1 thầy giáo Trung học cơ sở Quang Trung xưng mày-tao với học sinh
Một thầy giáo của trường trung học cơ sở Quang Trung, quận Tân Bình , Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận có ngôn phong thiếu chuẩn mực với học sinh.
Theo thông tin từ phụ huynh của lớp 7/5, trường Trung học cơ sở Quang Trung, quận Tân Bình , thầy Vinh dạy tiếng Anh của lớp này đã có những ngôn từ, lời nói thiếu chuẩn mực với học sinh.
Phụ huynh cho biết, thầy Vinh nói học sinh học ngu như…, thầy điểm mặt từng học sinh, em nào bị ghét là “chết với thầy”…
Thầy Vinh thực hiện việc kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng) cho học sinh rất kỳ, bất thường, hầu như cả lớp (41/43 em) đều dưới trung bình, trong đó rất nhiều em bị 0 hay 1 hay 2 điểm.
Trường trung học cơ sở Quang Trung, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Theo phụ huynh , thầy giáo này có dạy thêm tại nhà, một tháng 600 ngàn đồng tiền học phí, tuần học có 1 ngày, chưa đến 2h một buổi học.
Phụ huynh nói, trường ra đề thi thì thường con của vị phụ huynh này chưa bao giờ điểm dưới trung bình.
Ngày 30/11/2020, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hồng Vy – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Quang Trung, quận Tân Bình xác nhận, trường đã nắm được sự việc của thầy Vinh dạy tiếng Anh của lớp 7/5.
Ngay sau khi nhận được thông tin bức xúc của phụ huynh lớp này từ cuối tuần trước, trường đã mời phụ huynh vào, lắng nghe và làm việc trực tiếp với thầy giáo.
Trong buổi làm việc này, thầy Vinh đã thừa nhận với lãnh đạo trường là có những từ ngữ, lời nói, ngôn phong với học sinh thiếu chuẩn mực sư phạm.
Cô Hồng Vy đưa ra ví dụ: Thầy gọi học sinh là mày tao, nói học sinh học dốt…
Thầy Vinh cũng xác nhận, lớp 7/5 môn tiếng Anh vừa qua thì điểm kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng) có nhiều em học sinh bị điểm rất thấp.
Tuy nhiên, nhà trường nói rằng, số điểm này không phải là cố định, vào sổ điểm vì các em còn được kiểm tra. Điểm của các em sẽ được lấy con điểm nào cao nhất.
Dù vậy, thầy Vinh cũng đã nhận sai sót, và có lời xin lỗi với học sinh, phụ huynh của lớp này.
Cô Nguyễn Thị Hồng Vy chia sẻ tiếp: Trước mắt, trong vòng 2 tuần cuối của học kỳ, trường sẽ vẫn để thầy Vinh dạy tiếng Anh lớp 7/5, nhằm dạy và ôn tập kiến thức cho học sinh lớp này chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ 1.
Cuối học kỳ 1, nhà trường sẽ sắp xếp lại thời khóa biểu của học kỳ 2, thì lúc đó tùy thuộc vào mối quan hệ của thầy trò lớp này trên thực tế thì nhà trường sẽ có những ứng xử cho phù hợp.
Theo vị hiệu trưởng này, đảm bảo kiến thức cho học sinh luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường.
Về vấn đề dạy thêm của thầy Vinh tại nhà riêng, cô Vy nói do phụ huynh không đề cập đến việc này, nên cô không hỏi thầy. Dù vậy, Hiệu trưởng khẳng định rằng bà không ký cho phép bất kỳ giáo viên nào dạy thêm ở nhà.
Nhà trường đã yêu cầu thầy Vinh phải làm kiểm điểm, rút kinh nghiệm chung trong toàn thể hội đồng sư phạm nhà trường về việc sai sót này của thầy.
Còn việc chế tài thầy trong kết quả thi đua thì bà Nguyễn Thị Hồng Vy nói đến cuối năm học sẽ tính sau.
Được biết, thầy Vinh dạy tiếng Anh lớp 7/1,7/3 và 7/5 của trường này.
Thầy giáo trường Y đồng sáng lập trung tâm đào tạo MC từng bị loại vì giọng địa phương
Tôi là Hà Duy - một thầy giáo trẻ của trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi may mắn được làm việc tại trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên - một trong những cái nôi của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực Y tế. Thoạt nhìn có lẽ sẽ không ai nghĩ tôi là một thầy giáo bởi dáng vẻ thư sinh, khuôn mặt trẻ. Ngoài công tác giảng dạy tại trường và bệnh viện, tôi còn là một MC sự kiện và là một giáo viên Kỹ năng sống.
Tôi đến với nghề MC cũng thật là tình cờ, từ một cậu học trò lớp 11 rụt rè, nhút nhát, thân hình gầy gò đi lên sân khấu hội diễn văn nghệ của trường cấp 3 để dẫn, sau đó nhận được sự động viên, khích lệ từ phía thầy cô, bạn bè tôi đã cố gắng trau dồi kỹ năng, rút kinh nghiệm sau mỗi lần dẫn, cải thiện giọng nói để hoàn thiện bản thân mình hơn trước khán giả.
Bước chân vào cổng trường Đại học với học bổng Hoa Trạng Nguyên do Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng năm 2013 cho các học sinh xuất sắc của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, tôi luôn tập trung cao độ vào việc học tập chuyên môn, bên cạnh đó tôi vẫn dành thời gian theo đuổi ước mơ của mình.
Gia đình tôi vốn chỉ là một gia đình công nhân bình thường tại Thái Nguyên, cũng không có điều kiện để tôi có thể theo đuổi hết mơ ước của riêng mình. Hiểu được điều đó, tôi đã cố gắng từng ngày, từng giờ để hoàn thành việc học tập một cách tốt nhất. Tôi cũng hiểu được rằng, mình nên phát huy sở trường về MC để phần nào có thể trang trải được cuộc sống sinh viên mà không quá phụ thuộc gia đình.
Cú sốc với nghề MC lớn nhất có lẽ là khi tôi đăng ký tham gia cuộc thi Cầu Vồng năm 2016 do VTV tổ chức, năm đó tôi đã bị loại trực tiếp ngay vòng đầu tiên vì lý do giọng địa phương, ngoại hình kém.
Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc, về nhà tôi đã xem rất nhiều các anh chị MC dẫn chương trình trên truyền hình, rồi hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước để cải thiện khả năng dẫn của mình. May mắn với nghề MC đến với tôi khi tôi đạt giải Nhì cuộc thi Tìm kiếm tài năng MC do trường Đại học tổ chức. Và cứ thế đến khi tôi ra trường, đi làm tôi vẫn theo đuổi ước mơ đó với sự tin yêu của quý khán giả.
Với các em sinh viên có mơ ước hay chỉ đơn giản là sở thích với nghề MC tôi luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các em, để các em tự tin trước đông người cũng giống như tôi đã từng là một đứa trẻ rụt rè đến với sân khấu hàng nghìn người vậy. Tôi hướng dẫn các em từ cách viết kịch bản đến các cách làm sao để tự tin trên sân khấu hay đơn giản hơn là cách cải thiện giọng nói của mình, tất cả đều mong muốn giúp các em vững tin vào chính mình.
Hiện tại ngoài làm công tác giảng dạy tại trường và bệnh viện, tôi vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn thanh niên, Hội sinh viên để cùng xây dựng lên một thế hệ thanh niên giỏi tri thức, vững tay nghề, giàu tình nhân ái và phát triển toàn diện. Tham gia hoạt động Đoàn - Hội giúp tôi tiếp xúc với các em sinh viên nhiều hơn, từ đây tôi cũng có nhiều cơ hội để chia sẻ, động viên các em trong học tập cũng như phát triển năng khiếu của bản thân.
Với những kinh nghiệm đã tích lũy được gần 7 năm đi dẫn, tôi đã cùng một số anh chị em mở Trung tâm đào tạo kỹ năng sống (STB Training) tại Thái Nguyên, tại đây tôi đã ươm mầm cho biết bao thế hệ các bạn nhỏ mong muốn trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp, mang những giá trị mà mình có được truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, trở thành một giáo viên Kỹ năng sống cũng giúp tôi trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận các vấn đề của xã hội, sự tiến bộ của các học trò và sự tin tưởng của quý phụ huynh đã giúp tôi vững tin hơn với nghề.
Là một người năng động, tôi cũng rất đam mê với các hoạt động thiện nguyện xã hội. Năm 2015 khi trở thành thủ lĩnh của một câu lạc bộ tình nguyện, tôi cùng các bạn tình nguyện viên đã cùng nhau mang những yêu thương, tình cảm, kết nối các trái tim thiện nguyện trong xã hội lại với nhau để lan tỏa những điều tốt đẹp.
Đến nay, khi trở thành một giáo viên tôi vẫn rất đam mê và tích cực với phong trào tình nguyện. Tôi luôn động viên và hướng các em sinh viên trong trường ngoài việc học tập, rèn luyện thì luôn cần phải hướng trái tim ấp ám của mình đến các mảnh đời còn gặp nhiều khó khăn trong xã hội. Bởi cho đi không phải để nhận lại, mà cho đi để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Đến ngày hôm nay, tôi vẫn luôn tin vào những gì mình đã chọn, luôn tin vào những gì mình đang theo đuổi. Tôi đã, đang và vẫn sẽ truyền những cảm hứng tích nhất đến các bạn trẻ, các thế hệ "Gen Z" về niềm tin trong cuộc sống!
Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” Đã từng bất lực nhìn bệnh nhân ra đi lẫn có những lần chẩn đoán sai bệnh, vị bác sĩ 20 năm đứng trên bục giảng gửi lời nhắn nhủ tận đáy lòng với sinh viên nhân ngày 20/11. TS.BS Nguyễn Như Vinh hiện là Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM. Ngoài chuyên...