Nhật Bản rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường
Nhằm tăng cường kiềm chế sự lây lan của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19, kể từ tháng 2/2022, Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian chờ để tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho người cao tuổi xuống còn 6 tháng, thay vì 8 tháng như hiện nay.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Thông báo trên được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đưa ra trong một phát biểu trước báo giới ngày 17/12. Theo ông Kishida, về nguyên tắc, nước này vẫn duy trì khoảng thời gian 8 tháng đã được đặt ra giữa mũi tiêm chủng thứ hai và thứ ba. Nhưng song song với đó, Chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực ưu tiên tiêm liều vaccine tăng cường cho người cao tuổi và các nhân viên y tế. Đối với những người già sống tại viện dưỡng lão và các nhân viên y tế có nguy cơ cao, khoảng thời gian chờ trước khi thực hiện mũi tiêm tăng cường thậm chí được rút ngắn hơn nữa, chỉ còn 6 tháng.
Hiện Bộ Y tế Nhật Bản đã “bật đèn xanh” cho việc sử dụng các loại vaccine của Pfizer/BioNTech và của Moderna cho các mũi tiêm nhắc lại.
Thủ tướng Kishida cũng cho biết Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận cơ bản với hãng dược phẩm Pfizer mua 2 triệu liều thuốc uống điều trị COVID-19 do hãng này sản xuất. Thuốc điều trị COVID-19 dạng uống được Nhật Bản coi là một công cụ quan trọng để ứng phó đại dịch.
Video đang HOT
* Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/12 cho biết chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đặt hàng hơn 180 triệu liều vaccine phiên bản hiệu chỉnh mà Pfizer/BioNTech sản xuất nhằm chống lại biến thể Omicron.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: “Các quốc gia thành viên đã nhất trí về việc chuyển giao đợt đầu hơn 180 triệu liều vaccine bổ sung đã được hiệu chỉnh, trong hợp đồng thứ 3 của chúng tôi với BioNTech/Pfizer”.
Hiện Pfizer chưa xác nhận về thông tin trên. Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm của EU cho rằng tại thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy cần hiệu chỉnh các công thức vaccine hiện có để chống lại biến thể Omicron.
Giới chuyên gia Mỹ cảnh báo về 'tháng 1 khốc liệt cùng Omicron'
Với số ca nhập viện do mắc COVID-19 đang gia tăng trong bối cảnh dịp nghỉ lễ cuối năm bắt đầu sôi động, giới chuyên gia kêu gọi người dân Mỹ thực hiện đầy đủ mọi biện pháp phòng ngừa trước nguy cơ biến thể Omicron hoành hành tại nước này.
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động ở New York, Mỹ, ngày 7/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Minnesota - cho biết tuy Delta vẫn đang là biến thể đáng lo ngại tại Mỹ, nhưng trong vòng vài tuần tới, rất có thể sẽ có thêm hàng triệu người Mỹ bị mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, ông Osterholm nhận định: "Tôi cho rằng chúng ta thực sự sắp trải qua một trận bão tuyết virus. Trong khoảng 3 đến 8 tuần tới, chúng ta sẽ thấy hàng triệu người Mỹ bị nhiễm biến thể mới Omicron, vượt trội hơn nhiều số ca nhiễm Delta, và chúng tôi vẫn chưa chắc chắn những diễn biến chính xác sẽ xảy ra như thế nào".
Các nhà khoa học tin rằng Omicron là biến thể dễ lây lan, mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm biến thể này cho đến nay đều mắc bệnh ở thể nhẹ. Tuy nhiên, theo ông Osterholm, sự gia tăng các ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron vẫn sẽ gây ra sức ép lớn đối với hệ thống chăm sóc y tế và nguy cơ mắc bệnh của các nhân viên y tế cũng sẽ cao hơn. Ông cảnh báo: "Những gì chúng ta có ở đây, ngay bây giờ là một cơn bão có sức phá hủy tiềm tàng. Tôi rất lo ngại về thực tế rằng sẽ có 1/4 hoặc thậm chí 1/3 số nhân viên y tế trở thành bệnh nhân của đợt dịch mới này".
Trong khi đó, ông Andy Slavitt, cựu cố vấn cấp cao về đại dịch COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden - cho rằng ngay cả khi các công cụ phòng dịch như vaccine hiện đã sẵn có thay vì phải chờ đợi trong đợt bùng phát dịch bệnh mùa Đông, "một tháng 1 khốc liệt " với sự án ngữ của Omicron vẫn đang chờ đợi nước Mỹ.
Ông Slavitt nhận định: "Đối với các nhân viên y tế, các bệnh viện, hay những người mắc bệnh, kể cả những bệnh nhân của các căn bệnh khác ngoài COVID-19, đó là một mối nguy hiểm thực sự và một mối đe dọa thực sự".
Không chỉ riêng với ngành y tế, nhiều lĩnh vực khác trong đời sống của người Mỹ cũng đã có dấu hiệu căng thẳng bởi dịch bệnh. Một số trường cao đẳng và đại học đã quay trở lại với việc học trực tuyến. Các liên đoàn thể thao buộc phải hoãn các trận đấu do vận động viên mắc COVID-19, trong khi các show diễn theo hình thức trực tiếp một lần nữa phải thông báo hủy bỏ.
Tại các ga tàu điện ngầm ở New York, Boston và Miami, người dân xếp hàng dài để chờ xét nghiệm COVID-19. Trong bối cảnh lễ Giáng sinh và đêm giao thừa đang đến gần, nhu cầu đến thăm bạn bè và những người thân trong gia đình trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết. Để thực hiện được điều này, tiêm chủng ngừa COVID-19 hoặc thậm chí là tiêm liều tăng cường vẫn được xem là "tấm lá chắn phòng dịch" thiết yếu.
Các kết quả nghiên cứu gần đây - thực hiện với việc cho mẫu máu của những người được tiêm chủng phơi nhiễm "bản sao" của Omicron - cho thấy biến thể này có thể "né" các kháng thể được tạo ra từ việc tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna. Tuy nhiên, một mũi tiêm tăng cường sẽ củng cố khá tốt hàng rào miễn dịch trước Omicron. Nghiên cứu thực hiện đối với vaccine của Pfizer/BioNTech cũng cho kết quả tương tự.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày tại nước này hiện đã tăng khoảng 22% so với một tháng trước, trong đó hơn 50% số trường hợp tiêm phòng là tiêm mũi tăng cường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/12 nhấn mạnh tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường là điều cần thiết để giữ an toàn cho các doanh nghiệp và các cuộc gặp gỡ trong dịp lễ cuối năm, do biện pháp này giúp bảo vệ người dân trước nguy cơ bệnh trở nặng hoặc tử vong khi mắc COVID-19.
Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) siết chặt phòng dịch khi xuất hiện biến thể Omicron Tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 sau khi một ổ dịch mới bùng phát ở đây và trong bối cảnh biến thể Omicron có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc....