- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Bác phán quyết của tòa về Biển Đông, Trung Quốc mất nhiều hơn được
On 18/06/2016 @ 7:21 AM In Thế giới
Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được được nếu từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông, tác giả Cary Huang trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định.
Tờ Manila Times mới đây tiết lộ, PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông vào ngày 7/7 tới.
Bộ Ngoại giao Philippines đang tổ chức một loạt các cuộc họp khẩn cấp với các nhà ngoại giao cấp cao cũng như các chuyên gia về chính sách đối ngoại. Các cuộc họp này nhằm định hình một chiến lược cụ thể khi tòa án đưa ra phán quyết.
Theo tác giả Cary Huang của tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhiều khả năng phán quyết của PCA sẽ nghiêng về Philipines. Nếu điều này xảy ra, không chỉ "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc bị thách thức mà Bắc Kinh còn bị đặt vào tình thế khó khăn về chính trị và ngoại giao.
Trung Quốc khi đó sẽ phải lựa chọn giữa việc bảo vệ "niềm kiêu hãnh quốc gia" và "lợi ích cốt lõi", hoặc khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng một Bắc Kinh đang trỗi dậy hoàn toàn có trách nhiệm và yêu chuộng hòa bình, ông Huang viết.
Phán quyết của PCA có thể sẽ không thể giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, bời Tòa quốc tế ở The Hague (Hà Lan) không có quyền thực thi pháp luật cũng như phán quyết trong quá khứ đã bị phớt lờ.
Tuy vậy, thách thức của Trung Quốc chính là nằm ở cuộc chiến về mặt pháp lý, dựa trên luật pháp quốc tế mà Bắc Kinh là một trong số các bên ký kết, ông Huang nhận định. Trung Quốc cũng có thể đánh mất sự ủng hộ quốc tế nếu như từ chối tuân thủ phán quyết của tòa.
Ảnh minh họa.
Trung Quốc cũng có thể bị các quốc gia trong khu vực xa lánh nếu lợi dụng phán quyết của PCA để tăng cường các hoạt động khiêu khích, như xây dựng thêm các cơ sở quân sự, thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực hoặc đưa máy bay hạ cánh xuống đường băng trái phép trên các đảo nhân đạo.
Ngoại giao là nghệ thuật của sự thỏa hiệp. Lịch sử đã cho thấy rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông cho đến Đặng Tiểu Bình đã thể hiện cách tiếp cận linh hoạt để tránh thổi bùng căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Trong khi tìm cách để có thể bảo vệ lợi ích quốc gia một cách tối đa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường thực dụng hơn trong vấn đề ngoại giao, đặc biệt trước mối lo ngại về sự trỗi dậy của nước này, theo ông Huang.
Biển Đông là khu vực có trữ lượng dầu khí và nguồn hải sản dồi dào. Trên thực tế, điều này không mang lại nhiều lợi ích kinh tế đối với Trung Quốc khi so sánh với kích thước của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này.
Trái lại, Biển Đông lại là tuyến đường biển quan trọng đối với sự phát triển của xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, bởi một nửa lượng hàng hóa trong thương mại toàn cầu đi qua khu vực này.
Một số cho rằng Biển Đông cũng mang ý nghĩa chiến lược và quân sự. Nhưng các đảo nhân tạo, hòn đảo nhỏ không giúp mang lại quyền giám sát tàu thuyền hay máy bay của các quốc gia khác hoạt động trong khu vực, theo tiêu chuẩn quốc tế về tự do hàng hải.
Như vậy, liệu Trung Quốc có sẵn sàng đánh đối niềm kiêu hãnh của quốc gia hơn lợi ích quốc gia trong tranh chấp Biển Đông, tác giả Huang kết luận.
Theo Người đưa tin
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/bac-phan-quyet-cua-toa-ve-bien-dong-trung-quoc-mat-nhieu-hon-duoc-20160618i2494910/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.