- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

2019 rồi, đừng ‘ăn mày quá khứ’ nữa!

On 01/01/2019 @ 6:19 AM In Nhạc Việt

Quá khứ dù tốt đẹp đến mấy cũng đừng để nó lặp lại 2 lần, bởi với nghệ thuật, đó chính là 'cái chết' của sự sáng tạo.

Lưu luyến quá khứ - điểm yếu chết người của Vpop hiện nay

Đầu tháng 1/2018, Vpop bỗng chốc náo loạn bởi ca khúc đầu tay "Người lạ ơi" của cô ca sĩ trẻ có nghệ danh khá lạ - Orange. Ngoài giọng hát đặc biệt, sáng tác của Châu Đăng Khoa còn sở hữu phần điệp khúc tạo trend với mô tuýp: "Người lạ ơi, cho tôi mượn...", cùng với đó là đề tài khá mới mẻ "người lạ" giữa thời điểm làng nhạc Việt đã quá nhàm chán với thứ tình yêu chia cách đơn thuần. Cứ thế, Orange từ một nhân vật vô danh trở thành "tân binh" được săn lùng nhất Vbiz, thậm chí, chỉ chưa đầy 1 năm sau đó, học trò cũ Hồ Ngọc Hà đã được vinh danh tại MAMA 2018.

"Người lạ ơi" là bản hit đình đám nhất của không chỉ Orange mà còn của Vpop 2018

Trong số những tân binh của Vpop 2018, Orange được đánh giá cao hơn cả. Vì thế, các sản phẩm sau "Người lạ ơi" của cô cũng được kì vọng hơn mức thông thường. Thế nhưng, từ "Người lạ ơi" phiên bản không rap, "Vô thường", đặc biệt là "Tình nhân ơi" - MV mới phát hành cách đây 1 tuần dường như không tạo được hiệu ứng như bản hit đầu tay dẫu vẫn sở hữu công thức quen thuộc: rap kết hợp hát đoạn điệp khúc bắt tai.

"Tình nhân ơi" được mong chờ nhưng không có được hiệu ứng như các fan của Orange kì vọng

Nhìn chung, "Tình nhân ơi" vẫn rất dễ nghe và giọng của Orange vẫn rất ấn tượng, tuy nhiên, từ chủ đề, tiêu đề lẫn giai điệu và cách bố cục trong ca khúc này đều khiến khán giả liên tưởng đến "Người lạ ơi". Chỉ vậy thôi đã đủ thấy, "Tình nhân ơi" lép vế hơn so với "Người lạ ơi" và nếu Châu Đăng Khoa còn định áp dụng công thức tạo hit này cho Orange, thất bại là điều đã được dự đoán trước.

Tương tự Orange, Osad cũng đang đi theo lối mòn của chùm ca khúc "thả thính" bởi "Người âm phủ" dù đánh trúng tâm lý giới trẻ đến mấy cũng chỉ nên dừng lại ở đó, chứ đừng ôm tham vọng có thêm "Người âm phủ" 1, "Người âm phủ" 2 dưới cái tên "Củ lạc", "Em có thể". Âu cũng là do, các sáng tác của Osad thời gian gần đây đều na ná nhau ở giai điệu đơn giản, gần gũi cùng với đó là cách rap như đọc thơ, ngâm thơ. Nghe lần 1 thấy lạ, lần 2 thấy vui nhưng đến lần 3, lần 4 thì bắt đầu nhàm chán. "Em có thể" được đầu tư MV hoàn chỉnh nhưng thất thế cũng vì nguyên nhân đó.

"Em có thể" của Osad hiện vẫn chưa thể vượt qua cái bóng từ "Người âm phủ"

Trường hợp khác có thể kể đến Châu Khải Phong với "Ngắm hoa lệ rơi". Chính xác, đây là một bài hát cũ đã được nam ca sĩ hội chợ cho phát hành từ năm 2017 nhưng đến năm 2018 bất ngờ nổi trở lại nhờ "hiện tượng mạng" Hoa Vinh. Nắm bắt cơ hội, anh cho ra mắt phiên bản lyric chỉn chu hơn và nhanh chóng thu về 100 triệu lượt xem chỉ sau 3 tháng. Vấn đề nằm ở chỗ, Châu Khải Phong lại không hài lòng với thành tích này của "con cưng". Anh quyết định thực hiện phim ca nhạc cùng tên đúng 1 tháng sau đó nhưng chỉ thu về có hơn 1 triệu view - 6 tháng có mặt trên Youtube. Nhìn vào sự chênh lệch ở lượng người xem giữa 2 sản phẩm cùng tên, cùng một ca sĩ đã thấy, hit dù có nổi đình nổi đám đến mấy cũng chỉ nên có nhiều nhất là 2 phiên bản, đến cái thứ 3 vừa tốn kém chi phí mà sức hút từ khán giả đã giảm nhiệt đi nhiều.

Đầu tư đến 3 phiên bản cho "Ngắm hoa lệ rơi" nhưng Châu Khải Phong chỉ thành công với 1 MV lyric

Mỗi nhạc sĩ/ca sĩ có một công thức tạo hit riêng nhưng đừng lặp lại nó nhiều lần

Nhận xét về "Người lạ ơi", "Người âm phủ" hay "Ngắm hoa lệ rơi", hầu hết công chúng đều công nhận thành công của những bản hit này nằm ở yếu tố mới lạ. ("Người lạ ơi" khai thác chủ đề "người lạ" rất hiếm mới thấy ở làng nhạc Việt, "Người âm phủ" tạo điểm nhấn nhờ ca từ trẻ trung, đậm màu "thả thính" còn "Ngắm hoa lệ rơi" lại mang hơi hướng của một bài hát nhạc Hoa). Mà MỚI thì chỉ đúng ở lần đầu, những lần sau còn lặp lại thì dù có mới cũng đã thành thói quen, quen mãi sẽ bị quy chụp là thiếu sáng tạo. Quy luật này, những người làm nghệ thuật hiểu rất rõ.

Ở trường hợp của Orange, cô có ý thức trong việc trau dồi kĩ năng thanh nhạc bởi chưa lần nào khán giả thất vọng với phần live của học trò cũ Hồ Ngọc Hà nhưng tại sao, Orange không solo hoàn toàn mà luôn phải nhờ cậy vào sự kết hợp với một rapper đã có chỗ đứng? Tại sao Châu Đăng Khoa không hướng "đàn em" đến một thể loại khác mà luôn đóng khung ở ballad buồn bã? Và tại sao, Orange không thử bắt tay với một nhạc sĩ khác ngoài Châu Đăng Khoa để làm mới mình, trong khi cô có thừa năng lực.

2019 rồi, đừng ăn mày quá khứ nữa! - Hình 1

Khán giả cần ở Orange nhiều hơn việc chỉ đi theo lối mòn: ca khúc hát kết hợp rap

Với Osad, anh có lợi thế riêng là những ca khúc "thả thính", tuy nhiên, "thả thính" quá nhiều sẽ phản tác dụng. Hơn nữa, các sáng tác sau này của Osad dường như không thể vượt qua được cái bóng quá lớn từ "Người âm phủ" nên dù có nỗ lực đến mấy, anh vẫn có nguy cơ bị xếp vào hàng "one hit wonder".

"Ăn mày quá khứ" chính là bóp chết sáng tạo trong nghệ thuật

"Nghệ thuật là sáng tạo", lặp lại chính mình sớm muộn cũng hại chết sự sáng tạo. Ở một khía cạnh nào đó, "ăn mày quá khứ" được hiểu theo cách: người làm nghệ thuật đang cạn kiệt ý tưởng, phải bám víu vào quá khứ huy hoàng để hy vọng ăn may nhưng cũng có người dùng nó để ngụy biện, đó là phong cách riêng, cá tính riêng không hề trộn lẫn của một nhạc sĩ/ca sĩ.

Phong cách riêng hay là bám víu vào quá khứ, hãy nhìn vào Sơn Tùng M-TP và cú đột phá mang tên "Chạy ngay đi". Nhiều antifan cho rằng, đây là bước thụt lùi của "hoàng tử mưa" bởi so với "Nơi này có anh" hay "Lạc trôi", thành tích của "Chạy ngay đi" không "khủng" như kì vọng. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm, điển hình là Phạm Quỳnh Anh, Sơn Tùng chỉ không muốn lặp lại chính mình nên đang thử sức ở dòng nhạc mới, ê-kíp mới, có thể không hot như giai đoạn đầu nhưng chắc chắn không bị "một màu". Nhìn nhận một cách sâu xa hơn, Tùng chưa bao giờ chịu gò bó ở một thể loại nhưng không có nghĩa là cậu không có một hình tượng nhất quán. Dù thất tình hay đang hạnh phúc trong tình yêu, người ta vẫn thấy ở Tùng cái "ngông" của một tác giả trẻ, cái ngầu của một chàng trai vừa bước sang tuổi 24, cùng với đó là cái lạnh lùng của nam ca sĩ sống khép kín.

"Chạy ngay đi" được coi là sự thử nghiệm ở một thể loại mới của Sơn Tùng M-TP. Với cậu, được công nhận ở sự sáng tạo thế là đủ

Ngoài Sơn Tùng M-TP, Vpop cũng không thiếu trường hợp đa màu nhưng không hỗn loạn phong cách, điển hình như Noo Phước Thịnh, Hương Tràm, Tóc Tiên,... (thế hệ ca sĩ trẻ). Họ có nhiều hit là bởi biết nắm bắt xu hướng phát triển của làng nhạc thế giới, dám thử sức ở nhiều khía cạnh mới, đặc biệt là không bao giờ hài lòng hay "ngủ quên" trên chiến thắng trong quá khứ. Nói vậy không hẳn là đang phủ nhận tất cả nỗ lực của Orange hay Osad nhưng điều quan trọng mà khán giả trông đợi ở họ là sự sáng tạo vượt trên những thành công đã có, chứ không phải lặp đi lặp lại một công thức tạo hit của "Người lạ ơi" hay "Người âm phủ".

Theo tin nhac


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/2019-roi-dung-an-may-qua-khu-nua-20190101i3678204/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.