào, thì những năm gần đây một số trường tốp trên cũng đã bắt đầu sử dụng...