- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Ai hưởng lợi trong cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á?
On 20/08/2013 @ 10:36 PM In Thế giới
Bất chấp kinh tế chung vẫn còn suy thoái, các nước châu Á đang lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới với lý do chính đáng là tăng cường sức mạnh phòng vệ trước những mối đe dọa chủ quyền lãnh thổ đang gia tăng.
Tàu chở trực thăng mới Izumo của Nhật Bản
Ngư ông đắc lợi trong cuộc chạy đua vũ trang mới này vẫn là các nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí, đầu bảng luôn là Mỹ, kế đó là Nga.
Nguồn gốc gây căng thẳng ở châu Á từ Triều Tiên bao năm qua giờ thêm Trung Quốc tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng. Không chỉ với những nước nhỏ ở Đông Nam Á, Trung Quốc còn gây căng thẳng với cả Nhật Bản và Hàn Quốc là hai cường quốc kinh tế châu Á, cũng như với cả Ấn Độ. Nguy hiểm nhất là việc Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch mở rộng quyền kiểm soát vùng biển suốt từ biển Đông lan rộng tới biển Hoa Đông ở Đông Bắc.
Khi Bắc Kinh leo thang căng thẳng, ngân sách quốc phòng của các nước trong khu vực càng tăng cao, đơn đặt hàng vũ khí càng dài hơn, giá trị lớn hơn. Trong cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á này, các nước cùng đổ ra biển, tăng cường sức mạnh hải quân.
Ngày 16-8-2013, truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin quân đội nước này bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật mười ngày ở vùng biển gần các đảo mà hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp (Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư). Lần này, Trung Quốc cho cả chiếc Liaoning, tàu sân bay đầu tiên của họ tham gia tập trận.
Theo giới quan sát quốc tế, tàu sân bay Liaoning là một phần trong cuộc chạy đua vũ trang hải quân ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong thời gian qua, cả ba cường quốc châu Á này đều tung ra những tàu chiến lớn hơn và hiện đại hơn.
Ngày 6-8-2013, Nhật Bản khánh thành tàu chở trực thăng Izumo có trọng tải 19.500 tấn. Đây là tàu trực thăng thứ ba của Nhật Bản và là tàu chiến lớn nhất do Nhật Bản tự sản xuất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày 12-8, Ấn Độ khánh thành tàu sân bay đầu tiên của mình. Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới, trong mười năm qua đã tăng gấp ba lần ngân sách quốc phòng. Hồi tháng 2-2013, Ấn Độ tuyên bố tăng thêm 14% ngân sách quốc phòng. Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc tuy không nóng như giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng diện tích lãnh thổ lớn hơn. Việc tăng cường khả năng quốc phòng sẽ khiến Ấn Độ phải chi tới 650 tỷ rupee (10,5 tỷ USD).
Cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á góp phần lớn trong việc tăng kim ngạch mua bán vũ khí toàn cầu lên 30%, đạt 73,5 tỷ USD từ năm 2008 tới 2012. Theo tạp chí quốc phòng HIS Jane, chi phí quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 35% (501 tỷ USD) trong vòng tám năm tới. Riêng Trung Quốc sẽ tăng chi phí quân sự lên tới 64% (207 tỷ USD) vào năm 2021, trong khi Ấn Độ tăng 54%, Indonesia tăng 113%.
Chính sự nóng lên ở khu vực đã tạo cơ hội cho các lực lượng quân sự Mỹ trở lại châu Á, cụ thể là Đông Nam Á. Philippines trước kia xua đuổi các căn cứ quân sự Mỹ trên đất nước mình nay cũng hoan hỉ chào đón sự trở lại của tàu chiến Mỹ.
Theo CA TPĐN
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/ai-huong-loi-trong-cuoc-chay-dua-vu-trang-o-chau-a-20130820i897991/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.