Sông băng tan giữa biên giới Thụy Sĩ và Italy khiến một nhà nghỉ bơ vơ
Biên giới giữa Thụy Sĩ và Italy nằm trên dãy núi Alps đã bị dịch chuyển do một dòng sông băng tan chảy, dẫn đến sự tranh chấp vị trí của một nhà nghỉ trên núi tại khu vực này.
Biên giới giữa Thụy Sĩ và Italy trên dãy Alps chạy dọc theo sông băng Theodul. Dù cùng chung một nguồn, nước tan chảy từ sông băng có thể thuộc Italy hoặc Thụy Sĩ tùy theo nơi nó chảy về.
Tuy nhiên, sự tan chảy của sông băng Theodul đã khiến đường phân thủy (đường chia nguồn nước cho hai lưu vực liền kề nhau) dịch chuyển sang phía nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino, nhà nghỉ trượt tuyết của Italy nằm gần đỉnh Testa Grigia cao 3.480 m, theo AFP.
Với sự dịch chuyển tự nhiên này, nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino đang trong tình trạng “khai sinh” ở Italy, “thường trú” tại Thụy Sĩ và không rõ mình mang quốc tịch gì.
Nhà hàng ở Thụy Sĩ, thực đơn bằng tiếng Italy
Tại nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino, ông Frederic, một du khách 59 tuổi, mở cánh cửa gỗ hẹp và bước vào. Dù nhà nghỉ đã dịch chuyển sang phần lãnh thổ của Thụy Sĩ, thực đơn ở đây vẫn bằng tiếng Italy, không phải tiếng Đức và các món ăn được tính theo đồng euro chứ không phải franc Thụy Sĩ.
Nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino là nơi thu hút nhiều du khách trượt tuyết trong khu vực. Ảnh: AFP.
Tại quầy, ông gọi một lát bánh và hỏi: “Vậy chúng ta đang ở Thụy Sĩ hay ở Italy?”.
Đây là câu hỏi đáng đặt ra, đồng thời cũng là chủ đề của các cuộc đàm phán ngoại giao bắt đầu từ năm 2018 và kết thúc bằng một thỏa hiệp vào năm 2021. Tuy nhiên, chi tiết các thỏa thuận vẫn còn là bí mật.
Khi nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino được xây dựng vào năm 1984, 40 chiếc giường và bàn dài bằng gỗ của nó hoàn toàn thuộc lãnh thổ Italy. Nhưng giờ đây, hai phần ba nhà nghỉ, bao gồm hầu hết giường và nhà hàng, về mặt địa lý đang ở miền Nam Thụy Sĩ.
Vấn đề dịch chuyển vị trí của nhà nghỉ càng trở nên đáng chú ý khi nó nằm trên đỉnh của một trong những khu nghỉ mát trượt tuyết lớn nhất thế giới.
Cách đó không xa, một ga cáp treo đang được xây dựng. Điều này phần nào cho thấy du khách đến đây đông đúc đến mức nào.
Một thỏa thuận đã được ký kết tại Florence, Italy vào tháng 11/2021 về đường biên giới dịch chuyển nhưng nội dung sẽ chỉ được tiết lộ khi nó được chính phủ Thụy Sĩ đóng dấu phê chuẩn. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra trước năm 2023.
Video đang HOT
Trả lời AFP, Alain Wicht, quan chức biên giới tại cơ quan lập bản đồ quốc gia Swisstopo của Thụy Sĩ, cho biết: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận một phần so với những gì chúng tôi muốn ban đầu”.
Công việc của ông Wicht là trông coi 7.000 cột mốc ranh giới dọc theo biên giới dài 1.935 km của Thụy Sĩ với Áo, Pháp, Đức, Italy và Liechtenstein.
Ông Wicht đã tham dự các cuộc đàm phán, nơi cả hai bên nhượng bộ để tìm ra giải pháp. “Ngay cả khi không có bên nào giành chiến thắng thì ít nhất là không ai bị thua thiệt”, ông nói.
Băng tan làm thay đổi đường biên
Biên giới giữa Italy và Thụy Sĩ đi qua nhiều sông băng trên dãy Alps. Các đường biên giới này chạy dọc theo đường phân thủy.
Tuy nhiên, sông băng Theodul đã mất gần một phần tư lượng băng trong giai đoạn từ năm 1973 đến năm 2010. Điều đó khiến đỉnh đá vốn nằm bên dưới băng nay lại trồi lên bề mặt, trở thành điểm cao hơn các đỉnh băng và làm thay đổi đường phân thủy. Do đó, hai nước láng giềng này phải vẽ lại đoạn biên giới dài 100 m của mình.
Những sự thay đổi biên giới do tác động của băng tan diễn ra khá thường xuyên. Ảnh: AFP.
Ông Wicht cho biết những điều chỉnh như vậy diễn ra thường xuyên. Vấn đề này thường được giải quyết bằng cách so sánh kết quả nghiên cứu của các nhà khảo sát từ các quốc gia có biên giới mà không cần sự can thiệp của các chính trị gia.
“Chúng tôi đang tranh giành vùng lãnh thổ vốn không đáng bao nhiêu”, ông Wicht nêu quan điểm. Nhưng ông cũng lưu ý rằng đường biên giới theo sông băng Theodul “là nơi duy nhất mà chúng tôi có một tòa nhà liên quan” và nó mang lại “giá trị kinh tế” cho vùng đất.
Những người đồng cấp Italy của ông Wicht từ chối bình luận “do tình hình quốc tế phức tạp”.
Jean-Philippe Amstein, cựu Giám đốc Swisstopo, cho biết những tranh chấp như vậy thường được giải quyết bằng cách trao đổi các lô đất có diện tích và giá trị tương đương.
Trong trường hợp này, “Thụy Sĩ không quan tâm đến việc lấy một đoạn sông băng”, ông giải thích, và “người Italy không thể bù đắp cho việc mất diện tích bề mặt của Thụy Sĩ”.
“Vì chúng tôi là của Italy”
Trong khi kết quả cuộc đàm phán vẫn còn nằm trong vòng bí mật, ông Lucio Trucco, người quản lý nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino, được thông báo rằng nhà nghỉ sẽ ở lại trên đất Italy.
Ông nói: “Nhà nghỉ vẫn là của Italy vì chúng tôi luôn là người Italy”. “Thực đơn là của Italy, rượu vang là của Italy, và thuế là của Italy”.
Dù nhiều khu trượt tuyết phải đối mặt với tình trạng đóng cửa vì thời tiết nóng lên, du khách vẫn có thể trượt tuyết ở khu vực gần nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino ngay trong mùa hè. Ảnh: AFP.
Nhiều năm đàm phán đã làm trì hoãn việc cải tạo nhà nghỉ. Các ngôi làng ở hai bên biên giới cũng không được cấp giấy phép xây dựng.
Do đó, công trình xây dựng tuyến cáp treo mới lên sườn núi Klein Matterhorn của Italy sẽ không được khánh thành kịp theo như dự kiến vào cuối năm 2023.
Du khách chỉ có thể đến các sườn núi từ khu nghỉ mát trượt tuyết Zermatt của Thụy Sĩ.
Mặc dù một số khu nghỉ dưỡng ở độ cao trung bình đang chuẩn bị kết thúc hoạt động trượt tuyết trên đỉnh Alps do hiện tượng ấm lên toàn cầu, du khách vẫn có thể trượt tuyết trong suốt mùa hè trên các sườn núi Zermatt và Cervinia.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi phải tăng cường (cải tiến) khu vực này vì nó chắc chắn sẽ là nơi cuối cùng biến mất (do tác động của biến đổi khí hậu)”, ông Trucco nói.
Hiện tại, trên bản đồ của Swisstopo, dải màu hồng đậm của biên giới Thụy Sĩ vẫn là một đường đứt nét khi nó đi qua khu nhà nghỉ. Điều này cho thấy chưa thể hoàn toàn khẳng định nhà nghỉ trượt tuyết Rifugio Guide del Cervino đang thuộc quốc gia nào.
Du khách khỏa thân, vẽ bậy ở Venice
Một số du khách đã có hành vi không đúng mực khi du lịch Venice (Italy). Sự hỗn loạn ở thành phố này đang tăng lên khi xu hướng du lịch trả thù bùng nổ.
Tuần qua, thành phố này đã chứng kiến hàng loạt vi phạm của du khách, từ việc thản nhiên bơi khỏa thân giữa những con kênh được UNESCO bảo tồn cho đến sơn xịt bừa bãi, phá hoại một nhà thờ mang tính biểu tượng của Venice.
Theo CNN, người dân địa phương đã sốc khi bất ngờ quan sát thấy một vài du khách khỏa thân, bơi trên những con kênh gần nhà của họ trong khoảng 5-10 phút. Sau đó, những du khách này lên bờ, thản nhiên lau người và trở về nhà nghỉ.
Du khách khỏa thân tắm kênh ở Venice. Ảnh: CNN.
Vào đêm 15 hoặc 16/5, mặt tiền của nhà thờ Redentore - được thiết kế bởi "kiến trúc sư" thời Phục hưng lừng danh Andrea Palladio và là địa điểm tổ chức lễ hội nổi tiếng nhất tại Venice - đã bị phá hoại.
Một phần của mặt tiền - được xây bằng đá Istria trắng, đã bị xịt sơn hồng và viết lên những ký tự đen giống như một phương trình nguệch ngoạc.
Khu vực bị vẽ bậy rộng đến ba mét vuông nằm ngay bên dưới bức tượng Thánh Phanxicô Assisi, ngay bên phải lối vào khi đặt chân lên các bậc thang bằng đá trắng nổi tiếng của nhà thờ này.
Khu vực cầu ở Fondamenta dei Garzotti bị phá hoại. Ảnh: CNN
Một người dân địa phương đã cố gắng làm sạch khu vực vẽ bậy này ngay sau khi phát hiện ra. Không may, di tích này còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn sau khi nước rửa khiến màu thấm sâu hơn vào đá xốp. Hiện các chuyên gia phục chế nghệ thuật đang làm việc với các quan chức của chính phủ để tìm ra hướng xử lý.
Theo tờ La Nuova, một vụ phá hoại khác ở Venice cũng đã được phát hiện trước cổng nhà thờ Sant'Antonin.
Ngoài ra, một du khách thiếu ý thức khác đã đổ sơn màu xanh sáng lên cây cầu ở Fondamenta dei Garzotti, một trong những con đường chính từ ga xe lửa dẫn vào thành phố.
Theo Hội đồng Thành phố Venice, những người này tới Venice để tham dự một sự kiện nghệ thuật đường phố diễn ra trước đó và kết hợp du lịch. Các nhà chức trách cũng đã lùng sục trên khắp các mạng xã hội để tìm kiếm các đối tượng nằm trong diện tình nghi.
Thị trưởng Luigi Brugnaro gọi vụ phá hoại này là một "vết dơ" trên vương cung thánh đường, nơi mà nhiều người coi là "biểu tượng của truyền thống Venice".
Brugnaro cho biết những kẻ gây rối không những phải chịu các hình thức xử phạt đơn thuần mà còn cần đánh vào kinh tế. Theo đó, sẽ mất rất nhiều công sức và tiền bạc để khắc phục những thiệt hại trên cây cầu Rio Marin.
Cuối cùng, ngài thị trưởng cho rằng các du khách nên "tôn trọng Venice".
7 điểm đến cấm ôtô Các địa điểm không ôtô này có không khí trong lành, khung cảnh tuyệt đẹp và vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ. Zermatt, Thụy Sĩ: Zermatt là một ngôi làng nhỏ xinh đẹp trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ, nằm ở độ cao 1620 m. Xe hơi bị cấm ở ngôi làng...