4 món gỏi lạ ở miền Tây
Gỏi là món ăn quen thuộc ở miền Tây. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món gỏi lạ từ tên gọi tới nguyên liệu, công thức chế biến.
Từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, người miền Tây đã sáng tạo nhiều món gỏi độc đáo như sầu đâu, ba khía, bồn bồn, củ hủ dừa. Gỏi thường dùng để ăn vặt, nhâm nhi trong bữa nhậu hay làm món chính cho mâm cơm gia đình.
Củ hủ dừa (hay đọt dừa) là phần lõi non nhất trên ngọn cây dừa, có vị ngọt, giòn. Ở nhiều nơi, thành phần này thường không được để ý đến. Tuy nhiên, ở miền Tây, người dân đã tận dụng để chế biến theo cách khác nhau như trộn gỏi, nấu canh, kho, hầm…
Trong đó, gỏi củ hủ dừa là món ăn được nhiều du khách yêu thích khi tới đây. Món ăn này không dễ tìm bởi để lấy được củ hủ dừa phải chặt cả cây to. Để làm món gỏi đúng chuẩn, ngoài củ hủ dừa, bạn cần có tôm luộc lột vỏ, thịt, cà rốt ngâm chua ngọt, rau răm…
Gỏi cổ hũ dừa thường kết hợp với món nướng, xào… Ảnh: Quynhu.joyn, brianna__dang.
Gỏi bồn bồn là một trong những món ăn dễ gây tò mò cho du khách ngay lần đầu biến đến. Tên gọi của đặc sản này bắt nguồn từ loài cỏ hoang, một trong những nguyên liệu chính trong chế biến gỏi. Cỏ bồn bồn mọc nhiều trong các ruộng, ao ở miền Tây sông nước.
Giống với nhiều loài cây dại khác, vị giòn, ngọt của bồn bồn đã được người miền Tây tận dụng để chế biến thành món gỏi có hương vị độc đáo. Thành phần chính trong đĩa gỏi là sợi bồn bồn, tôm, thịt ba chỉ, tai heo… Để món ăn thêm đậm đà, vừa miệng, các gia vị không thể thiếu trong nước trộn gỏi là chanh, đường, nước mắm…
Pha chế nước trộn gỏi là công đoạn quan trọng, quyết định hương vị ngon cho món ăn. Ảnh: Hien_chu_, Vietnamesegod.
Sầu đâu hay sầu đông, xoan là cây dại mọc nhiều ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Kiên Giang. Dù có vị đắng chát, lá của loài cây này vẫn được dùng để chế biến món gỏi nức tiếng. Hương vị khác lạ của gỏi sầu đâu khiến nhiều thực khách ăn một lần nhớ mãi.
Sầu đâu dần mất đi vị đắng nhẵn sau khi trụng sơ qua nước sôi, đem trộn cùng cà chua, dưa chuột, xoài và nước me chua ngọt. Do đó, khi thưởng thức, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt hậu ở cuống họng, bùi bùi lạ miệng. Món gỏi này còn được thêm thịt ba chỉ, khô cá lóc, khô cá sặc.
Gỏi sầu đâu thường được người miền Tây làm để tiếp đón khách quý. Ảnh: Babanbanh.
Ba khía là loài cua nhỏ, dùng làm nguyên liệu cho món mắm trứ danh ở miền Tây. Gỏi ba khía là món ăn quen thuộc với người dân miền Tây. Hương vị đậm đà, chua chua, cay cay của đặc sản này đã chiều lòng những thực khách khó tính.
Mắm ba khía, đu đủ xanh bào sợi, đậu đũa, cà chua, rau mùi, lạc rang, chanh, ớt… là những nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến. Gỏi ba khía ngon nhất khi ăn kèm cơm trắng vào những ngày mưa lạnh.
Gỏi ba khía cũng có thể dùng làm món khai vị trong bữa tiệc nhỏ của gia đình. Ảnh: Benny_vuong, Mitsfoody.
Pizza cơm tấm và 3 món Việt được biến tấu
Không ít món ăn Việt để lại dấu ấn đặc biệt trên bản đồ ẩm thực thế giới và trở thành cảm hứng cho nhiều đầu bếp sáng tạo ra những món độc lạ.
Cơm tấm, bánh xèo hay phở là những món ăn quen thuộc với thực khách trong và ngoài nước. Các món này có thành phần, cách chế biến, hương vị đặc trưng, làm nên nét riêng của ẩm thực Việt.
Cuộc sống hiện đại kéo theo những sự giao thoa văn hóa, trong đó có ẩm thực. Pizza lừng danh Italy, bánh taco Mexico hay buger quen thuộc với người Mỹ được kết hợp với những đặc sản lâu đời của Việt Nam, tạo nên các phiên bản món ăn gây sự tò mò cho nhiều thực khách và cũng kéo theo không ít tranh cãi.
Pizza cơm tấm
Một nhà hàng tại TP.HCM đưa món ăn có tên "Pizza Cơm Tấm" vào thực đơn. Ý tưởng kết hợp giữa pizza và cơm tấm nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Trong khi nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi, vẫn không ít thực khách đến tận nhà hàng thưởng thức món ăn này. Món ăn có giá 95.000-190.000 đồng/chiếc.
Đây không phải lần đầu pizza Italy được kết hợp với đặc sản của nước khác. Loại bánh này từng sử dụng nhiều topping mang hương vị Nhật như cá hồi hay gà sốt teriyaki.
Pizza cơm tấm là một phần có đầy đủ thành phần quen thuộc gồm sườn, bì, trứng, phần cơm tấm được thay bằng đế pizza mỏng. Phần chả cũng được biến tấu dưới dạng sốt và có thêm phô mai.
Tài khoản Thư Trần nhận xét: "Một phần bao gồm sườn, bì, chả, ốp la, mỡ hành và pizza, ăn kèm với đồ chua và nước mắm. Vị rất vừa miệng, sườn mềm thấm vị, bì giòn thơm, đồ chua vị vừa phải, khi ăn chan kèm nước mắm mặn ngọt đủ vừa. Thư thấy vị ăn giống hệt cơm tấm vậy, chỉ khác là phần này có thêm phô mai mozzarella nên béo và thơm hơn".
Pizza cơm tấm không có phần cơm nhưng đầy đủ topping của món ăn gồm sườn, bì, trứng, ốp la. Ảnh: tannhan.sg.
Bánh xèo taco
Bánh xèo không còn xa lạ với người Việt, tương tự, món bánh taco được coi như hình ảnh ẩm thực của Mexico.
Bánh xèo taco có phần vỏ bánh taco giòn rụm, dày hơn vỏ bánh xèo. Phần nhân đa dạng gồm những món ăn đặc trưng của người Việt như tôm thịt, chả cá Hà Nội, bò kho.
Món bánh độc đáo này được vị bếp trưởng người Mỹ gốc Việt Peter Cường Franklin sáng tạo. Ông cho biết đã mất nửa năm để nghiên cứu công thức món ăn này.
Chia sẻ về việc kết hợp ẩm thực giữa các nước, Peter nói rằng muốn sáng tạo trước hết cần phải tìm hiểu kỹ văn hóa ẩm thực truyền thống nước đó, cũng như tôn trọng các giá trị văn hóa, lịch sử, sau đó mới tìm cách thức mới để hiện đại hóa món ăn.
Tài khoản Tinanguyen bình luận: "Mình khá thích sự kết hợp văn hóa này. Tuy nhiên, mình không thích phần nhân chả cá lắm. Mình thấy bánh xèo hợp nhất với nhân tôm thịt".
Món bánh xèo taco có phần vỏ bánh taco và các loại nhân như chả cá, tôm thịt, bò kho. Ảnh: trina_tt.
Burger phở
Thời gian gần đây, sự ra đời của chiếc burger vị phở thu hút ý kiến trái chiều của dân mạng. Trong khi nhiều người cho rằng đây là sự kết hợp độc đáo thì một số thành viên cho rằng bỏ ra gần 70.000 thì nên ăn một tô phở chính gốc còn hơn.
Món bánh có hình thức nguyên bản của chiếc burger với 2 miếng bánh mì kẹp ngoài, bên trong là thịt bò, trứng, hành tây. Hương vị phở được biến tấu thành phần nước xốt, ăn kèm húng quế, rau ngò.
Phở vốn là món ăn quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt. Nhiều thực khách trong nước rất khắt khe khi thưởng thức phở chuẩn vị truyền thống. Vì thế, khi món ăn được biến tấu, một số tín đồ phở Việt tỏ ra không hài lòng.
Bên cạnh đó, vẫn có những thực khách tò mò về hương vị món ăn và ủng hộ sự kết hợp văn hóa giữa các nước.
Thành viên kosomap nhận xét: "Mình rất thích phần xốt phở, có vị đậm đà và hợp với nhân bò băm. Với giá tiền 69.000 đồng, mình nghĩ mọi người nên thử thưởng thức món ăn này".
Món burger phở có giá 69.000 đồng. Ảnh: kosomap.
Công thức cho món rau muống xào tỏi xanh giòn, không nhũn Rau muống là món ăn quen thuộc, ai cũng biết làm. Tuy nhiên để xào rau muống xanh giòn, không bị nhũn thì không phải ai cũng biết. Nguyên liệu làm món rau muống xào tỏi 1 bó rau muống 4 nhánh tỏi 1 quả chanh 1 quả ớt chín Gia vị: Dầu ăn, muối, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt. Ảnh minh...