Bài học với Nga từ thảm họa tàu ngầm Kursk 20 năm trước
Việc quân đội Nga chần chừ ứng phó và khước từ sự hỗ trợ của nước ngoài khiến sự cố tàu ngầm Kursk chìm ngày 12/8/2000 thêm nghiêm trọng.
Cách đây 20 năm, lúc 11h28 sáng 12/8/2008, nhân viên vận hành thủy âm trên tuần dương hạm hạng nặng Pyotr Đại đế (Pyotr Velikiy) phát hiện một chấn động trong lòng biển khi đang tham gia cuộc tập trận “Mùa hè-X” của Hạm đội phương Bắc thuộc hải quân Nga tại Biển Barents. Đó là tiếng nổ bắt đầu cho thảm kịch tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình Kursk.
Sự cố xảy ra chỉ hơn ba tháng sau khi Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống Nga. “Mùa hè-X” là cuộc tập trận lớn nhất của hải quân Nga trong hơn 10 năm, có sự góp mặt của hơn 30 tàu chiến, bao gồm soái hạm Peter Đại đế, 4 tàu ngầm tấn công và nhiều biên đội tàu mặt nước.
Dựa trên tín hiệu thủy âm được ghi nhận này, các chỉ huy Hạm đội phương Bắc lẽ ra có thể xác định được rằng vụ nổ xảy ra tại vị trí của tàu ngầm hạt nhân K-141 Kursk và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, họ chỉ thừa nhận tàu ngầm này gặp nạn hai ngày sau đó.
Tàu ngầm Kursk chuẩn bị ra khu vực biển Barents gần Severomorsk thị trấn Severomorsk, Nga, năm 1999. Ảnh: AP.
Khi tàu ngầm Kursk gặp nạn, Putin đang đi nghỉ ở Sochi và “không được thông báo về cuộc tập trận ở Biển Barents”, dù đây là hoạt động quân sự có quy mô lớn nhất về số chiến hạm và thủy thủ tham gia trong lịch sử hải quân Nga sau năm 1991.
Giới chức Nga cho biết tàu ngầm Kursk gặp nạn khi chuẩn bị phóng một ngư lôi huấn luyện Type-65 nhằm vào tàu Peter Đại đế. Ngư lôi này không mang đầu đạn, nhưng một mối hàn lỗi trên vỏ ngư lôi khiến HTP, dạng cô đọng của hydrogen peroxide, vốn được dùng làm nhiên liệu cho Type-65, rò rỉ ra ngoài.
Khi tiếp xúc với nước biển và một chất xúc tác, HTP nhanh chóng giãn nở với thể tích gấp 5.000 lần ban đầu, làm thủng bồn nhiên liệu kerosene trên ngư lôi và gây vụ nổ đầu tiên tương đương với 100-250 kg thuốc nổ TNT lúc 11h28 ngày 12/8. Vách ngăn giữa khoang ngư lôi và trung tâm chỉ huy không chặn được sóng xung kích của vụ nổ, do hai khoang được nối bằng ống thông khí mở. Điều đó khiến 36 người trong khoang chỉ huy thiệt mạng ngay lập tức.
Video đang HOT
140 giây sau, ngọn lửa từ vụ nổ đầu tiên kích hoạt 5 đầu đạn ngư lôi trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, gây ra vụ nổ thứ hai tương đương 3-7 tấn TNT, tạo ra lỗ thủng lớn trên vỏ tàu, phá nát ba khoang đầu tiên, khiến Kursk chìm xuống biển.
Tàu ngầm Kursk được phát hiện ở độ sâu 108 m ngày 13/8/2000. Tàu cứu hộ Mikhail Rudnitsky tới hiện trường sau khi tai nạn xảy ra một ngày, sau đó tuần dương hạm Pyotr Đại đế cùng một tàu ngầm và khoảng 20 tàu hải quân Nga khác tới nơi. Lực lượng cứu hộ dự định đưa các thủy thủ còn sống sót ra khỏi tàu ngầm Kursk bằng khoang cứu hộ, song biển động mạnh khiến kế hoạch sụp đổ.
Các chuyên gia tại Cục Thiết kế Trung ương Rubin của Nga cho biết tàu ngầm Kursk thuộc lớp Đề án 949A Antey có đủ dưỡng khí cho toàn bộ thủy thủ đoàn trong 5-6 ngày. Mặc dù lực lượng cứu hộ của Anh và Na Uy nhiều lần đề nghị hỗ trợ, giới chức Nga từ chối. Mãi tới ngày 20/8/2000, hơn một tuần sau tai nạn, Nga mới cho phép các tàu Na Uy tiếp cận hiện trường.
Khi đó truyền thông vẫn hy trọng rằng một số thủy thủ còn sống sót trên tàu ngầm Kursk. Tuy nhiên, khi các thợ lặn Na Uy mở cửa thoát hiểm của con tàu, họ xác nhận rằng toàn bộ 118 thủy thủ trên tàu Kurk đã thiệt mạng.
Vị trí tàu ngầm Kursk chìm (đánh dấu màu đen). Đồ họa: Wikimedia.
Thi thể những thủy thủ thiệt mạng được đưa ra khỏi con tàu vào tháng 10/2000. Kết quả điều tra cho thấy các thủy thủ ở khoang 6-8 sống sót sau các vụ nổ và chờ được giải cứu, không ai trong số này tự sát. Xác tàu Kursk được trục vớt vào tháng 10/2001 và được đưa về nhà máy đóng tàu tại thành phố Roslyakovo, tỉnh Murmansk.
Các điều tra viên cho biết con tàu bị cháy bên trong với nhiệt độ tại tâm đám cháy lên đến 8.000C, sóng xung kích từ vụ nổ xé nát vách ngăn giữa nhiều khoang. Tuy nhiên, khoang chứa lò phản ứng hạt nhân cùng 22 tên lửa hành trình trên tàu “thoát nạn thần kỳ”.
Văn phòng Tổng công tố Nga trong thông cáo ngày 26/7/2002 thông báo dừng cuộc điều tra về thảm họa tàu ngầm Kursk vì “thiếu chứng cứ về hành phạm tội”.
Boris Kuznetsov, cựu điều tra viên của Cơ quan Điều tra Hình sự Leningrad và Magadan, người từng tham gia điều tra về thảm họa Kursk năm 2002, cho rằng giới chức Nga khi đó hủy cuộc điều tra do sợ bị lộ tình trạng “hoàn toàn không thể cứu nạn trong tình huống nguy cấp” của tàu ngầm.
“Thảm kịch Kursk để lại bài học quan trọng nhất là giới chức không nên nói dối. Nếu làm vậy, sai lầm của họ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”, Kuznetsov nói và nhận định một số quan chức hải quân Nga khi đó ưu tiên lợi ích của đất nước hơn tính mạng con người.
Chính Tổng thống Putin cũng không được báo cáo một cách đầy đủ về thảm kịch. “Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Igor Sergeyev gọi điện cho tôi, nói rằng hải quân Nga mất một tàu ngầm nhưng đã tìm thấy nó, khẳng định công việc cứu nạn đang được tiến hành. Ban đầu chúng tôi không biết đã có thảm kịch xảy ra, mọi việc chỉ trở nên rõ ràng về sau”, Putin tiết lộ trong cuộc phỏng vấn năm 2018.
“Có lẽ Putin, với tư cách là tổng tư lệnh, không được Bộ Quốc phòng và hải quân Nga thông báo về tai nạn và cho phép cuộc tập trận trên Biển Barents tiếp tục”, Kuznetsov nói.
Xác tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt và đưa về thành phố Roslyakovo. Ảnh: Mirtesen.
Sau khi biết rõ về thảm kịch, Putin đã cách chức nhiều lãnh đạo Hạm đội phương Bắc, trong đó gồm chỉ huy hạm đội, đô đốc Vyacheslav Popov. Thảm họa tàu ngầm hạt nhân Kursk cũng thúc đẩy hải quân Nga cải tổ quy trình và nâng cấp hệ thống đảm bảo an toàn trên các tàu ngầm của mình.
Tàu chiến Mỹ lần đầu đến Biển Barents sau 30 năm
Ba tàu khu trục Mỹ tiến vào Biển Barents ở phía bắc Nga hôm 4/5, đánh dấu lần đầu hải quân Mỹ hiện diện tại đây từ thập niên 1980.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt cùng tàu hộ vệ tên lửa Anh HMS Kent hôm qua tiến vào Biển Barents nhằm "thực thi quyền tự do hàng hải và thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đồng minh", Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu (USNFE) ra thông cáo cho biết.
Lầu Năm Góc đã thông báo cho quân đội Nga về hoạt động này từ trước đó ba ngày "nhằm tránh hiểu nhầm, hạn chế nguy hiểm và tránh gây leo thang căng thẳng".
Trung tâm Điều phối Phòng thủ Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết Hạm đội Phương Bắc đang theo dõi hoạt động của nhóm tàu chiến NATO, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Chiến hạm Mỹ và Anh tiếp liệu trước khi tiến vào Biển Barents. Ảnh: US Navy.
Biển Barents là một phần của Bắc Băng Dương, tiếp giáp với bờ biển Nga và Na Uy. Thành phố cảng Murmansk, nơi đặt căn cứ Hạm đội Phương Bắc hải quân Nga, cũng nằm bên bờ Biển Barents. Tàu chiến hải quân Mỹ thường xuyên xuất hiện ở Biển Barents trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, nhưng chấm dứt hoạt động này kể từ giữa thập niên 1980.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua Nga - Mỹ ở Bắc Cực đang dần nóng lên trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu có thể khiến trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ ở khu vực này dễ tiếp cận hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Bắc Cực là "khu vực quan trọng nhất với tương lai của Nga", trước khi thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực.
Mỹ cũng bắt đầu chú ý tới hoạt động của Nga ở Bắc Cực, cho rằng cần thay đổi chiến lược ở khu vực này. NATO cuối năm 2018 tổ chức cuộc tập trận Trident Juncture với sự tham gia của 40.000 binh sĩ, đánh dấu hoạt động quân sự lớn nhất tại Na Uy trong hơn 10 năm qua, nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu của binh sĩ trong điều kiện khắc nghiệt gần Bắc Cực.
Vị trí Biển Barents nằm giữa các vùng lãnh thổ của Na Uy và Nga. Đồ họa: Wikipedia.
Tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa Tàu chiến Mỹ vừa thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 28/4. Nguồn tin từ Mỹ ngày 28/4 thông báo tàu khu trục do tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG 52) của nước này đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam...