2021 là năm thách thức với Xiaomi
Việc bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có tác động trực tiếp, nhưng vẫn có thể gây ra nhiều khó khăn cho Xiaomi trong năm nay.
Ngày 14/1, Bộ Quốc phòng Mỹ 9 công ty vào danh sách những doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Trung Quốc . Trong số 9 công ty này có Xiaomi , công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc.
Theo Reuters , bị đưa vào danh sách đen đồng nghĩa với việc “Hạt gạo nhỏ” bị cấm giao dịch và nhận vốn đầu tư từ đối tác Mỹ. Lệnh cấm yêu cầu các nhà đầu tư phải rút toàn bộ vốn khỏi Xiaomi trước ngày 11/11.
Sau khi Xiaomi bị đưa vào danh sách đen , các nhà đầu tư Mỹ sẽ không được mua cổ phiếu của công ty này.
Tuy nhiên, tác động của hành động này được đánh giá là sẽ không tới ngay lập tức như khi Huawei bị đưa vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ. Vào tháng 5/2019, ngay sau khi bị thêm vào danh sách, Huawei đã bị nhiều đối tác quay lưng. Tới nay, họ vẫn không được Google cấp phép sử dụng gói dịch vụ Google trên smartphone.
“Xiaomi không bị đưa vào ‘ danh sách đen ’ để hạn chế về mặt linh kiện, do vậy chuỗi cung ứng cho smartphone và các thiết bị của họ sẽ không bị ảnh hưởng ngay”, ông Neil Mawston, Giám đốc hãng phân tích Strategy Analytics chia sẻ với Zing.
Xiaomi có phải Huawei thứ hai?
Việc Xiaomi bị đưa vào danh sách có liên hệ với quân đội Trung Quốc khiến nhiều nhà phân tích bất ngờ. Khác với Huawei , công ty cũng nằm trong “danh sách đen” của Bộ Quốc phòng Mỹ từ trước, Xiaomi được coi như công ty thuần túy về công nghệ và ít có liên quan tới chính quyền.
“Công ty có thể xác nhận rằng chúng tôi không được sở hữu, kiểm soát hoặc có liên quan tới quân đội Trung Quốc”, Xiaomi phản hồi ngay sau khi bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Việc một công ty được coi là thuần công nghệ như Xiaomi bị đưa vào danh sách gây bất ngờ.
“Một khi đã có ý định thì sẽ luôn tìm được lý do”, bà Linda Sui, Giám đốc nghiên cứu mảng smartphone tại Strategy Analytics chia sẻ với South China Morning Post . Bà Sui cho rằng Xiaomi hoàn toàn tập trung vào các sản phẩm công nghệ, chứ không mở rộng ra những lĩnh vực quan trọng như Huawei với 5G.
“Tôi không nghĩ rằng Xiaomi sẽ bị coi là công ty có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Dù sao họ cũng chưa bị liệt vào danh sách thực thể”, Kevin Chen, nhà phân tích tại China Merchant Securities nói với WSJ .
Xiaomi được Lei Jun và nhiều đồng sự khác sáng lập vào năm 2010. Lei Jun khi đó đã là một tỷ phú, sau khi đưa công ty Kingsoft lên sàn chứng khoán. Theo Bloomberg , Qualcommm là một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Xiaomi.
Vào quý III/2020, Xiaomi đã vượt qua Apple về lượng smartphone bán ra trên toàn cầu, theo số liệu của IDC.
Chuyện gì sẽ xảy ra với Xiaomi?
Hiện tại, việc bị đưa vào danh sách đen đồng nghĩa các nhà đầu tư Mỹ sẽ bị hạn chế giao dịch và phải rút vốn khỏi Xiaomi trước tháng 11 năm nay. Theo thông tin của Bloomberg , các nhà dầu tư Mỹ chiếm khoảng 15% cổ phần Xiaomi, bao gồm các công ty như BlackRock, Vanguard Group và State Street Corp.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là liệu công ty này có chịu chung số phận với Huawei, khi bị cô lập khỏi chuỗi cung ứng công nghệ Mỹ.
“Nguy cơ Xiaomi bị đưa vào danh sách thực thể là khá cao. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc tìm kiếm linh kiện để làm smartphone”, Edison Lee, nhà phân tích tại Jefferies chia sẻ.
Mặc dù thị trường Bắc Mỹ chỉ chiếm chưa đầy 0,1% lượng smartphone bán ra của Xiaomi trong 9 tháng đầu năm 2020, theo số liệu của IDC, công ty này lại phụ thuộc vào nguồn cung chip từ Qualcomm, nhà phát triển chip của Mỹ. Do vậy, Xiaomi sẽ gặp khó khăn nếu như chuỗi cung ứng từ Mỹ có vấn đề.
Tài sản của tỷ phú Lei Jun đã giảm gần 3 tỷ USD sau những thông tin bất lợi.
“Huawei là một trường hợp đặc biệt khi bị cấm vận mua chip từ Mỹ. Nếu như có một trường hợp tương tự như vậy thì sẽ rất đáng lo ngại. Nếu Xiaomi bị đưa vào danh sách thực thể, điều đó có nghĩa là bất kỳ công ty Trung Quốc nào cũng có thể vào danh sách”, bà Nicole Peng, Phó chủ tịch mảng di động của công ty phân tích thị trường Canalys nhận xét.
“Nhiều công ty sẽ phải hoạt động dưới điều kiện bất định của mối quan hệ Mỹ – Trung”, bà Nicole Peng nói thêm.
Thậm chí kể cả khi không bị đưa vào danh sách thực thể, Xiaomi cũng có thể gặp khó.
“Thách thức lớn nhất của Xiaomi hiện nay là các cơ quan Mỹ đang soi xét kỹ hơn họ dưới góc độ tài chính và một số hoạt động khác. Điều đó có thể khiến các ngân hàng, nhà cung ứng và bán lẻ trên toàn cầu phải cân nhắc nếu hợp tác với Xiaomi từ nửa sau năm 2021 trở đi. Xiaomi sẽ có một năm khó khăn phía trước”, ông Neil Mawston giải thích kỹ hơn trong email gửi Zing .
Sau thông tin bất lợi, giá cổ phiếu của Xiaomi đã giảm 10% trong ngày 15/1, khiến tài sản của Lei Jun bay hơi gần 3 tỷ USD. Tài sản của ông Lin Bin, phó chủ tịch công ty, cũng sụt 1,5 tỷ USD. Tài sản của ít nhất 5 cổ đông tỷ phú khác cũng lao dốc.
Nhiều nhà phân tích tin rằng đây sẽ chỉ là khó khăn trong ngắn hạn của Xiaomi và nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ sẽ có cuộc chuyển giao quyền lực trong vài ngày tới.
“Hạn chế công ty Trung Quốc không phải là ưu tiên của chính quyền Biden. Những lệnh cấm này sẽ được đảo ngược trước tháng 11, nên chúng tôi sẽ giữ cổ phiếu, thậm chí mua thêm vào thời điểm giá tốt”, Vanessa Martinez, nhà phân tích tại Lerner Group nói với Bloomberg .
“Chỉ trong 5 ngày nữa, Mỹ sẽ có một chính quyền mới, và cách họ tiếp tục hoặc loại bỏ những sắc lệnh của ông Trump, cũng như cách đối xử với Trung Quốc vẫn còn chưa rõ ràng”, Matthew Kanterman, nhà nghiên cứu tại Bloomberg Intelligence nhận định.
Mới hôm trước còn chế nhạo Apple, nay cả làng Android lại chạy theo trào lưu bỏ củ sạc
Khi Apple ra mắt series iPhone 12 vào giữa tháng 10, họ một mặt bị người tiêu dùng chỉ trích nặng nề, mặt khác bị các hãng đối thủ thừa nước đục thả câu ra sức chế nhạo trên mạng xã hội.
Apple giải thích lý do của việc loại bỏ củ sạc (và cả tai nghe) trong hộp iPhone 12 là nhằm thực hiện cam kết giảm thiểu khí thải carbon trong khâu sản xuất, bảo vệ môi trường, đồng thời giảm chi phí vận chuyển sản phẩm.
Nhưng các đối thủ của Apple đâu quan tâm đến điều đó. Thứ họ nhắm vào đơn giản chỉ là " Apple không bán kèm củ sạc ".
Ngay sau sự kiện iPhone 12, tài khoản Facebook của Samsung đã đăng ngay hình ảnh một củ sạc với tiêu đề "Bán kèm điện thoại Galaxy của bạn" và nội dung: " Chiếc #Galaxy của bạn mang đến thứ bạn đang tìm kiếm. Từ thứ cơ bản nhất như củ sạc, đến camera tốt nhất, pin, hiệu năng, bộ nhớ, và thậm chí là màn hình 120Hz, trên một chiếc smartphone ".
Samsung và Xiaomi chế nhạo việc Apple loại bỏ củ sạc trên iPhone 12
Tiếp theo là Xiaomi: hãng smartphone Trung Quốc cũng đăng tải một đoạn video ngắn miêu tả quá trình mở hộp chiếc Mi 10T Pro, và thứ đầu tiên lộ diện chính là một củ sạc. Tiêu đề đi kèm với đoạn video này là: " Đừng lo, chúng tôi không loại bỏ thứ gì khỏi hộp Mi 10T Pro đâu ".
Cười người hôm trước, hôm sau lặng lẽ bắt chước. Gần đây, người ta bỗng phát hiện ra bài viết chế nhạo Apple của Samsung đã bị xoá hoặc ẩn đi, không lâu sau khi xuất hiện nhiều tin đồn cho biết chiếc Galaxy S21 mà hãng dự định ra mắt trong tháng 1 tới đây cũng sẽ không đi kèm củ sạc. Trên thực tế, thông tin Samsung bỏ củ sạc theo máy đã xuất hiện từ hồi tháng 7, một thời gian ngắn sau khi nhiều nguồn tin tiết lộ Apple sẽ không bán kèm củ sạc với series iPhone 12 nữa.
Xiaomi thì sao? Đúng theo "truyền thống", họ nhanh chóng... học theo Apple. Hình ảnh mới nhất được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy hộp của mẫu flagship Mi 11 sắp tới mỏng chẳng kém gì hộp iPhone 12. Cứ ngỡ chỉ là ảnh photoshop, thì CEO Xiaomi Lei Jun lập tức đăng đàn chính thức xác nhận việc hãng loại bỏ củ sạc trên Mi 11.
Về phần Huawei, hãng mà có lẽ nếu không dính lệnh cấm vận cũng sẽ khiến Apple phải lo nơm nớp, thì âm thầm thực hiện một cuộc khảo sát nhằm lấy ý kiến người tiêu dùng về việc cáp sạc Type-C bán kèm với tai nghe không dây có là điều cần thiết hay không? Huawei cũng hỏi liệu bỏ cáp sạc có khiến người dùng thay đổi quyết định khi chọn sản phẩm hay không? Và nếu bỏ cáp sạc để giảm giá bán sản phẩm, người tiêu dùng liệu có chấp nhận? Có thể thấy, động thái này của Huawei là dấu hiệu chứng tỏ hãng công nghệ Trung Quốc đang dự định đi theo con đường mà Apple đã vạch ra, và bài khảo sát nêu trên giống như đang chuẩn bị tinh thần cho người dùng của mình trước những thay đổi sắp tới.
Xét cho cùng, quyết định táo bạo của Apple dù không được lòng người tiêu dùng, nhưng lại được đánh giá cao bởi các chuyên gia trong ngành công nghiệp. Tạm bỏ qua những thứ như "bảo vệ môi trường" hay "tiết kiệm chi phí", củ sạc "zin" đi kèm trong hộp các smartphone trong vài năm gần đây hầu như chỉ mang tính trang trí và là một yếu tố giúp thiết bị được giá hơn khi sang tên đổi chủ. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sắm thêm những củ sạc bên thứ ba, vốn tích hợp nhiều công nghệ sạc nhanh và trên hết là có tính tiện lợi cực cao khi hỗ trợ sạc nhiều thiết bị cùng lúc. Có lẽ Apple và các nhà sản xuất smartphone Android cũng đã phần nào nắm bắt được điều này.
Thị trường smartphone hiện nay như một vòng luẩn quẩn, và lịch sử đang lặp lại. Từ câu chuyện jack headphone 3.5mm, đến tai nghe có dây, và nay là củ sạc, nếu có thể rút ra được điều gì thì đó là: đừng sớm chế nhạo Apple nữa, khi mà trước sau gì bạn cũng học theo họ thôi!
Tham vọng của Xiaomi Xiaomi coi mình là công ty khởi nghiệp về Internet, không phải công ty sản xuất smartphone bởi tham vọng thực sự của họ là hệ sinh thái xoay quanh các thiết bị IoT. Năm 2020, Xiaomi tròn 10 tuổi. Trong lần sinh nhật hồi tháng 4, CEO Lei Jun nói rằng đã đến lúc hãng "trút bỏ gánh nặng của quá khứ...