Ảnh hưởng bởi COVID-19, thu ngân sách giảm sâu trong tám tháng
Do tác động lớn của COVID-19 , Chính phủ đã triển khai, thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, theo đó số thu ngân sách cũng sụt giảm sâu trong tám tháng.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế , tính đến hết tám tháng năm 2020, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 752.615 tỷ đồng, bằng 60% so với dự toán và bằng 91,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, thu từ dầu thô ước đạt 25.481 tỷ đồng, bằng 72,4% so với dự toán và thu nội địa ước đạt 727.134 tỷ đồng, bằng 59,6% so với dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ.
Báo cáo cho biết trong tám tháng, kinh tế trong nước chịu tác động lớn của dịch bệnh COVID-19 . Theo đó, Chính phủ đã triển khai, thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh. Cụ thể, người nộp thuế được gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (từ tháng Ba đến tháng Sáu), thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 và tạm nộp 2 quý đầu của năm nay, tiền thuê đất đối với các nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh. Việc này đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong tám tháng của năm 2020, đặc biệt là từ tháng Tư đến nay.
Cũng trong tám tháng, ngành thuế đã kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra số tiền gần 34.700 tỷ đồng, bằng 121,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 12.051 tỷ đồng và giảm lỗ là 21.665 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 5.918,1 tỷ đồng, bằng 117,6% so với cùng kỳ.
Về công tác quản lý nợ thuế, báo cáo chỉ ra tổng số nợ thuế tháng Tám có chiều hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2019. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa nộp vào ngân sách theo quy định. Bên cạnh đó, một số đơn vị sản xuất lắp ráp ôtô trong nước chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt kê khai phát sinh của tháng Năm, tháng Sáu vào ngân sách nhà nước, chờ để được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ và tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên. Thêm vào đó, một bộ phận người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn hoặc ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.
“Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ. Lũy kế tính đến thời điểm ngày 31/8 thu đạt 17.515 tỷ đồng, bằng 41,4% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019,” báo cáo của ngành thuế cho hay./.
Rốt ráo xử lý nợ thuế không có khả năng thu hồi
Xác định việc xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội là một nhiệm vụ trọng tâm trong 3 năm tới (khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành), ngành Thuế cả nước đã nhanh chóng "ra quân" triển khai các bước cần thiết để có thể nhanh chóng bắt tay vào xử lý những khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Tổng cục Thuế đảm bảo việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, tránh trục lợi, thất thoát cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Thùy Linh
Nợ thuế diễn biến phức tạp
Thống kê của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan Thuế cả nước đã đôn đốc thu hồi nợ được 15.222 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 44,6% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế, tình hình thu hồi nợ thuế năm 2020 bị chậm hơn so với năm 2019 bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và việc thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như tạm ngừng hoạt động, từ đó chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngoài ra, theo nhận định của Tổng cục Thuế, hiện công tác quản lý và xử lý số nợ khó thu vẫn còn nhiều khó khăn. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 6/2020, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 46.120 tỷ đồng. Số nợ này chiếm tỷ trọng 44,9% tổng tiền thuế nợ, tăng 4,7% so với thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Với nhóm đối tượng nợ khó thu này, cơ quan Thuế phải phối hợp với chính quyền địa phương, phối hợp với các sở, ban, ngành áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định, đồng thời vẫn quản lý theo dõi số tiền nợ thuế và tính tiền chậm nộp. Do vậy, số nợ này đang cản trở mục tiêu giảm nợ của cơ quan Thuế do các khoản nợ không còn khả năng thu hồi, không còn đối tượng để thu hoặc đối tượng thu không còn tài sản, không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Các địa phương nhanh chóng hành động
Kể từ ngày 1/7/2020, Nghị quyết 94/2019/QH14 về việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành. Mới đây, Thông tư 69/2020/TT-BTC về hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội cũng ra đời với việc quy định chi tiết, cụ thể các bước để khoanh và xóa nợ thuế.
Thông tin từ các địa phương cho thấy, không chờ đến khi Nghị quyết 94 có hiệu lực, ngay từ những tháng đầu năm, các cục thuế trên cả nước đã "bắt tay" vào công tác xử lý nợ thuế theo tinh thần của Quốc hội đã đề ra. Đơn cử như tại Cục Thuế Hà Nội, thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2019, số nợ không có khả năng thu tại đơn vị này tăng 225% lên mức 6.052 tỷ đồng và chiếm hơn 1/3 tổng số nợ tại đây. Chính vì vậy, để đảm bảo chủ động triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, chính xác, đúng đối tượng ngay khi Nghị quyết 94 có hiệu lực, trong tháng 4/2020, Cục Thuế Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 do Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đơn vị này cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành và các UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Hiện Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, đã tập trung rà soát dữ liệu, lập danh sách người nộp thuế thuộc diện khoanh nợ, xóa nợ, xác định số tiền nợ thuế thuộc diện xóa nợ, khoanh nợ đồng thời xây dựng quy trình các bước thực hiện theo quy định của Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Còn tại Cục Thuế Bắc Ninh, thống kê cho thấy tại đơn vị này vẫn còn hơn 200 tỷ đồng tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi. Để có thể triển khai các nội dung Nghị quyết 94, từ tháng 6/2020, cơ quan Thuế đã rà soát hệ thống, xác định đúng số thuế còn nợ của các tổ chức, cá nhân, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Từ đó phân loại số nợ, nợ cũ tồn đọng hay nợ mới phát sinh, các nguyên nhân phát sinh nợ... và đề ra phương án khoanh nợ, hay xóa nợ cho từng đối tượng.
Một địa phương khác cũng rất nhanh nhạy trong công tác xử lý nợ thuế đó chính là Phú Thọ. Ngay từ cuối tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành văn bản về việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94. Theo đó, Cục Thuế Phú Thọ đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ; thực hiện rà soát, phân loại và hoàn thiện hồ sơ, điều kiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020. Đồng thời lập danh sách người nộp thuế thuộc đối tượng được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, điều kiện để đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp phối hợp xác nhận và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ làm căn cứ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính trong toàn ngành Thuế, từ đó đảm bảo việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, tránh trục lợi, thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, đến thời điểm này, qua rà soát sơ bộ cho thấy số lượng người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ là 843.000 trường hợp, số nợ thuế khoanh là 22.000 tỷ đồng, số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp xóa là 16.000 tỷ đồng. Đến nay, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện xử lý nợ thuế. Đồng thời hướng dẫn các cục thuế thành lập Ban Chỉ đạo xử lý nợ tại địa phương và phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên triển khai lập hồ sơ, xác minh tình trạng của người nộp thuế để xử lý nợ thuế.
Chờ đợi gì ở gói hỗ trợ đợt dịch Covid-19 lần 2? Một gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ dành cho doanh nghiệp (DN) và các đối tượng gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ước tính khoảng 70-90 ngàn tỷ đồng, đang được các bộ, ngành chức năng bàn bạc và dự kiến từ tháng 9 sẽ bắt đầu giải ngân. Người dân đến nhận gói hỗ...