5 điểm bấm huyệt giúp thông mũi trong 30 giây
Thời tiết giao mùa và dần chuyển lạnh cũng là lúc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trở nên phổ biến.
Nghẹt mũi là triệu chứng mà nhiều người gặp phải. Mặc dù không nguy hiểm nhưng triệu chứng này gây sự khó chịu cho người bệnh, đặc biệt khi đi ngủ.
Bấm một số huyệt đạo có thể giúp giảm nghẹt mũi nhưng phù hợp với những tình trạng nhẹ và mang tính tạm thời, không phải là phương pháp điều trị.
Theo Y học cổ truyền, bấm một số huyệt đạo có thể cải thiện tình trạng nghẹt mũi và tạo sự thoải mái, dễ chịu cho người bệnh.
1. Bấm huyệt và nghẹt mũi
Nghẹt mũi là tình trạng xuất hiện một lượng chất nhầy ngăn cản sự lưu thông của không khí khiến người bệnh không thể thở bình thường. Việc bấm huyệt đạo trên cơ thể, cụ thể trên mặt, cổ và tay có thể kích thích lưu lượng máu và giảm áp lực, giúp bạn thở dễ dàng hơn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Điều dưỡng Lâm sàng, bấm huyệt là phương pháp điều trị nghẹt mũi an toàn và hiệu quả, làm giảm các triệu chứng như nghẹt mũi và hắt hơi.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 trên 25 người bị viêm mũi dị ứng cho thấy những người thực hiện bấm huyệt tay trong 30 phút mỗi ngày đã cải thiện các triệu chứng của họ, chẳng hạn như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, … Họ cũng cần dùng ít thuốc hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn một số hạn chế.
Bấm huyệt là phương pháp điều trị nghẹt mũi an toàn và hiệu quả (Ảnh: Internet)
2. 5 điểm bấm huyệt giúp thông mũi
2.1. Huyệt nghinh hương
Huyệt Nghinh Hương còn được gọi là huyệt Nghênh Hương, Xung Dương. Đây là huyệt thứ 20 của kinh Đại Trường và kinh Vị. Huyệt này nằm ở trên mặt, vị trí ở hai bên cánh mũi, cách cánh mũi khoảng 0,8cm.
Theo Y học cổ truyền, huyệt đạo này giúp làm thông mũi và phổi bằng cách cải thiện lưu thông máu trong khu vực.
Cách bấm huyệt nghinh hương để giảm nghẹt mũi rất đơn giản, bạn chỉ cần xác định đúng vị trí của huyệt đạo, sau đó dùng tay day ấn trực tiếp vào huyệt này. Ngoài ra, mọi người cũng có thể sử dụng ngải cứu hơ nóng và đắp lên huyệt nghinh hương, phương pháp này thường được áp dụng để giúp thông mũi cho những người bị viêm xoang.
Tuy nhiên, khi hơ ngải cứu đắp lên huyệt đạo này thì mọi người nên lưu ý không hơ quá nóng, tránh làm bỏng da.
Video đang HOT
Huyệt nghinh hương vị trí ở hai bên cánh mũi (Ảnh: Internet)
2.2. Huyệt ấn đường
Huyệt ấn đường thường được gọi là điểm mắt thứ ba vì nó nằm giữa lông mày, chính giữa thẳng sống mũi lên.
Huyệt ấn đường có tác dụng giảm nghẹt mũi do viêm xoang, viêm mũi dị ứng,… Đây cũng là một điểm tuyệt vời để massage giảm đau đầu và giảm áp lực xoang.
Khi bị nghẹt mũi, bạn có thể xác định huyệt ấn đường, sau đó massage theo chuyển động tròn nhỏ vào huyệt này. Tuy nhiên, khi thực hiện nên lưu ý, áp lực lên huyệt này phải nhẹ nhàng, chuyển động nhỏ và không quá nhanh để đạt được hiệu quả.
Huyệt ấn đường nằm giữa lông mày, chính giữa thẳng sống mũi lên (Ảnh: Internet)
2.3. Huyệt hợp cốc
Huyệt hợp cốc nằm ở mu bàn tay, giữa ngón cái và ngón trỏ, hơi lệch về phía với ngón trỏ, trên đường giữa đi qua xương bàn ngón thứ hai.
Theo Y học cổ truyền, bấm huyệt vào điểm này sẽ trục xuất Khí, bao gồm các tình trạng như dị ứng mũi và cảm lạnh, đồng thời có thể hỗ trợ cải thiện chức năng hô hấp. Hơn nữa, huyệt đạo này được kết nối với ruột già và có thể giúp làm dịu cơn đau đầu và đau mặt do các vấn đề về xoang.
Cách bấm huyệt hợp cốc để thông mũi cũng tương đối đơn giản. Đầu tiên, bạn đặt ngón tay cái của tay kia lên huyệt đạo này. Sau đó đặt ngón trỏ của bàn tay đó lên lòng bàn tay, gần giống như bạn đang véo vào đầu ngón tay và thực hiện massage theo chuyển động tròn ở điểm huyệt hợp cốc. Để massage có hiệu quả, hãy xoa bóp huyệt cho đến khi cảm thấy đau nhức hoặc tê.
Huyệt hợp cốc nằm giữa ngón cái và ngón trỏ (Ảnh: Internet)
2.4. Huyệt phong trì
Huyệt phong trì là huyệt đạo thứ 20 của nhóm Kinh Đởm và hội với mạch Dương Duy. Vị trí của huyệt phong trì nằm ở sau đầu, chỗ lõm ở chân tóc, phía sau tai, nơi bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.
Đây là điểm bấm huyệt có thể giảm đau đầu cũng như làm giảm các triệu chứng hô hấp, bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi.
Khi xác định được huyệt phong trì, các bạn chỉ cần day huyệt và massage. Không chỉ thông mũi mà những người bị rối loạn tiền đình, đau dây thần kinh chẩm cũng sẽ cảm thấy dễ chịu khi bấm huyệt này. Lưu ý, khi day huyệt phong trì, nên dùng lực vừa phải và xoay đều theo chiều kim đồng hồ trong thời gian từ 2 – 3 phút để tạo cảm giác căng tức tại chỗ.
Huyệt phong trì nằm ở sau đầu, chỗ lõm ở chân tóc, phía sau tai (Ảnh: Internet)
2.5. Huyệt khúc trì
Huyệt khúc trì nằm ở đâu? Huyệt đạo này nằm ở phần cuối của nếp gấp khuỷu tay. Để xác định huyệt khúc trì, đầu tiên bạn uốn cong khuỷu tay, sau đó bạn sẽ nhìn thấy nếp gấp và huyệt này nằm ở mép ngoài của nếp gấp đó.
Đôi khi sổ mũi, nghẹt mũi bắt nguồn từ các tình trạng liên quan đến Nhiệt. Trong những trường hợp như vậy, xoa bóp huyệt khúc trì rất hữu ích vì nó giúp loại bỏ Nhiệt dư thừa. Điều này là do khả năng điều chỉnh phản ứng miễn dịch cũng như tác dụng chống viêm của huyệt đạo này.
Cách bấm huyệt khúc trì để giảm nghẹt mũi được thực hiện bằng cách: xác định huyệt đạo sau đó nhấn mạnh vào điểm đó và massage trong vài phút.
Huyệt khúc trì nằm ở phần cuối của nếp gấp khuỷu tay (Ảnh: Internet)
3. Một số lưu ý khi bấm huyệt
Nhìn chung, bấm huyệt tương đối an toàn. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này mọi người vẫn nên lưu ý:
- Phụ nữ đang mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện bấm huyệt. Nghiên cứu hạn chế cho thấy rằng bấm huyệt có thể gây ra những thay đổi ở cổ tử cung trước khi chuyển dạ.
- Khi xoa ấn huyệt đạo nên sử dụng lực vừa đủ, không quá nhẹ cũng không quá mạnh.
- Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, đổ mồ hôi, đau nhức đầu, tim đập nhanh, … thì cần dừng thao tác bấm huyệt lại và nghỉ ngơi tại chỗ.
Trên đây là những thông tin về cách bấm huyệt giúp thông mũi, hữu ích cho những người bị sổ mũi, nghẹt mũi. Ngoài cách bấm huyệt, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà khác như uống nước ấm, xông hơi, sử dụng máy tạo độ ẩm,… Để điều trị triệt để tình trạng nghẹt mũi, bạn có thể cần sử dụng thuốc, điều này tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh.
Đau thần kinh toạ ở người trẻ do đâu và cách khắc phục
Nhiều người cho rằng đau thần kinh tọa hay gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên trên thực tế đau thần kinh tọa đang có xu hướng phổ biến hơn ở người trẻ.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi
Đau thần kinh tọa là tình trạng dây thần kinh bị chèn ép, gây đau vùng thắt lưng mạn tính, sau đó lan dần xuống chân theo đường đi dây thần kinh tọa. Bệnh có thể đi kèm các rối loạn cảm giác, tê bì hoặc teo cơ.
Đau thần kinh tọa thường gặp ở người trong độ tuổi 30 - 50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng phổ biến dần ở nhóm người trẻ tuổi.
Các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở người trẻ có nhiều trong đó có tình trạng lao động nặng, bị chấn thương, ngồi - nằm không đúng tư thế,...
Theo ghi nhận, một số bệnh như thấp tim, thương hàn, thoát vị đĩa đệm cấp tính sau các động tác gắng sức không đúng tư thế của cột sống (cúi xuống nâng vật nặng sai tư thế hoặc cử động đột ngột phần thân) gây đau thắt lưng hông cấp tính.
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở người trẻ có nhiều, trong đó có tình trạng lao động nặng.
Ngoài ra, một số người trẻ có nghề nghiệp liên quan như: bốc vác, nghệ sĩ xiếc, vận động viên cử tạ,... thường xuyên phải lao động nặng, tác động nhiều lên vùng lưng - hông dễ dẫn đến đau thần kinh tọa.
Các chấn thương trực tiếp vào dây thần kinh tọa như: gãy xương chậu, gãy xương cột sống thắt lưng, phẫu thuật áp xe mông, tiêm trực tiếp vào dây thần kinh tọa hoặc tiêm thuốc dạng dầu ở mông lan tới dây thần kinh tọa... Hoặc do các khối u hay các bệnh liên quan đến khớp vùng thắt lưng, phụ nữ mang thai,... cũng có thể mắc đau thần kinh tọa.
Biểu hiện đau thần kinh tọa ở người trẻ
Cũng giống như đau thần kinh tọa ở người già, người trẻ khi mắc bệnh này sẽ có biểu hiện đau lưng giữa hoặc lệch 1 bên, đau nhiều hơn khi cúi người hoặc ho, hắt hơi;
Đau lan từ lưng xuống, lệch sang một bên mông, xuống đùi, khoeo chân, gót chân hoặc lan ngược lại từ gót chân lên lưng.
Người bệnh có thể bị teo cơ bên chân đau; Cột sống bị cứng, đau khi nghiêng người; Ngày càng khó trở mình, cúi người xuống.
Đau thần kinh tọa cần làm gì?
Tùy thuộc vào mức độ đau, lứa tuổi, bệnh cảnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Một số lựa chọn điều trị gồm: Nghỉ ngơi tuyệt đối nếu bị đau dây thần kinh tọa nặng, nên nằm giường cứng (tránh nằm võng hoặc ngồi ghế xích đu), tránh vận động mạnh hoặc tác động mạnh lên vùng thắt lưng - hông như chạy nhảy, xoay người đột ngột, cúi gập người;
Khi có dấu hiệu bất thường cảnh báo đau dây thần kinh tọa, người bệnh nên đi thăm khám ngay để phát hiện bệnh và điều trị sớm.
Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, tác động cơ học để điều trị bệnh bằng cách nắn cột sống, kéo giãn cột sống, bấm huyệt, châm cứu dùng tia hồng ngoại, thể dục trị liệu, đắp sáp nến,...
Một số trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thuốc giãn cơ, thuốc an thần, vitamin nhóm B liều cao hoặc dùng kháng sinh trong trường hợp bị đau thần kinh tọa do nhiễm trùng; Phẫu thuật trong một số trường hợp theo chỉ định của bác sĩ. Có thể phẫu thuật hở hoặc sử dụng tia laser.
Để phòng ngừa đau thần kinh tọa ở người trẻ cần chú ý tới tư thế làm việc không ngồi cong lưng liên tục trong thời gian dài; Khi cần đứng lên nên đứng một cách từ từ để cột sống không bị thay đổi tư thế đột ngột.
Cần thường xuyên vận động, tập luyện thể thao để giúp xương khớp được dẻo dai, chắc khỏe. Các khóa học yoga hoặc bơi lội rất tốt với những người có đặc thù công việc là ngồi nhiều hoặc lao động nặng;
Tập luyện cải thiện sức khỏe cột sống nếu làm việc ngồi nhiều trong văn phòng thỉnh thoảng đứng lên đi lại, chống 2 tay lên mép bàn, nâng người 2 - 3 phút để rèn luyện sức khỏe; Không mang, vác vật nặng quá sức.
Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, không ăn thực phẩm chế biến sẵn (có nhiều dầu mỡ và chất bảo quản) mà nên ăn thực phẩm tươi sống, rau quả, các loại ngũ cốc. Đồng thời, nên uống nhiều nước lọc và nước trái cây mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, tăng cường sức đề kháng.
Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường cảnh báo đau dây thần kinh tọa, người bệnh nên đi thăm khám ngay để phát hiện bệnh và điều trị sớm, tránh được nguy cơ biến chứng sau này.
TP.HCM: Bệnh hô hấp bùng phát, bệnh viện quá tải, bệnh nhân nằm la liệt hành lang Những chiếc võng, giường xếp, chiếu... giăng trải khắp các góc cầu thang, hành lang như "thiên la địa võng" đang là hình ảnh tại một số khoa hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Giường chật nhưng nằm chung 2 cháu/giường Hiện nay, các bệnh lý về đường hô hấp đang bước vào đợt cao điểm, số lượng bệnh nhi...