Bắc Kạn triển khai chương trình mới hiệu quả và phù hợp
Sau 2 tháng triển khai chương trình mới bắt đầu với lớp 1 , Bắc Kạn đang nỗ lực để vừa đảm bảo hiệu quả theo yêu cầu chung, vừa phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Giờ lên lớp của cô giáo Hà Thị Huệ, trường Tiểu học Khang Ninh (huyện Ba Bể, Bắc Kạn ).
Với đặc thù của tỉnh miền núi khó khăn, nhiều lớp ghép và phòng học tạm, Bắc Kạn đang dồn nhiều nguồn lực, chung sức để đáp ứng việc triển khai sách giáo khoa, chương trình mới.
Bước vào năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn có 381 lớp 1 với tổng số 6.048 học sinh. Với nguồn lực đầu tư được tăng lên đáng kể, cùng với sự phối hợp lồng ghép đồng bộ các chương trình, chính sách khác nhau, đến nay hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng, xóa bỏ phòng học tạm, mượn; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 54,43%.
Năm 2019, Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 (theo CTGDPT 2018) cho 31 trường có cấp tiểu học, gồm 62 máy chiếu dùng chung, 31 máy chiếu, 31 đàn Piano, 31 dàn âm thanh và 31 tủ đựng thiết bị dùng cho phòng âm nhạc , 62 ti vi và 1.048 bộ bàn ghế cho 9 nhà trường.
Nhìn chung, sau hai tháng triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và phù hợp với thực tiễn địa phương, việc dạy học trong các nhà trường diễn ra đảm bảo.
Bà Đào Thị Mai Sen, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn đánh giá: Giáo viên đã cơ bản bắt nhịp với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và kỹ thuật dạy học, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tiếp theo; việc học của học sinh lớp 1 đã đi vào nền nếp, nhiều em đã tích cực, chủ động tham gia các giờ học/hoạt động giáo dục.
Là một địa phương miền núi, nhưng huyện Ba Bể đã rất nỗ lực để có sự chuẩn bị đảm bảo, triển khai hiệu quả chương trình và sách giáo khoa mới . Năm học 2020 – 2021, toàn huyện có 15 trường tiểu học (52 điểm trường lẻ). Khối lớp 1 gồm 55 lớp, tổng số học sinh là 880 em, với sự tham gia giảng dạy của 126 giáo viên.
Bà Đào Thị Mai Sen, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn
Phòng GD&ĐT Ba Bể đã cho rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, dồn ghép điểm trường, quy mô lớp học phù hợp, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học, có kế hoạch điều chỉnh và sắp xếp hợp lý, bổ sung đầy đủ, kịp thời.
Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Ba Bể đảm bảo đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất, phòng học hiện có cơ bản đáp ứng cho việc triển khai khai dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1.
Năm học này, trường Tiểu học Khang Ninh (huyện Ba Bể) đón 79 học sinh khối 1, chia thành 5 lớp. Công tác chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhà trường đã xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán đi tập huấn nội dung chương trình và sách giáo khoa mới do huyện, tỉnh tổ chức; chuẩn bị trang thiết bị, bộ đồ dùng lớp 1 đảm bảo đủ các điều kiện cho giáo viên và học sinh; phân công giáo viên có kinh nghiệm và tâm huyết, thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin để dạy lớp 1.
“Bộ sách giáo khoa lớp 1 mới đã đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, các chủ điểm rõ ràng, các bài học có tính tích hợp liên môn, có tính kế thừa và đổi mới. Sách có bài dạy kiến thức mới xen ôn tập, cấu trúc sách qua các bài tập rõ ràng giữa phần học chữ cái, vần và luyện tập tiếng việt, kênh hình, kênh chữ phù hợp, sắc nét, gây hứng thú cho học sinh trong học tập, phù hợp với địa phương” – cô giáo Hà Thị Huệ, một giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 của nhà trường đánh giá.
Là phụ huynh có con đang học lớp 1 tại trường, chị Vy Thị Huế cho biết: “Phụ huynh chúng tôi được trao đổi với giáo viên nhiều hơn, thậm chí gọi điện trực tiếp để nói chuyện với giáo viên. Nhờ đó, các bố mẹ cũng được hiểu hơn về việc con em mình học sách giáo khoa mới , chương trình mới. Chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn sẽ được đồng hành để việc học của con em được hiệu quả”.
Đối với huyện Bạch Thông, quá trình chuẩn bị và việc triển khai cho đến nay đã cho thấy đảm bảo hiệu quả. Năm học 2020 – 2021 trên địa bàn huyện có 23 lớp 1, đảm bảo tỷ lệ 1 phòng/lớp. 100% giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, chuyên vụ trước khi bước vào năm học mới, đáp ứng việc dạy học dạy theo chương trình mới.
Đáng chú ý, các nhà trường đã rà soát bộ thiết bị lớp 1 hiện hành, tận dụng những thiết bị còn sử dụng được, phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong cán bộ, giáo viên; UBND huyện bổ sung kinh phí cho các trường Tiểu học, TH&THCS mua thiết bị dạy học lớp 1 với số tiền 200 triệu.
Trong điều kiện vẫn còn những khó khăn nhất định, sự nỗ lực của địa phương và mỗi nhà trường đã giúp Bắc Kạn triển khai hiệu quả dạy học chương trình mới đối với lớp 1.
Truyền cảm hứng cho học sinh qua các phong trào
Trong căn phòng trọ nhỏ gần 20m2, với những vật dụng đơn giản, đủ dùng, gần 5 năm nay thầy giáo Triệu Văn Huynh vẫn miệt mài với công tác giảng dạy và truyền cảm hứng cho học trò của mình.
Gần 5 năm nhận công tác tại Trường THCS Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ, thầy giáo trẻ Triệu Văn Huynh không chỉ thành công trong việc truyền cảm hứng học tập cho các em học sinh qua công tác giảng dạy, mà ở cương vị Tổng phụ trách Đội, thầy như người anh truyền cảm hứng cho học sinh thông qua các hoạt động phong trào.
Thầy giáo Triệu Văn Huynh cho biết: Qua các phong trào Đội giúp gắn kết tình cảm bạn bè và thầy cô
Trong căn phòng trọ nhỏ gần 20m2, với những vật dụng đơn giản, đủ dùng, gần 5 năm nay thầy giáo Triệu Văn Huynh vẫn miệt mài với công tác giảng dạy và truyền cảm hứng cho học trò của mình.
Vốn sinh ra từ một vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Kạn, trong một gia đình thuần nông. Thương cha mẹ tuổi đã cao nhưng vẫn phải dãi nắng dầm sương nuôi 5 anh chị em Huynh nên người, bởi vậy từ nhỏ Triệu Văn Huynh đã luôn ý thức được mình phải cố gắng học để đền đáp công ơn sinh thảnh, dưỡng dục của cha mẹ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng Triệu Văn Huynh nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các thầy cô giáo trong các cấp học, thế nên từ nhỏ Huynh đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành người giáo viên được đứng trên bục giảng, được các em học sinh gọi bằng hai tiếng thân thương "thầy ơi", được chăm lo cho các em như chính thầy cô đã từng làm cho mình. Ước mơ dần trở thành hiện thực khi Huynh thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Ra trường, Triệu Văn Huynh trở về quê hương tham gia giảng dạy tại trường THPT Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là trường cấp ba thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn.
Chia sẻ về cơ duyên khiến Huynh tham gia dự thi và trở thành giáo viên của trường THCS Châu Văn Liêm, thầy Huynh cho biết: Trong một lần đọc được thông tin có trường trong TP Cần Thơ tuyển giáo viên, Huynh đã nghĩ đến việc thay đổi môi trường làm việc và khám phá vùng đất mới.
"Tôi học địa lý và giảng dạy môn địa lý nên rất thích nghiên cứu, tìm tòi về các địa danh trên dải đất hình chữ S, vì vậy tôi đã mạnh dạn đăng ký dự thi và được nhận vào làm giáo viên tại trường năm 2016". Thầy Huynh bộc bạch.
Thầy Huynh hướng dẫn Đội trống trường hoàn thiện bài hát Quốc ca cho Lễ chào cờ
Gần 5 năm công tác xa nhà, thiếu thốn về chỗ ở, phải tạm trú trong một căn phòng trọ nhỏ hẹp, không người thân, cùng với đó là sự khác biệt về văn hóa vùng miền nhưng chưa bao giờ thầy giáo Triệu Văn Huynh nản lòng. Với thầy, 5 năm gắn bó với học sinh đồng bào Khmer là quãng thời gian thầy dành hết tri thức, nhiệt huyết để tổ chức hướng dẫn cho các em tham gia các phong trào, hoạt động Đội.
Không dừng lại ở đó, thấu hiểu được sự khó khăn thiếu thốn của các em, thầy Huynh cũng tham mưu với ban giám hiệu trường để tìm kiếm, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm, giúp những học sinh nghèo có đủ điện kiện tới trường như bạn bè cùng trang lứa.
Thời gian đầu khi nhận nhiệm vụ làm Tổng phụ trách, do không được đào tạo từ đầu nên Huynh đã tìm hiểu trên mạng các công việc của một Tổng phụ trách, học hỏi thêm từ các tổng phụ trách các trường bạn... từ đó tìm hiểu, nghiên cứu các hoạt động phù hợp với điều kiện của nhà trường, phát huy khả năng của các em học sinh.
Bên cạnh đó, do hoạt động các phong trào đội thường diễn ra ngoài giờ học vì vậy thầy Huynh phải vận động phụ huynh cho các em tham gia các hoạt động chung của trường. Với những em học sinh ở gần, thầy Huynh đã làm nhiệm vụ đưa đón các em đến tham gia. Theo thầy Huynh các hoạt động đội không chỉ giúp các em học sinh có thêm hiểu biết về các kiến thức xã hội, mà còn tạo sự gắn kết giữa thầy và trò trong nhà trường.
Với tất cả tri thức và khả năng của mình, tôi chỉ mong sao sẽ mang lại cho các em những điều tốt đẹp nhất. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao qúy". Điều đó thôi thúc tôi phải luôn trân trọng và cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người của đất nước. Thầy Huynh chia sẻ.
Đánh giá về thầy giáo Triệu Văn Huynh, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm Trịnh Tấn Cảnh cho biết: Dù tuổi đời còn trẻ nhưng thầy Huynh rất nhiệt tình, năng động, sáng tạo và luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của cấp trên giao. Trong quá trình công tác, thầy Huynh luôn dành hết mọi tri thức, nhiệt huyết mình có để tổ chức hướng dẫn cho các em tham gia các phong trào, hoạt động một cách tốt nhất.
Thầy Triệu Văn Huynh (thứ 4 từ phải sang) nhận những món quà ý nghĩa từ Hội LHTN và Tập đoàn Thiên Long
Cụ thể, trong năm học vừa qua khi nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ về tổ chức cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thầy Huynh đã lên kế hoạch cụ thể triển khai xuống tất cả các chi đội, động viên thầy cô và các em cùng nhau tham gia. Kết thúc cuộc thi, Trường THCS Châu Văn Liêm lọt vào top 10 trường trung học phổ thông có tỉ lệ học sinh làm bài thi nhiều nhất cả nước. Ngoài ra, một em học sinh của trường cũng lọt vào đến vòng bán kết; bản thân thầy Huynh vinh dự khi lọt vào vòng chung kết và đoạt giải ba toàn quốc Cuộc thi.
Với những nỗ lực của bản thân, thầy Triệu Văn Huynh nhận được nhiều phần thưởng từ các cấp, các ngành: Bằng khen UBND Thành phố Cần Thơ; Giấy khen của Chủ tịch UBND quận Ô Môn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2016- 2017; Danh hiệu giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi quận Ô Môn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2017- 2018; Giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 của Đảng bộ phường Châu Văn Liêm; Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Đặc biệt, năm 2020, thầy Triệu Văn Huynh vinh dự là một trong những thầy cô giáo được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Đây một trong những chương trình thường niên do Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Năm 2020, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ được tổ chức vào ngày 20/11 nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ban Tổ chức cho biết, qua 6 năm tổ chức, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm cổ vũ, động viên và tri ân những đóng góp của các giáo viên người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Thông qua chương trình, tạo sự quan tâm, kêu gọi xã hội tiếp tục giúp đỡ, ủng hộ đội ngũ thầy giáo, cô giáo tham gia dạy học ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Trường học trên bản Mông nỗ lực truyền tải nội dung SGK mới cho HS lớp 1 Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là xã có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, 97% dân số là người dân tộc Mông. HS lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang tập viết chữ. Ảnh: TG Xuất phát điểm thấp ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa...