10 vấn đề giáo dục nổi bật 2009
(Dân trí) – Năm 2009 ghi dấu ấn với nhiều vấn đề nổi bật trong ngành giáo dục mà tâm điểm là quyết định tăng học phí ĐH, dịch cúm lan tới nhiều trường học trong cả nước… Sau đây Dân trí xin điểm lại 10 vấn đề giáo dục được đông đảo người dân quan tâm.
1. Thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Với 62% phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua luật Giáo dục sửa đổi.
Theo báo báo giải trình của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như: quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi quy định chặt chẽ hơn việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa quy định về công khai tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục…
Đặc biệt, vẫn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thẩm quyền cho phép thành lập trường ĐH giao cho Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng GD-ĐT. UB thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về thẩm quyền thành lập trường ĐH của Thủ tướng như luật hiện hành, nhưng tăng cường trách nhiệm thẩm định cho Bộ trưởng.
2. Học phí đại học tăng lên 240.000 đồng/tháng
Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh khung học phí , áp dụng cho năm học 2009 – 2010. Theo đó, mức trần học phí của sinh viên đại học sẽ là 240.000 đồng/tháng cao hơn mức trần cũ 60.000đồng/tháng. Việc điều chỉnh học phí lần này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015.
Học phí tăng mang đến thêm một nỗi lo cho sinh viên.
Sinh viên và phụ huynh mong mỏi, song song với quyết định tăng học phí để nâng chất lượng đào tạo, Chính phủ đồng thời triển khai những chính sách hợp lý tạo điều kiện cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo học.
3. Công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020
Sau 14 lần sửa chữa, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020. Tuy nhiên, bản Chiến lược đã không đáp ứng được yêu cầu nội tại của ngành cũng như mong mỏi của nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng việc xác định khung thời gian cho Chiến lược không hợp lý cả ở điểm xuất phát lẫn điểm kết thúc các nhà soạn thảo Chiến lược đã không huy động các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín của các trường đại học hay các viện nghiên cứu ngoài Viện Khoa học giáo dục Việt Nam không ít các chỉ tiêu không thể thực hiện được và có cả những chỉ tiêu không cần thiết phải thực hiện.
Video đang HOT
Nhiều ý kiến cho rằng Chiến lược giáo dục 2009 – 2020 là bản chiến lược kỉ lục về thời gian xây dựng cũng như số lần bổ sung, sửa đổi.
4. Dùng dằng việc bỏ thi ĐH vào năm 2010
Xung quanh chuyện bỏ thi ĐH vào năm 2010, Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến, lên kế hoạch… nhưng cuối cùng vẫn chưa thể thực hiện một kỳ thi quốc gia vì xã hội chưa đồng thuận và điều kiện của ngành chưa chín muồi.
5. Trường học thành “bệnh viện dã chiến” chống cúm A/H1N1
Lần đầu tiên trong lịch sử thời bình, các trường học được sống lại không khí “bệnh viện dã chiến” khi đại dịch cúm A/H1N1 đặt chân đến Việt Nam vào cuối tháng 5/2009.
Đến ngày 19/7/2009, Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TPHCM) trở thành trường đầu tiên trên cả nước trở thành “bệnh viện dã chiến” chống dịch cúm A/H1N1. Ngay sau đó, nhiều trường học khác trên các tỉnh thành cũng đã trở thành “bệnh viện dã chiến” với bác sĩ, điều dưỡng, xe cấp cứu và trang thiết bị cần thiết, ví như tại tỉnh Bình Định, chỉ trong 4 ngày từ 17-21/9 đã có 4 “bệnh viện dã chiến” trường học. Đặc biệt ngày 11/8, Hà Nội có “bệnh viện dã chiến” trường học đầu tiên (tại Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam) với số người bị cách ly kỷ lục: 160 sinh viên và giáo viên.
Nhằm ngăn chặn dịch cúm lan tràn trong các trường học, ngày 23/7, Sở GD-ĐT TPHCM đã gửi công văn cho các cơ sở giáo dục trực thuộc thành phố yêu cầu các trường không tổ chức nội trú cho học sinh trong thời gian còn nghỉ hè. Nhiều tỉnh thành khác đã phải khẩn cấp cho học sinh nghỉ học, rời ngày tựu trường để hạn chế sự lây lan của dịch cúm.
Theo số liệu của WHO, tính từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay, thế giới đã ghi nhận gần 10.000 trường hợp tử vong vì H1N1.
Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến là một “bệnh viện dã chiến” chống cúm tại TPHCM. (Ảnh: Ngọc Hưng)
6. Phanh phui nhiều vụ “lạm thu” tiền trường
Các đợt thanh, kiểm tra năm 2009 đã phát hiện nhiều vụ lạm thu ở các trường, từ mầm non, tiểu học đến THCS, THPT… Điển hình là Trường Mầm non Bông Sen (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) lạm thu học phí nhà trẻ với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng Trường Tiểu học thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đưa ra 23 khoản thu cho học sinh trong đó có những khoản rất vô lý như “hao mòn đồ dùng”, “vật kỷ niệm”, “quỹ chăm sóc cây”, “bảo hiểm điện”… Nhiều trường ở Đà Nẵng thu sai qui định, vượt quy định của UBND thành phố, vận động phụ huynh đóng góp các khoản ngoài quy định.
Trước tình trạng này, Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ yêu cầu các Sở GD-ĐT đi kiểm tra việc thu – chi của các trường, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra những nơi lạm thu mà báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những trường hợp sai phạm.
7. Nóng bỏng đạo đức học đường
Ngay 24/8, thầy Đặng Hữu Dũng, giảng viên Ngoai ngư trường ĐH Nông Lâm (TPHCM) đang đứng lớp thì bị học trò cũ tạt một thau đựng axit vào người và sau đó rút dao truy đuổi. Đối tượng này thù ghét và muốn trả thù thầy Dũng vì cho rằng mình không được ra trường do nợ môn Anh văn của thầy.
Trước vụ việc kinh hoàng này cũng như nhiều vụ học sinh phổ thông đâm chém “thanh toán” nhau, có nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại việc giáo dục đạo đức cho HS, SV.
Cũng có ý kiến cho rằng đây là hệ quả của vấn nạn chạy theo bằng cấp: gánh nặng bằng cấp đã trở thành áp lực với giới trẻ. Việc quá chú trọng bằng cấp mà coi nhẹ xây dựng nhân cách con người đã dẫn đến hậu quả đau lòng.
8. Nhiều tiến sĩ trẻ tuổi nổi bật
Phó Giáo sư 31 tuổi Bùi Thế Duy. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Năm 2009, nhiều tiến sĩ trẻ người Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khâm phục. Có thể kể đến Tiến sĩ Bùi Thế Duy, chủ nhiệm Khoa CNTT- ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội, người được trao tặng học hàm Phó Giáo sư vào ngày 20/11/2009, trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi 31 tuổi.
Đó còn là Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, chàng trai Hà Nội 26 tuổi trở thành Giảng viên Việt Nam đầu tiên ở Trường đại học danh tiếng Oxford.
Đặc biệt, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, 37 tuổi, vừa được vinh danh khi công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản chương trình Langland” của anh được Time bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm 2009.
9. Váy đồng phục nữ sinh phải dài quá gối
Sắp tới những bộ váy đồng phục không trùm quá gối thế này sẽ không còn phù hợp nữa.
Ngày 5/10/2009, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên ban hành Thông tư về mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của HS, SV (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/11/2009) trong đó có quy định chiều dài váy đồng phục phải trùm quá gối gây xôn xao dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định này có phần cứng nhắc. Những ý kiến đồng tình thì cũng phân tích việc khó khăn khi thực thi, bởi Bộ GD-ĐT đưa ra quy định khi nhiều trường đã trang bị đồng phục cho HS rồi, nếu làm lại thì quá lãng phí tiền bạc.
Trước những ý kiến phản hồi này, Bộ GD-ĐT cho biết không bắt buộc các trường phải thay đổi ngay mẫu đồng phục, lễ phục trong năm nay.
10. Nỗ lực đổi mới cách dạy và học
Giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của hướng dẫn học sinh làm việc theo nhóm. (Ảnh: Hiếu Hiền)
Năm 2009 cũng được ghi dấu ấn bởi nỗ lực đổi mới cách dạy và học, khơi gợi cảm hứng mới cho cả người học và người dạy, tiêu biểu là một số trường ở TPHCM trong đó có Trường tiểu học Lương Định Của (LĐC) với cách học gây xôn xao: 100% lớp học tổ chức theo kiểu học nhóm, học sinh học nhóm ngay từ lớp 1.
Về phương pháp dạy mới của trường LĐC, Sở GD-ĐT TPHCM tỏ rõ quan điểm: ủng hộ cách dạy và học này. Sở cho biết sẽ cùng với trường LĐC tiếp tục duy trì cách dạy và học mới này.
Nhóm PV