Bộ Công Thương đề nghị GWEC hỗ trợ để hiện thực hóa Net Zero vào năm 2050
Điện than hay điện khí đều là nguồn điện nền rất quan trọng để thực hiện những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ( COP26); đồng thời, Việt Nam đang triển khai những giải pháp vừa giảm được phát thải khí CO2 vừa tăng được năng lượng tái tạo, nhưng vẫn bảo đảm cân đối các nguồn điện, khả năng tài chính của các đối tượng sử dụng điện.
Các Tuabin điện gió của Nhà máy điện gió số 7 tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đi vào hoạt động. Ảnh minh họa: Trung Hiếu/TTXVN
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại buổi làm việc với ông Mark Hutchinson – Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) nhằm trao đổi về chính sách phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những tuyên bố mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề chuyển dịch nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch. Tuy nhiên, để thay đổi từ điện than sang điện gió hoặc điện khí là một quá trình dài với nhiều khó khăn và thách thức.
Bộ Công Thương đề nghị GWEC hỗ trợ để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0″ – Net Zero vào năm 2050, nhất là đẩy mạnh các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.
Cụ thể như đưa ra những tư vấn chính sách đúng đắn và phù hợp với Việt Nam; thông tin để mở rộng nhận thức đối với các cơ quan chức năng, người dân và xã hội; tư vấn về nguồn tài chính với những ưu đãi lâu dài; hỗ trợ công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư và hợp tác đầu tư trong sản xuất điện gió ngoài khơi cũng như trong chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ cho điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, đầu tư và hợp tác đầu tư xây dựng lưới điện thông minh, sản xuất năng lượng sạch như Hydrogen và Amoniac xanh hoặc các năng lượng sạch.
Tại buổi làm việc, ông Mark Hutchinson – Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thể hiện mạnh mẽ vai trò của mình với những cam kết tại COP26.
Đặc biệt, GWEC sẵn sàng cùng Bộ Công Thương tổ chức các hội thảo về lĩnh vực năng lượng tái tạo, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác vận hành, quản lý và phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững. Bên cạnh đó, GEWC hỗ trợ về chuỗi cung ứng cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Video đang HOT
Theo ông Mark Hutchinson, sau dịch COVID-19, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng nhanh, Việt Nam cần xây dựng thêm hệ thống lưới điện nên có thể thu hút nguồn vốn tư nhân vào lưới điện truyền tải.
Nhóm công tác của GWEC sẽ tìm hiểu Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn tài chính ưu đãi trong và ngoài nước; đồng thời, đưa ra những đánh giá để cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc về nguồn vốn trong đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.
Trong giai đoạn vừa qua, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện đã tăng nhanh chóng, đạt gần 80.000 MW trong năm 2021, đáp ứng nhu cầu phụ tải của nền kinh tế tăng khoảng 10%/năm thời gian qua cũng như trong thời gian tới.
Nhờ các quyết sách kịp thời của Chính phủ, thị trường điện năng lượng tái tạo đã đạt được một số kết quả. Đến thời điểm này, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Kết quả thực tế năm 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 30 tỷ kWh.
GWEC là Tổ chức quốc tế đại diện cho ngành năng lượng gió, với trên 1.500 doanh nghiệp và tổ chức thành viên ở hơn 80 quốc gia trên thế giới. GWEC làm việc với các Tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước để góp phần xây dựng môi trường chính sách tốt hơn cho ngành năng lượng gió thông qua việc chia sẻ thông tin, thị trường, hỗ trợ hoạt động xây dựng năng lực, tổ chức hội thảo, truyền thông.
Giải pháp nào cho Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải?
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Ngay sau hội nghị này, một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã được Chính phủ vạch ra và kích hoạt những bước đi đầu tiên; trong đó có việc từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng hoặc đầu tư nhà máy điện mới.
Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc) được triển khai nhanh nhờ sự hỗ trợ lớn của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN
Xu thế giảm phát thải
Theo Bộ Công Thương, nhiệt điện than hiện chiếm hơn 30% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam. Đây là một trong những nguồn cung cấp điện chính, bên cạnh thủy điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, duy trì hệ thống vận hành ổn định.
Thực hiện cam kết tại COP26, Bộ Công Thương cho hay, ngành năng lượng đã và đang trên lộ trình xanh hóa và giảm phát thải, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hướng đến một xã hội phát thải bằng 0 trong những thập kỷ tới.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương trình Chính phủ, Việt Nam không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, đồng thời hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.
Cụ thể, dự thảo Quy hoạch Điện VIII dự báo công suất cực đại đến năm 2030 khoảng 86.500 - 93.300 MW, năm 2045 khoảng 155.000 - 189.900 MW. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn phương án quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000 MW và đến năm 2045 khoảng 343.000 MW.
Trong đó đáng chú ý, so với tờ trình trước đó, nguồn điện than đến năm 2030 đã tiếp tục giảm khoảng 6.000 MW, điện khí giảm 17.800 MW; cùng đó tăng điện gió ngoài khơi 4.000 MW, thủy điện tích năng, lưu trữ tăng 1.500 MW...
Quy hoạch đến năm 2045, điện than giảm khoảng 12.000 MW, điện khí LNG giảm 38.650 MW, đồng thời tăng điện gió ngoài khơi 18.000 MW.
Như vậy so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, công suất nhiệt điện than đã khoảng 14.800 MW.
Việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng xanh, sạch là đúng xu thế, song nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán một cách hợp lý, tăng thế nào và lộ trình ra sao để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, cần có tính toán kỹ trong lập quy hoạch và đảm bảo có nguồn điện mang tính "chắc chắn" trong đầu tư và vận hành trước khi xem xét đưa thêm các nguồn điện có tính thiếu ổn định cao.
Trong dài hạn, với những biến động khó lường của giá than, giá dầu, cùng những tác động về biến đổi khí hậu thì các nguồn điện sạch sẽ có vai trò quan trọng.
Giải pháp nào thay thế cho than
Điện than là một trong những nguồn cung quan trọng cho hệ thống điện, với những ưu điểm như độ tin cậy cao, làm việc liên tục, đóng góp trong phần nền của biểu đồ phụ tải. Mặt khác chi phí sản xuất điện thấp, an toàn... Tuy nhiên, mặt trái của loại hình năng lượng này là việc phát thải nhà kính và sự phụ thuộc vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch...
Để thay thế điện than, Việt Nam có thể sử dụng loại hình năng lượng nào trong tương lai? Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia quốc tế thông tin. Ông Mathias Hollander, Quản lý cấp cao của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho rằng, Việt Nam có lợi thế bờ biển cùng tiềm năng về năng lượng điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nhờ có nguồn điện gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt hệ số công suất hơn 50%, tương đương với thủy điện.
"Việt Nam hoàn toàn thể hướng tới con số 10GW điện gió ngoài khơi ở mục tiêu đến năm 2030. Việc triển khai được nguồn năng lượng này sẽ giúp Việt Nam "an toàn" hơn trước những rủi ro của thị trường nguyên liệu thế giới vốn được dự báo nhiều biến động trong thời gian tới. Trong khi điện gió trên bờ và điện mặt trời đang chưa giải quyết được vấn đề lưu trữ)...", ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC khẳng định.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Điện gió Lagan, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cho phép khối tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Nếu có quy định rõ ràng hơn, các nhà phát triển dự án có thể cân nhắc việc đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn. Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện.
Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, Tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay, các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có thể tạo ra một lượng điện năng đáng kể với tỷ lệ khả dụng cao hơn so với các dạng năng lượng tái tạo trên bờ khác. Việc tăng cường sản xuất năng lượng từ gió ngoài khơi, và hướng tới kích thích phát triển kinh tế cho địa phương và đất nước, cần được hỗ trợ bằng việc nâng cấp lưới điện và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ sớm. Cần có kế hoạch chiến lược cụ thể và mức tài trợ thích hợp để cho phép hỗ trợ năng lượng nhiều hơn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu đã ưu tiên cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Do đó, đối với các nhà phát triển giàu kinh nghiệm và có năng lực, việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn trong xu thế chung của toàn cầu nhằm mục tiêu giảm khí thải. Các quốc gia mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã phát triển cho thấy mức độ đầu tư cao vào công nghệ của ngành này.
Trên toàn cầu, ngày càng có nhiều cam kết nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cho rằng, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về việc đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được nếu có các khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.
Cuộc đua tới Net Zero Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng "0" - Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, tiền đề cho những toan tính...