Anthony Bourdain | Đầu bếp từng ăn bún chả cùng Obama và hành trình cống hiến cho nghệ thuật ẩm thực
Đầu bếp Anthony Bourdain đã cống hiến cả cuộc đời mình truyền bá nét đẹp văn hóa ẩm thực với thế giới . Không phải ai cũng biết con đường đến thành công của ông đầy gian truân.
Anthony Bourdain sinh ngày 25 tháng 6 năm 1956 tại thành phố New York và lớn lên tại Leonia, New Jersey. Từ nhỏ, ông khá nổi loạn và quậy phá. Ông có niềm đam mê với văn học, nhạc rock và tình yêu ấy được truyền cảm hứng từ mẹ là một biên tập viên và cha là nhà sản xuất âm nhạc . Lớn lên, ông không theo con đường mà cha mẹ định hướng, mà hướng đam mê tới ngành công nghiệp ẩm thực, ban đầu chỉ là sở thích ăn uống, sau đó là đam mê và gắn bó không thể từ bỏ.
Bourdain bắt đầu làm việc trong các căn bếp từ khi còn là cậu bé tuổi teen. “Công việc đầu tiên của tôi là rửa bát thuê trong một nhà hàng ở bang Massachusetts, Mỹ. Mọi thứ đến tự nhiên khi tôi đang ở chung nhà với một nhóm bạn trường trung học. Vì không đóng góp tiền thuê nhà nên tôi được phân công rửa bát, trong khi những người bạn khác làm các vị trí đầu bếp, chạy bàn…”, Bourdain chia sẻ với tờ Boston Globe.
“Tôi từng là một chiếc máy rửa bát vui vẻ”, NPR dẫn lời Bourdain chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 2016. “Tôi hay nói vui rằng mình học được các bài học quan trọng và tất cả bài học quan trọng nhất cuộc đời, khi là một chiếc máy rửa bát”.
Đó không phải là công việc cho tất cả mọi người, nhưng Bourdain đã tìm ra một ý nghĩa thực sự trong đó. Vào thời điểm đó, Bourdain là một thiếu niên nhút nhát, ngốc nghếch và đó là lần đầu tiên mà ông được trao cho một công việc có ý nghĩa. Với khả năng thực hiện công việc tốt, hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào được giao đã giúp ông phát triển sự nghiệp dưới sự giám hộ của những người mà ông kính trọng và ngưỡng mộ.
Sau hai năm học tại Cao đẳng Vassar ở New York, ông bỏ học để ghi danh vào Học viện Ẩm thực Mỹ và tốt nghiệp năm 1987. Bourdain có nhiều năm làm việc trong các nhà hàng phía đông bắc nước Mỹ, trước khi trở thành đầu bếp của nhà hàng Brasseries Les Halles ở khu Manhattan vào năm 1998. Con đường dẫn đến thành công của ông bắt đầu từ đây.
Để gặt hái được thành công rực rỡ như ngày hôm nay, đầu bếp Anthony đã trải qua quãng thời gian dài khó khăn trong gian bếp chuyên nghiệp. Ở tuổi 44, ông đứng trong nhà bếp, suy nghĩ không biết nên làm gì với nợ nần, làm sao để trả tiền thuê nhà, thậm chí cả bảo hiểm y tế cũng không có.
Dù phải đương đầu với một quá khứ khó khăn và vất vả, nhưng đầu bếp Anthony Bourdain vẫn cho thấy ông là một người không dễ dàng bỏ cuộc và luôn hết mình với đam mê. Để rồi thành công đã mỉm cười với ông, đền đáp cho những cố gắng và không ngừng nỗ lực.
Đam mê khám phá ẩm thực thế giới
Ngoài thành công với ngành ẩm thực, đầu bếp nổi tiếng của CNN cũng theo đuổi đam mê viết lách. Chính những tác phẩm đó đã đem đến nhiều cơ hội may mắn tạo nên thành công nối tiếp cho Anthony Bourdain .
Cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản năm 2000 với tiêu đề “Kitchen Confidential” (tạm dịch: Những bí mật trong bếp), ngay lập tức đã lên top những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times.
Chuyên gia ẩm thực Bourdain từng chia sẻ với tờ Boston Global rằng cảm hứng cho ra tác phẩm này xuất phát từ bài báo về ẩm thực đầu tiên ông viết cho tờ The New Yorker. Những năm sau đó, nhiều cuốn sách nổi tiếng khác ra đời.
Từ đó, Anthony trở thành cái tên quen thuộc trong nhiều chương trình truyền hình. Ông tới nhiều địa điểm xa xôi trên thế giới và khám phá các loại thực phẩm ở từng địa phương.
“Anthony Bourdain: Parts Unknown” (Anthony Bourdain: Những vùng đất xa lạ) là một chương trình du lịch và ẩm thực của Mỹ phát trên kênh truyền hình CNN, với tập đầu tiên lên sóng ngày 14/4/2013. Trong chương trình, đầu bếp Anthony Bourdain đi khắp thế giới , khám phá những vùng đất ít được biết tới, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực. Chương trình này đã đoạt 3 giải Emmy và nhận được 11 đề cử cho kịch bản, âm thanh, biên kịch và quay phim .
Năm 2002, “A Cook’s Tour” nghiễm nhiên trở thành cảm hứng cho việc phát triển chương trình truyền hình cùng tên đầu tiên của Anthony Bourdain. Dấu mốc này đánh dấu chặng đường khám phá nền ẩm thực khắp thế giới của đầu bếp Bourdain khi ông chia sẻ, truyền cảm ứng cho người yêu ẩm thực khắp thế giới.
Cũng trong chương trình này, Bourdain từng đến chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ để khám phá cảnh sinh hoạt, ăn uống trên sông nước Việt Nam năm 2014. Sau đó, chuyên gia ẩm thực giới thiệu món bún chả nổi tiếng của Việt Nam cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016.
Trong một chương trình tham dự, Anthony từng chia sẻ tình yêu ẩm thực đặc biệt dành cho Việt Nam. “Tôi yêu ẩm thực Việt Nam, Malaysia và Indonesia mỗi đất nước đều để lại trong tôi những phong vị riêng. Lần đầu tiên tới Việt Nam thực sự là chuyến đi làm thay đổi cuộc đời tôi bởi đất nước này quá mới lạ và khác biệt với nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên”, Anthony Bourdain từng nói.
Vị đầu bếp 61 tuổi cũng từng khẳng định: “Việt Nam. Nơi đây đến bắt lấy bạn và khiến bạn không thể rời đi. Chỉ cần một lần đến, bạn sẽ yêu nơi đây mãi mãi”.
Năm 2005, Bourdain làm việc cho kênh Travel Channel với chương trình “Anthony Bourdain: No Reservations” (tạm dịch: Anthony Bourdain: Không đặt chỗ trước). Chương trình này đã đoạt 2 giải thưởng Emmy (chương trình giải thưởng cao quý nhất của ngành công nghiệp truyền hình Mỹ).
Năm 2013, Bourdain chuyển sang chương trình Parts Unknown (Những miền chưa biết tới) với CNN. Mùa thứ 11 vừa được công chiếu đầu năm 2018.
Quá trình tham gia những chương trình truyền hình về ẩm thực đem đến cơ hội trải nghiệm nhiều nền văn hóa, món ăn ngon của các quốc gia khắp thế giới cho Anthony Bourdain.
Nếu bạn đã xem Anthony Bourdain uống rượu thoải mái trên Parts Unknown, bạn có thể cho rằng ông uống một cách thường xuyên. Nhưng đáng ngạc nhiên, ông không hề hứng thú với các loại bia rượu, không uống rượu trong bữa tối. Ông nói với tờ Men’s Journal: “Bạn thấy tôi uống rượu một cách ngu ngốc trong chương trình của tôi, và tôi có rất nhiều điều thú vị khi làm việc đó, nhưng tôi không ngồi ở nhà với một ly cocktail. Không bao giờ.” Thay vào đó, ông muốn giữ cuộc sống cá nhân tách biệt với sự nghiệp nấu ăn chuyên nghiệp.
Hai cuộc hôn nhân và một cuộc tình dang dở
Thành công trong sự nghiệp và nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực nhưng đời tư của Bourdain lại gặp trắc trở. Bourdain từng kết hôn với mối tình thời trung học Nancy Putkoski và ly hôn năm 2005 sau hai thập kỷ bên nhau. Hai năm sau, ông tái hôn với Ottavia Busia, một võ sư người Italy.
Ottavia Busia sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Lombardy, Italy. Cô tới Mỹ năm 2002 và bắt đầu làm việc trong ngành công nghiệp nhà hàng. Sau đó, Busia gặp Ripert, người được cho là mai mối cô với Bourdain.
Busia và Bourdain có cuộc hẹn hò đầu tiên tại một quán bar năm 2007. Bourdain nhanh chóng si mê Busia và trong vòng vài tuần, hai người làm đám cưới. Cuối năm này, con gái đầu lòng của họ, Ariane, ra đời.
Cuộc hôn nhân của Busia và Bourdain kéo dài 9 năm rồi kết thúc. Công việc khiến Bourdain phải xa vợ con hầu như cả năm trời. Sự xa cách đó làm mối quan hệ vợ chồng trở nên có khoảng cách. Họ quyết định chia tay năm 2016.
Nhắc tới cuộc hôn nhân không trọn vẹn, Bourdain kể lại trong cuộc phỏng vấn năm 2016 rằng quyết định đường ai nấy đi có sự đồng thuận từ hai người và không ai cảm thấy mình là nạn nhân. Sau chia tay, cả hai vẫn giữ mối quan hệ bạn bè tốt và cùng nuôi dạy Ariane.
Ariane Bourdain là người con đầu tiên và duy nhất của đầu bếp danh tiếng. Lúc Ariane có mặt trên đời, Bourdain đã ngoài 50 tuổi. Bourdain được xem là người bố yêu con và gần gũi với con gái. Ariane hiện 11 tuổi và sống cùng mẹ tại thành phố New York. Bourdain và vợ cũ Busia luôn cố gắng bảo vệ con khỏi sự nổi tiếng và sự quan tâm quá mức của truyền thông. Tuy nhiên, sau khi cô bé được sinh ra, Bourdain lại trả lời nhiều cuộc phỏng vấn có nhắc tới con gái. Ông cũng viết cuốn sách dạy nấu ăn có tên Appetites dành cho con.
Trong mắt Bourdain, con gái thích chê món ăn của bố. “Con bé là một nhà phê bình rất khắt khe. Bạn biết không, tôi cho một xíu, một lượng rất nhỏ hạt nhục đậu khấu vào món mì ống với phô mai và Ariane đã không thưởng thức món ấy”, Bourdain nhớ lại.
Cái chết bất ngờ ở tuổi 61
Ngày 8/6/2018, Anthony Bourdain đã tự sát tại phòng khách sạn ở xã Kaysersberg (Pháp), khi đang lưu lại tại đây ghi hình cho chương trình truyền hình về ẩm thực – du lịch “Parts Unknown” phát trên truyền hình Mỹ.
Người bạn thân của ông tại Pháp – đầu bếp Eric Ripert – là người đầu tiên phát hiện ra tình trạng bi kịch của Bourdain: “Anthony là bạn thân. Anh ấy là con người ngoại hạng. Rất truyền cảm hứng và rất hào phóng, rộng lượng. Một trong những người kể truyện tài ba nhất trong thời đại của chúng ta, đã kết nối với tâm hồn của biết bao nhiêu con người. Tôi cầu mong cho anh ấy sự bình yên”.
Theo quy trình pháp lý tại địa phương, những hoạt động điều tra đã được tiến hành tại nơi Bourdain qua đời, dù vậy, nhà chức trách cũng khẳng định không có dấu hiệu bất thường trong vụ tự sát này.
Năm ngoái, Bourdain chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ New Yorker (Mỹ) rằng ông đã bị ngất khi ghi hình ở Pháp, ông sẵn sàng làm điều dại dột nếu phát hiện có điều gì không hay xảy tới với sức khỏe của mình. Nhà chức trách tại Pháp cho hay đây sẽ là một trong những chi tiết được họ đưa vào xem xét khi điều tra vụ việc.
Viện Smithsonian, hệ thống bảo tàng và viện nghiên cứu lớn nhất thế giới, từng ca ngợi ông là “ngôi sao nhạc rock nguyên bản” của thế giới ẩm thực, là “Elvis của các đầu bếp trai hư”.
Tại thời điểm Bourdain qua đời, ông đang hẹn hò nữ diễn viên kiêm nhà hoạt động người Italy, Asia Argento. Ông gặp bạn gái trong chương trình Parts Unknown và bắt đầu qua lại năm 2016.
Sau sự ra đi của bạn trai, Argento đã lên mạng xã hội , đưa ra chia sẻ đầu tiên ngay trong ngày thứ 6, rằng cô đang “suy sụp” bởi mất đi “người che chở, bảo vệ”. Ngay trước khi qua đời, Bourdain mua về một bức tranh có cái tên buồn bã, u ám, báo điềm gở – “Bầu trời sụp đổ, tôi đang học cách sống với nó”.
Sự cố trong các lễ nhậm chức tổng thống Mỹ
Tổng thống đọc không chuẩn lời tuyên thệ, gà bị sổng chuồng hay chim hoàng yến chết rét là những sự cố từng xảy ra tại một số lễ nhậm chức.
Ngày 7/1/1789, trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Mỹ, George Washington chiến thắng tuyệt đối, giành được tất cả phiếu đại cử tri. Ông nhậm chức vào ngày 30/4/1979 tại ban công Hội trường Liên bang ở New York.
Ngay trước khi Washington tuyên thệ, ban tổ chức phát hiện ra họ chuẩn bị thiếu cuốn Kinh thánh và phải nhanh chóng mượn một cuốn từ chi nhánh của Hội Tam điểm ở gần đó.
Đám đông tập trung bên ngoài Nhà Trắng khi Andrew Jackson nhậm chức đầu tiên năm 1829. Ảnh: Library of Congress .
Khi Andrew Jackson nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 1829, ông đã chào đón một đám đông ồn ào gồm 20.000 người ủng hộ đến ăn mừng tại Nhà Trắng. Nhưng bữa tiệc biến thành một cuộc ẩu đả, đồ đạc bị phá hỏng, đồ pha lê bị đập vỡ.
"Những người phụ nữ ngất xỉu, những người đàn ông đấm nhau hộc máu mũi, cảnh tượng hỗn loạn không thể nào diễn tả được", một vị khách kể. Jackson buộc phải thoát khỏi tình trạng lộn xộn bằng cách nhảy qua cửa sổ.
Bất chấp thời tiết rất lạnh giá vào ngày nhậm chức năm 1841, William Henry Harrison từ chối mặc áo khoác hay đội mũ và khăng khăng muốn đến Nhà Trắng trên lưng ngựa thay vì ngồi xe ngựa có mái che. Ông cũng có bài phát biểu dài nhất lịch sử với 8.445 từ và mất hơn hai giờ để đọc.
Nhưng điều trớ trêu là nhiệm kỳ tổng thống của Harrison là nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử nước này. Không lâu sau khi nhậm chức, Harrison bị cảm lạnh, biến thành viêm phổi. Ông qua đời ngày 4/4/1841, 31 ngày sau khi nhậm chức.
Trước lễ nhậm chức thứ hai của Abraham Lincoln vào đầu năm 1865, Phó Tổng thống đắc cử Andrew Johnson đã uống rượu whiskey để bớt hồi hộp và giảm triệu chứng vì ông bị sốt thương hàn gần thời điểm đó. Khi tuyên thệ, Johnson lộ rõ vẻ say xỉn, phát biểu không mạch lạc trong khoảng 20 phút.
Lincoln sau đó nói Johnson có sơ suất nhưng "không phải là một kẻ say xỉn". Chỉ một tháng sau, Johnson lại tuyên thệ nhậm chức, lần này để trở thành tổng thống, sau khi Lincoln bị ám sát tại Nhà hát Ford.
Ngày nhậm chức lần hai của Ulysses S. Grant vào tháng 3/1873 là một trong những ngày tháng ba lạnh nhất trong lịch sử thủ đô Washington. Nhiệt độ vào buổi trưa là -9 độ C, nhưng những cơn gió mạnh gây cảm giác trời lạnh -26 đến -34 độ C. Các lá cờ dọc theo Đại lộ Pennsylvania bị đóng băng, các xe cứu thương túc trực để đưa các học viên quân sự tham gia diễu hành bị cước tay chân đến bệnh viện.
Dạ hội vào tối hôm đó diễn ra trong một không gian được dựng lên tạm thời để phục vụ ngày nhậm chức. Nó không thể giữ ấm cho các vị khách trong thời tiết lạnh giá, khiến họ vẫn phải mặc áo khoác dày khi ăn tối và khiêu vũ. Đồ ăn nguội và rượu sâm banh đông đá không phải là điều tồi tệ nhất: Khoảng 100 con chim hoàng yến treo trên lồng tại trần nhà để điểm xuyết cho bữa tiệc đã chết cóng.
45 đời tổng thống Mỹ. Đồ họa: Việt Chung, Phương Vũ.
Trong lễ nhậm chức đầu tiên của Dwight D. Eisenhower năm 1953, ông phá vỡ truyền thống bằng cách đọc lời cầu nguyện do ông tự ứng biến ra sau khi tuyên thệ, thay vì hôn lên cuốn Kinh thánh.
Sau đó, ông chủ trì một cuộc diễu hành với khoảng 62 ban nhạc và 26.000 người tham gia. Một khoảnh khắc gần như không tưởng vào thời nay đã diễn ra: Với sự cho phép của Sở Mật vụ, cao bồi California Montie Montana quăng dây thòng lọng vào người tân tổng thống. Phó Tổng thống Richard Nixon và các quan chức khác tươi cười chứng kiến.
Cao bồi quăng dây vào người Tổng thống Dwight D. Eisenhower trong lễ nhậm chức năm 1953. Ảnh: AP .
Lễ nhậm chức của John F. Kennedy năm 1961 đầy những khoảnh khắc không nằm trong kịch bản. Lyndon B. Johnson đọc sai lời tuyên thệ của phó tổng thống. Bục phát biểu bốc cháy trong một thời gian ngắn do chập điện khi Hồng Y Richard Cushing cầu nguyện. Nhà thơ Robert Frost đã sáng tác một tác phẩm cho dịp này nhưng không thể đọc được do lóa mắt, vì tuyết rơi vào đêm hôm trước phản chiếu ánh sáng mặt trời. Thay vào đó, Frost đọc một bài thơ khác mà ông thuộc.
Tại dạ hội chào mừng lễ nhậm chức thứ hai của Richard Nixon năm 1973, được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử và Công nghệ Smithsonian (nay là Bảo tàng Lịch sử Mỹ), một con gà đã xổng chuồng từ một cuộc triển lãm nông trại ở bảo tàng và "nhập hội" cùng các vị khách. Sau khi một khách phàn nàn rằng con gà "tấn công" bà, Tổng thư ký bảo tàng Smithsonian S. Dillon Ripley bắt được nó và trả nó về nơi ban đầu.
Barack Obama tuyên thệ nhậm chức lần đầu tiên tại thủ đô Washington ngày 20/1/2009. Ảnh: Reuters .
Tại lễ nhậm chức đầu tiên của Barack Obama năm 2009, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts là người đọc lời tuyên thệ để Obama nhắc lại theo. Roberts không dùng giấy nhớ và ông đã đọc không chuẩn một câu theo quy định của hiến pháp, khiến Obama cũng nhắc lại cách diễn đạt không chính xác.
Các học giả hiến pháp sau đó đặt câu hỏi liệu Obama đã tuyên thệ đúng chuẩn hay chưa. Obama và Roberts cuối cùng tuyên thệ lại tại Nhà Trắng vào ngày hôm sau, lần này không gặp sự cố nào.
Trump có thể đưa Cuba vào danh sách tài trợ khủng bố Chính quyền Trump có thể đang cân nhắc đưa Cuba vào danh sách tài trợ khủng bố, động thái nhằm xáo trộn chính sách đối ngoại của Joe Biden. Nguồn thạo tin hôm 30/12 cho biết việc Tổng thống Trump liệt Cuba vào danh sách tài trợ khủng bố không những cản trở chính sách đối ngoại của Biden, còn thúc đẩy cơ...