11/11 – ván bài lớn của các sàn thương mại điện tử
Cuối năm là dịp các sàn TMĐT chạy đua nước rút để kích cầu tiêu dùng . Nếu Mỹ rộn ràng với Black Friday hay Cyber Monday thì tại châu Á, nhiều ông lớn TMĐT dồn toàn lực cho 11/11.
11/11 là sự kiện giảm giá lớn nhất năm do Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) khởi xướng. Kể từ 2009 – năm đầu tiên tổ chức với vỏn vẹn 27 thương hiệu tham gia, tới 2019, con số này đã tăng lên 200.000 thương hiệu, với giá trị hàng hóa vượt ngưỡng 30 tỷ USD.
Tăng trưởng nhanh qua các năm, 11/11 đang chứng tỏ mình là miếng bánh ngon đáng để các sàn TMĐT dành toàn lực đầu tư.
Đầu tư về tiền
Riêng 11/11 năm ngoái, doanh thu Alibaba đạt 38,3 tỷ USD, tăng 26% so với 2018. Đáng chú ý, ông lớn này chỉ mất 96 giây để đạt cột mốc doanh thu 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD), trong khi năm 2018 phải mất tới 125 giây.
Không chỉ giới hạn tại Trung Quốc, sức nóng 11/11 đã lan rộng sang các nước Đông Nam Á. Nhìn rõ doanh thu khủng mà 11/11 mang lại tại Trung Quốc, các sàn TMĐT ở Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội.
Là một thành viên của Alibaba , Lazada là nền tảng tiên phong khởi xướng lễ hội 11/11 tại Việt Nam từ 2012, tạo thành cuộc đua đầu tư tiền bạc, công nghệ của các ông lớn TMĐT khác.
Những dịp lễ hội mua sắm lớn là cơ hội tăng trưởng hiệu quả không chỉ của các sàn TMĐT mà còn của các nhà bán hàng.
Năm nay, độ chịu chơi của Lazada thể hiện ở ngân sách 22 tỷ cho các mã voucher giảm giá. Đại diện sàn này cho biết, con số này tăng gấp 150% so với dịp 11/11/2019. Rục rịch từ đầu tháng 11, Lazada tung ra hơn 1 triệu voucher mỗi ngày, trong đó voucher lớn nhất trị giá 1,1 triệu được tung nhiều lượt trong ngày.
Đây cũng là cách thức khuyến mãi của nhiều sàn TMĐT lớn khác. Tựu trung lại, các sàn đều đưa ra chương trình tặng voucher, giảm giá theo giờ (flash sales), freeship , hoàn tiền khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, hoặc chơi game nhận quà…
Đầu tư công nghệ giải trí
Trong bối cảnh Đông Nam Á đang bước vào kỷ nguyên shoppertainment ( mua sắm kết hợp giải trí) như khẳng định từ iPrice, để thu hút và giữ chân khách hàng, các sàn TMĐT không đơn thuần là nơi bán hàng, mà cần trở thành ứng dụng giải trí với kho trò chơi phong phú.
Trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí ngày càng được người dùng TMĐT yêu thích.
Nếu với các kênh mua sắm truyền thống, doanh nghiệp giữ chân khách bằng điểm thưởng thì với sàn TMĐT, các trò chơi tương tác mang tính giải trí cao chính là hấp lực. Đó là lý do những năm gần đây, nhiều sàn TMĐT coi 11/11 là dịp thiên thời địa lợi để đầu tư và phô diễn các công nghệ, tính năng giải trí tích hợp trên app. Ngày 11/11 nhờ đó cũng trở thành dịp tái định nghĩa trải nghiệm bán lẻ, với nhiều điểm mới trong tính năng shoppertainment .
Với hình thức này, người dùng có nhiều cách thú vị để nhận ưu đãi, thu thập voucher qua minigame , livestream … trên nền tảng TMĐT. Tất cả tạo ra một không khí tưng bừng đúng chất lễ hội, cũng như mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng TMĐT.
Nhiều sàn TMĐT coi 11/11 là dịp thiên thời địa lợi để phô diễn các công nghệ, tính năng giải trí tích hợp.
Không đơn giản là giải trí, có thể coi shoppertainment là cây hái ra tiền. Chỉ riêng quý III năm nay, kênh livestream đã giúp lượng đơn hàng trên Lazada tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu của thương hiệu và nhà bán thông qua kênh này cũng tăng hơn 420 lần cùng kỳ năm trước.
Đây chính là cơ sở để dịp 11/11 năm nay, sàn TMĐT này tung tới 2.000 tập livestream, dự kiến thu hút 6 triệu lượt xem.
Đầu tư hỗ trợ các thương hiệu/nhà bán
Nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, kéo theo hàng loạt chương trình giảm giá từ các cửa hàng, nhãn hiệu. Không ngoa khi nói 11/11 cũng được coi là “sàn đấu” của các thương hiệu, nhà bán.
Để giúp nhà bán tăng sức cạnh tranh, các sàn TMĐT tích cực ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như hỗ trợ tăng lượt hiển thị kết quả tìm kiếm, cá nhân hoá danh mục sản phẩm theo thói quen mua sắm, hiển thị banner quảng cáo tại vị trí dễ thấy trên app/website…
Ngoài ra, khi phí vận chuyển vẫn còn là rào cản, chính sách freeship sẽ là lời giải kích cầu mua sắm. Đại diện sàn Lazada từng chia sẻ, việc triển khai hàng loạt ưu đãi miễn phí giao hàng không chỉ là cách sàn TMĐT khẳng định vị thế, mà còn cách hỗ trợ nhà bán kinh doanh hiệu quả.
Chính sách freeship giúp cả khách hàng lẫn sàn TMĐT và nhà bán/thương hiệu hưởng lợi.
Mỗi đợt lễ hội mua sắm trên Lazada, Anker luôn là thương hiệu phụ kiện điện thoại có doanh thu thuộc hàng cao nhất. Có được kết quả này, ông Mai Nguyễn Bảo Lộc – Online Director Anker – đánh giá cao sự đầu tư của Lazada từ chuẩn bị kho bãi đến công tác vận hành và nhiều hoạt động marketing để tăng khả năng tiếp cận đến từng khách hàng.
Còn từ góc nhìn của đại diện Unicharm Việt Nam, với những đầu tư lớn cho 11/11 như Lazada vừa công bố, hãng tự tin lượng đơn hàng sẽ tăng gấp 2,5 lần và doanh số tăng gấp 3 lần so với sự kiện 9/9.
Sale ngày độc thân 11/11 chưa như mong đợi
Nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đang công bố mức giảm giá lên đến 50-70% cho hàng loạt sản phẩm. Song, nhiều khách hàng không mua được sản phẩm với mức giá giảm sâu.
Được khởi xướng đầu tiên từ tỷ phú Jack Ma, ông chủ của tập đoàn Alibaba, Lễ Độc thân 11/11 đã trở thành sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới, thu hút hàng trăm triệu người tham gia.
Hiện nay, lễ hội mua sắm trực tuyến này trở thành cuộc đua khuyến mại kịch tính ở Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử lớn đồng loạt đưa ra những chương trình khuyến mại, giảm giá đối với nhiều mặt hàng lên đến 50-70%.
Từ 0h ngày 11/11, trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Sendo và Shopee, nhiều chương trình khuyến mại, đồng giá, hoàn tiền... đồng loạt được triển khai.
Chiêu trò giảm giá "ảo"
Những lời chào mời như "Bão sale", "giảm giá sốc", "ưu đãi khủng nhất năm"... xuất hiện dày đặc trên các trang thương mại điện tử, các cửa hàng tại Việt Nam mấy ngày nay.
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng cho rằng chiêu giảm giá lên đến 50-70% chỉ là cách quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý. Không ít người thất vọng khi giá sau khi giảm của nhiều sản phẩm không khác nhiều so với giá thị trường.
Biết được ngày 11/11 nhiều trang thương mại điện tử có chương trình sale rất lớn nên Linh, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội đã đợi đến 0h để "săn" hàng giảm giá. Nhưng cô đã phải thất vọng.
"Mấy hôm trước, xem giá sản phẩm nước xả vải Comfort 3,8 lít trên Shopee có giá 195.000 đồng, tôi định chờ đến ngày 11/11 giảm giá thêm để mua nhưng không ngờ, hôm nay giá vẫn giữ nguyên trong khi thông báo giảm 20%", Linh bức xúc.
Không chỉ Shopee, nhiều người mua hàng tại các trang thương mại điện tử khác cũng gặp tình huống tương tự. "Tôi mua tinh chất dưỡng da Klairs loại 35ml với giá 260.000 đồng (giảm 36%), nhưng tìm hiểu giá bán sản phẩm thường ngày trên thị trường cũng chỉ dao động mức 230.000-280.000 đồng", Khánh Ly (Hà Đông, Hà Nội) nói.
Thậm chí, có nhiều thông báo chương trình khuyến mại giảm sốc nhưng thực chất chỉ giảm rất ít. "Trên mạng thì quảng cáo sale sốc nhưng khi tôi vào xem thì sản phẩm bia Heineken trên Tiki chỉ sale 2%, tức giảm 5.000 đồng", chị Bùi Hà, nhân viên văn phòng tại quận 2, TP.HCM thất vọng.
Sản phẩm này được tăng giá trước ngày sale.
Cần tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá
Sử dụng một công cụ để kiểm tra ngẫu nhiên, Zing nhận thấy đa phần giá sản phẩm sau khi sale đều không mấy chênh lệch so với giá bán thường ngày. Thậm chí nhiều gian hàng cố tình đẩy giá cao hơn trước ngày sale, sau đó giảm xuống.
Theo đó, tại một gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, chiếc điện thoại Samsung Galaxy A10s 32G được chào bán với mức giá 2,5 triệu đồng. Sản phẩm được quảng cáo đã giảm 36%, tương đương 1,4 triệu đồng so với mức giá ban đầu là 3,9 triệu đồng.
Nhưng đáng nói, trước Lễ Độc thân (11/11), sản phẩm được nâng lại lên mức giá cũ 3,9 triệu để áp dụng chương trình khuyến mại của cửa hàng. Sau khi áp dụng, giá sản phẩm còn 2,5 triệu, vẫn đắt hơn thời điểm ngày 21/9 gần 100.000 đồng.
Tương tự, trên Sendo, combo 3 chai sữa tắm Enchanteur được bán với giá 69.000 đồng (khuyến mại lên đến 54%). Thế nhưng, trong phần lịch sử giá, sản phẩm này thường xuyên được bán với giá 69.000 đồng.
Không chỉ trên các sàn thương mại điện tử mà trên các trang mạng tình trạng sale "ảo" ngày 11/11 cũng sôi động không kém. Anh Dương, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, nhấp vào một mẫu quảng cáo giảm giá 50% chiếc TV Samsung QLED 55 inch của một hệ thống điện máy lớn.
Nhưng khi tìm hiểu giá sản phẩm ở nhiều trang, mỗi siêu thị điện máy lại giảm giá một cách khác nhau. Theo anh, chiếc TV sẽ được giảm giá khoảng 32% nếu cửa hàng bán với giá 25 triệu đồng. Một cửa hàng khác có thể giảm đến 50% nhưng giá niêm yết của sản phẩm lại là 35 triệu đồng.
Thậm chí, có cửa hàng còn không giảm giá nhưng giá bán lại rẻ hơn giá đã khuyến mại nơi khác. "Nhiều nơi họ lấy giá gốc ban đầu tăng lên rồi lại giảm mạnh theo phần trăm để thu hút người tiêu dùng", anh Dương phân tích.
Theo một số người chuyên "săn" hàng giảm giá, trong đợt sale Lễ Độc thân 11/11, bên cạnh nhiều sản phẩm sale ảo cũng có một số giá tốt hơn thường ngày. Người dùng không nên chú trọng vào số phần trăm giảm giá mà nên tìm hiểu, khảo sát giá tại nhiều nơi, thời điểm khác nhau.
Smartphone bán chạy nhất dịp sale 11/11 Điện thoại thông minh được người dùng tham khảo và đặt mua nhiều vượt trội trên các trang thương mại điện tử trong dịp lễ hội mua sắm 11/11. Từ 0h ngày 11/11, hàng loạt trang thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo... cập nhật giao diện với ngập tràn mặt hàng được giảm giá theo các...