Australia quyết tiêu hủy chim bồ câu bay xuyên Thái Bình Dương
Một con chim bồ câu di chuyển gần nửa vòng Trái Đất từ Mỹ sang Australia đang phải đối mặt với án tử từ cơ quan kiểm dịch nước này vì lo ngại nó mang theo mầm bệnh từ Mỹ.
Theo AP , sau khi di chuyển quãng đường 13.000 km từ Mỹ đến Australia, chú bồ câu tên Joe đang bị cơ quan kiểm dịch nước này truy bắt để đem đi tiêu hủy vì lo ngại nó mang theo mầm bệnh.
Anh Kevin Celli-Bird, một người dân ở Melbourne đã phát hiện con chim bồ câu yếu ớt đậu ở sân sau nhà mình từ hôm 26/12/2020. Anh nhận ra đây là một con chim đã thuần hóa, thay vì giống bồ câu tự nhiên bản địa châu Úc và quyết định tìm xem nhà của nó ở đâu.
Người đàn ông này sau đó ngỡ ngàng khi phát hiện ra con chim được đăng ký hộ khẩu ở Mỹ và đã mất tích trong một đua ở bang Oregon từ ngày 29/10/2020.
Các chuyên gia cho rằng có thể con bồ câu Joe – được đặt tên theo tổng thống Mỹ đắc cử – có thể đã nhảy lên một chuyến tàu hàng xuyên Thái Bình Dương.
Câu chuyện của nó đã thu hút truyền thông Australia, và sau đó là cả cơ quan kiểm dịch nổi tiếng khắt khe của nước này. Anh Celli-Bird cho biết các nhân viên của Cơ quan Kiểm dịch và Điều tra Australia đã liên hệ với anh để bắt con chim.
Joe mất tích ở bang Oregon , bờ biển phía đông nước Mỹ hôm 29/10 và được phát hiện ở Melbourne, Australia hôm 26/12. Ảnh: AP.
“Họ nói rằng nếu nó đến từ Mỹ, thì họ quan ngại về các bệnh cúm gia cầm. Họ hỏi xem tôi có thể giúp bắt con chim không”, anh Celli-Bird cho biết.
“Thật lòng mà nói tôi không thể bắt nó, cứ tới quá gần là nó chạy mất”, người đàn chia sẻ và nói thêm rằng giới chức đang xem xét thuê một thợ bắt chim chuyên nghiệp.
Bộ Nông nghiệp, cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn sinh học, cho biết con chim không được phép ở lại Australia vì nó có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia cũng như quần thể các loài chim hoang dã.
“Nó gây ra rủi ro an toàn sinh học trực tiếp đối với các loài gia cầm Australia và ngành công nghiệp gia cầm của chúng ta”, bộ cho biết.
Cơ quan kiểm dịch động vật Australia nổi tiếng là nghiêm khắc, hồi năm 2015 cơ quan này đe dọa tiêu hủy 2 con chó giống Yorkshire terrier của vợ chồng Johnny Depp và Amber Heard, sau khi họ tuồn chúng vào Australia một cách bất hợp pháp .
Cơ quan yêu cầu 2 con chó – Pistol và Boo – phải được đưa ra khỏi đất nước trong vòng 50 tiếng. Johnny Depp sau đó đã phải thuê máy bay riêng để đưa 2 chú chó cưng đi. Hiện nay chúng thuộc về Amber Heard.
Do có một hệ động vật khá riêng biệt, Australia đặc biệt quản lý nghiêm ngặt động vật ngoại lai vì chúng có thể mang mầm bệnh ảnh hưởng tới các loài của nước này.
Australia - Mỹ chung tay phát triển vũ khí siêu vượt âm
Australia sẽ hợp tác phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm mới với Mỹ nhằm đối phó vũ khí tương tự của Trung Quốc và Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các năng lực tiên tiến để mang tới cho Lực lượng Phòng vệ Australia nhiều lựa chọn hơn nhằm răn đe các hành động xâm phạm lợi ích của mình", Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds cho biết trong thông cáo ngày 1/12.
Reynolds không tiết lộ chi phí phát triển tên lửa siêu vượt âm và thời điểm chúng đi vào hoạt động. Australia năm nay dành khoảng 6,8 tỷ USD phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tốc độ cao, bao gồm tên lửa siêu vượt âm.
Australia và Mỹ đang chế tạo các nguyên mẫu vũ khí siêu vượt âm mới trong khuôn khổ chương trình SCIFiRE. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết mục tiêu của chương trình SCIFiRE là biến công nghệ siêu vượt âm thành "các nguyên mẫu với kích thước đầy đủ, giá cả phải chăng và khả năng bay linh hoạt, tầm xa".
Tiêm kích F/A-18 của Australia diễn tập phóng tên lửa không đối không, ngày 5/11. Ảnh: BQP Australia .
Tờ Sydney Morning Herald đưa tin các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm mới của Australia - Mỹ sẽ bắt đầu trong "vài tháng tới" và nó có thể "sẵn sàng hoạt động trong 5-10 năm sau". Các tiêm kích F/A-18F của không quân Australia có thể được trang bị tên lửa siêu vượt âm mới.
Máy bay tuần thám P-8A, biến thể tác chiến điện tử EA-18G là các ứng viên khác trang bị mẫu vũ khí này. Tài liệu của chương trình SCIFiRE đề cập tới F-35, cho thấy vũ khí siêu vượt âm mới có thể đủ nhỏ để đặt trong khoang thân của mẫu tiêm kích tàng hình này.
Tên lửa siêu vượt âm có khả năng di chuyển với tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh (Mach 5) trở lên. Vũ khí này được cho có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ hiện nay nhờ kết hợp giữa tốc độ và khả năng cơ động cao.
Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên năm 2019. Mỹ hồi tháng 3 thử tên lửa siêu vượt âm và đặt mục tiêu nâng cao năng lực tác chiến của nó vào đầu thập niên 2020. Giới chuyên gia quân sự nhận định Trung Quốc đã hoặc sắp triển khai các tổ hợp tên lửa siêu vượt âm với đầu đạn thông thường.
Việc Australia hợp tác phát triển tên lửa siêu vượt âm với Mỹ có thể làm xấu đi quan hệ giữa nước này với Trung Quốc. Canberra và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng "ảnh chế" binh sĩ Australia cầm dao kề vào cổ một em bé Afghanistan trên Twitter, động thái bị Australia phản đối kịch liệt.
Thủ tướng Australia dùng WeChat trấn an cộng đồng người Hoa Thủ tướng Morrison đăng thông điệp trên WeChat khẳng định vụ "hình ảnh giả mạo" sẽ không gây tổn hại đến tới cộng đồng người Hoa ở Australia. Trong một bài đăng trên WeChat tối 1/12, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định những tranh cãi về ngoại giao liên quan đến việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên...